Câu chuyện bắt đầu từ những cảm xúc khá riêng tư, đó là khi tôi đọc được vài dòng trạng thái trên Facebook của thằng cháu hai mươi bốn tuổi, vừa đón đứa con gái đầu lòng. Nó khoe chiếc bình sữa vừa mới mua cho con và nói rằng những gì giúp con khỏe mạnh và sống tốt thì ba không hề tiếc. Chỉ vậy thôi nhưng làm tôi cảm động. Với tình yêu ấy, cậu ta bắt đầu một hành trình làm cha đầy nhọc nhằn nhưng chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui. Tôi tin như vậy.
Còn tôi, ngoài bốn mươi tuổi, sống độc thân và chưa có con. Cha mẹ tôi có tám đứa con, tôi thứ bảy. Sinh ra ở nông thôn trong giai đoạn cả nước khốn khó, nhà nào cũng nghèo như nhau nên tôi lớn lên bằng mọi nỗ lực của cha mẹ, của chính mình và sự đùm bọc lẫn nhau của anh chị em trong nhà. Tôi vẫn tin rằng một đứa trẻ lớn lên ở gia đình đông anh em sẽ được “xã hội hóa” và trưởng thành nhanh hơn. Không có con cái nhưng tôi có cái duyên được chơi với trẻ con từ khi còn nhỏ. Gia đình tôi theo Công giáo, từ nhỏ đã được cha mẹ cho học ở lớp giáo lý của các sơ, làm huynh trưởng khá sớm. Khi tốt nghiệp rồi đi làm, tôi lại có cơ hội gắn bó với lứa tuổi thiếu niên gần mười năm. Chưa có con, nhưng tôi lại chuyên “xúi” người khác có con. Tôi vẫn nghĩ rằng có con là ơn lộc, là điều may mắn hạnh phúc của các cặp vợ chồng. Viết điều này, tôi e rằng liệu có làm tổn thương những cặp vợ chồng chưa được diễm phúc làm cha mẹ. Nhưng cuộc sống vốn vậy, đã là ơn lộc và may mắn thì không có sự cào bằng, phải chịu vậy thôi. Lộ trình để đến quyết định có một đứa con ở mỗi người hoàn toàn khác nhau. Với người này, đó chỉ là vượt qua nỗi sợ hãi lo toan về kinh tế, còn người khác lại là sự dũng cảm chia tay với những cái mà họ nghĩ là “tự do” của lối sống son trẻ. Cũng có người, động cơ của việc có con chỉ để thoát khỏi nỗi ám ảnh cô đơn, thiếu người chăm sóc lúc về già. Nhưng tôi dám chắc rằng nhiều người trẻ hiện nay hoặc lứa trung niên như tôi, khi quyết định có con, họ không nghĩ đến việc trông cậy vào con cái lúc về già. Cũng không thể coi việc có con là một trải nghiệm theo cách thông thường. Đó là một chuyến đi dài mà đứa con chính là người đồng hành. Bạn không thể chắc được rằng con đường đó là tốt hay xấu, hay hoặc dở… chỉ biết rằng nó nhiều buồn vui, lắm nhọc nhằn nhưng là trách nhiệm, là thiêng liêng. Vì vậy, nếu như muốn có con, bạn đừng bao giờ từ bỏ.
Đừng bao giờ từ bỏ cũng là điều mà tôi nói với một cô bạn nhỏ – mà thực ra trong thâm tâm tôi xem như em gái của mình khi dõi theo hành trình của em trong việc tìm kiếm cơ hội để có một đứa con. Hai vợ chồng cùng làm trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế, cơ hội để làm việc và tiền bạc không thiếu nhưng cả hai đều cảm thấy đời sống chưa trọn vẹn – “Tụi em cứ như bạn bè lâu năm”. Tôi nhận ra sự khắc khoải và đau đáu trong ngữ điệu và giọng nói ấy. Nếu cứ vậy, cuộc sống lứa đôi của họ có khả năng tan vỡ. Xét về điều kiện và nỗ lực để tìm cơ hội có một đứa con, họ đều có dư và đã gõ tất cả các cửa, vấn đề chỉ là chờ đợi và hy vọng. Rồi hai vợ chồng đã được đền đáp. Hai đứa con gái xinh như búp bê chính là món quà mà “bề trên đã gửi xuống” – như cách của người chồng chia sẻ.
Nhưng không phải ai kiên trì cũng gặp được đoạn kết có hậu như vậy. Chú thím tôi là một trường hợp. Hai vợ chồng cũng đủ đầy về kinh tế, hỗ trợ anh em nội ngoại rất nhiều khi có khó khăn hoạn nạn, song lại hiếm muộn. Sau khi đã thuốc thang cũng như khấn vái tứ phương, có lần gặp, chú khoe và mời khi nào cháu đầy tháng thì về vui với chú thím. Bẵng một thời gian, có lần hỏi thăm thì nghe mẹ tôi nói thím có thai giả. Tôi bỗng nhớ có dịp báo đài đăng rần rần về việc có nhiều người hiếm muộn uống thuốc và đi cầu khấn ở đâu đó khu vực quận Thủ Đức rồi về mang thai, song tất cả đều là do một loại thuốc làm tích lũy nước… Tôi thương mà không dám hỏi thăm, sợ chạm vào nỗi đau của chú thím lần nữa. Giờ chú thím cũng đã lớn tuổi, nghe nói có nhận một đứa cháu họ làm con nuôi, âu đó cũng là một lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh.
Nhận một đứa trẻ, dù có máu mủ hay không để chăm sóc, đón nhận những niềm vui nỗi buồn từ việc nuôi dạy nó cũng là một giải pháp, nhưng không dễ dàng. Cái khó nhất không phải là thủ tục pháp lý mà ở chính lòng mình. Tôi có người bạn thời còn ở chung ký túc xá, không hẳn rất thân nhưng trên hai mươi năm anh em vẫn thi thoảng gặp, có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết. Đó là một đứa căn cơ. Là sinh viên tỉnh lẻ nên biết mình thiếu hụt nhiều thứ, nó hoạch định cụ thể từng thời điểm mình cần học thêm cái gì, bổ sung cái gì… nên khi ra trường nhiều cơ hội việc làm và ổn định kinh tế rất nhanh. Nó là đứa lập gia đình sớm trong nhóm. Gần đây hay liên lạc cà phê, tán gẫu, nó nói niềm vui lớn nhất của vợ chồng nó hiện nay là cùng đi làm từ thiện. Hai vợ chồng đã từ bỏ ý định tự có con vài năm nay, do tuổi tác và sức khỏe. Việc tìm nhận một đứa con nuôi vẫn còn trong dự kiến nhưng đang cân nhắc. Tôi biết, vợ chồng nó đã suy nghĩ về điều này khá lâu và chưa hoàn toàn tự tin mình có thể chia sẻ với một đứa trẻ xa lạ tất cả mọi thứ…
Quả thực, một đứa trẻ khi đến với cuộc đời của chúng ta như một món quà. Nhưng việc tiếp nhận món quà đó như thế nào chính là vấn đề của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, đúng hay sai thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu và có quyền quyết định. Tôi bỗng nhớ đến bạt ngàn nến sáng trong dịp lễ cầu siêu cho những đứa trẻ không có cơ hội đến với cuộc đời. Ước gì mỗi ngọn nến ấy có thể thắp lên sự ấm áp trong lòng của những cặp vợ chồng cô đơn, được hoài thai trong lòng của những người phụ nữ hiếm muộn.