Trên đỉnh cao sẽ có gió lớn, kể từ khi đạt được mốc 660 (ngày 7-7, sau đó giảm điểm và lại đạt mốc này vào ngày 11-8), VN-Index luôn trong tình trạng “rung lắc”. Những cố gắng bứt tốc ra khỏi vùng giá này của chỉ số đã