“Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”, Thanh Bùi chưa từng trích dẫn câu nói ấy trong những lần trả lời phỏng vấn. Nhưng ai cũng nhìn thấy cái khát vọng “trồng người” của anh suốt bốn năm qua, kể từ khi trường dạy nhạc SOUL Academy ra đời.
Khát vọng thay đổi
Thanh Bùi là một trường hợp hiếm của làng giải trí Việt Nam bởi anh nổi tiếng ở nước ngoài trước, được cộng đồng quốc tế đón nhận trước rồi mới trở về Việt Nam. Nhưng hoạt động văn nghệ trong nước một thời gian, Thanh Bùi… chới với. Anh cảm thấy không thể hòa nhập nổi vào guồng máy giải trí đã làm sai lệch ý nghĩa của nghệ thuật đi quá nhiều, Thanh Bùi quyết định trở về Úc. Đấy là ngày đầu năm 2012.
Lúc ấy, câu nói của người vợ Trương Huệ Vân đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy của anh. Cô nói: “Anh đã được tiếp xúc với những người thầy dạy nhạc hàng đầu trên thế giới. Vậy sao anh không nghĩ đến chuyện thay đổi, mà cứ ngồi đây chê trách làm gì? Anh đã làm được gì chưa, hay chỉ biết than thở”.
Thanh Bùi cho biết đấy là lần đầu tiên anh cảm thấy… cứng họng. Và anh hiểu rằng đã đến lúc thôi “blame the world” (than trách thế giới) mà chuyển sang “change the world” (thay đổi thế giới). Nói là làm, anh mở học viện Soul với sự ủng hộ của vợ và bắt đầu vào một hành trình gian nan: Truyền cảm hứng cho các em nhỏ, để mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho nền giải trí Việt.
Vậy Thanh Bùi dạy gì? Anh bảo mình không dạy nhạc, chính xác hơn là không chỉ dạy nhạc, anh còn dạy cả cách sống, cách tư duy tích cực hơn. Anh nói: “Nghệ thuật rộng hơn là biểu diễn nhiều, nghệ thuật không chỉ có showbiz và sự nổi tiếng. Albert Einstein là thần đồng về violin. Bill Clinton thổi saxo cực tốt. Khoa học đã chứng minh: một đứa bé học âm nhạc từ nhỏ sẽ tự tin hơn, ý thức cuộc sống tốt hơn”.
Sự tự tin là gì? Là tin tưởng vào bản thân mình. Vì tin tưởng nên sẽ không đố kỵ, không ganh ghét, không rập khuôn. Thanh Bùi lớn lên ở một môi trường văn minh, nơi người ta quen vỗ tay để tán thưởng thành công của người khác. Với những người trong cùng một ngành, sự thành công của đối phương tạo ra một sự đố kỵ tích cực. “Tôi chúc mừng anh, nhưng tôi sẽ làm mọi cách để giỏi như anh hoặc hơn anh. Chứ tôi không nói xấu và chơi xấu anh”. Thanh Bùi nói. “Còn ở đây, sự đố kỵ lớn quá. Mọi người sính ngoại và sẵn sàng chê bai không tiếc lời người cùng quốc tịch với mình”.
Một vấn đề khác mà Thanh Bùi muốn thay đổi, đó là lối tư duy thực dụng, chỉ nghĩ đến lợi ích. Anh nói: “Người ta chỉ biết cho mình, nhưng không phải lỗi của họ đâu. Gandhi từng nói: “Be the change you wish to see in the world”. Tức là mình phải thay đổi chính mình trước đã. Thế nên tôi mở Soul, để tạo ra một cộng đồng mới, một cộng đồng biết chia sẻ, biết cổ vũ, biết nâng đỡ nhau”.
Thanh Bùi gọi việc mình làm là gieo những hạt giống. Đấy là một chặng đường dài và gian nan. Nhưng những cái tên như Tiên Tiên hay Vũ Cát Tường bước ra từ Soul cho thấy anh đã đi đúng hướng. Thanh Bùi từng nói việc dạy học và trình diễn cũng giống như nấu món thịt kho và mì gói vậy. Mì gói đơn giản hơn, thịt kho khó nấu hơn, mới nhìn thì thấy… xấu xí nhưng ăn vào sẽ thấy ngon hơn rất nhiều. Ngay cả cách chọn ví dụ, Thanh Bùi cũng đã chọn một ví dụ rất… Việt Nam.
Thay đổi chính mình
Vì sao Thanh Bùi lại quyết định trở về Việt Nam? Vì theo anh, người ta không thể chọn gốc gác của mình mà chỉ có thể làm mọi thứ tốt nhất để gốc gác ấy trở nên có ý nghĩa mà thôi. Thanh Bùi sinh ra ở Úc, anh mang quốc tịch Úc, và là một người Úc đúng nghĩa. Thế nhưng có một thứ vẫn nhắc nhở anh về nguồn cội: cái tên Bùi Vũ Thanh mà bố mẹ đặt cho. Anh bảo dù có ăn bao nhiêu món tây, nói tiếng tây và hát nhạc tây thì vẫn không thể xóa bỏ được cái gốc gác của mình, là tóc đen, da vàng và một gương mặt Á Đông.
Và cho dù có lúc cảm thấy xấu hổ là một người Việt Nam, Thanh Bùi vẫn làm mọi cách có thể để vinh danh quốc gia mình. Mở Soul với mơước lãng mạn là góp phần tạo ra một showbiz lành mạnh hơn là một ví dụ, anh còn tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện và nhiều chiến dịch về môi trường. Ngay chính cái tên anh, Thanh Bùi, vẫn được anh giữ nguyên chứ không hề thêm vào một chữ tiếng tây nào cho dễ đọc.
Trong những lần gần nhất gặp Thanh Bùi, người viết ngạc nhiên là anh đã không còn chêm vào bất kỳ một chữ tiếng Anh nào nữa khi nói chuyện. Đấy là một quá trình tập luyện rất dài, với một người vốn phát ngôn tiếng Việt không rành vài năm về trước. Nhưng bởi vì đã đi theo con đường giáo dục, chính Thanh Bùi hiểu mình phải khó khăn với chính mình trước tiên.
Và bây giờ, Thanh Bùi là một con người ngập tràn cảm hứng. Anh nói chuyện và lập tức truyền niềm đam mê đến người đối diện. Khả năng sử dụng ngôn ngữ của Thanh Bùi giờ đã đạt đến trình độ điêu luyện. Anh sử dụng thành ngữ, chơi chữ tuyệt vời không thua gì người Việt sống trong nước từ nhỏ. “Nghệ thuật là văn hóa”, anh nói. “Nếu không bảo vệ được nghệ thuật, mình sẽ mất luôn cả văn hóa. Xã hội hôm nay có quá nhiều những sự sai sót, có quá nhiều sự nổi loạn vì mình không định hướng được, ý thức được tầm quan trọng của nghệ thuật”.
Một người Việt ở hải ngoại trở về giờ đây lại là một người ươm mầm tài năng cho nghệ thuật Việt Nam. Đấy là một sự trớ trêu, nhưng là sự trớ trêu cần thiết cho một nền giải trí đang bị đảo lộn những giá trị. Và Việt Nam cần nhiều hơn những người thầy, những kẻ điên rồ lãng mạn như Thanh Bùi.
Tên Việt, người Việt
Thanh Bùi tên đầy đủ là Bùi Vũ Thanh sinh năm 1983 tại Adelaide, Úc. Anh dùng cái tên Thanh Bùi suốt từ khi nổi lên ở cuộc thi Australian Idol đến nay. Ở Hoa Kỳ, nhà thiết kế nổi tiếng Thái Nguyễn cũng kiên quyết không đổi sang tên nước ngoài cho dễ gọi mà vẫn giữ tên gốc của mình. Họ đều là những người sống ở nước ngoài, nhưng giữ gìn bản sắc Việt còn hơn cả những người ở trong nước. Thanh Bùi nói: “Tôi không chấp nhận một người làm nghệ thuật Việt Nam mà không biết Trịnh Công Sơn hay Ngô Thụy Miên”.
- Minh Trần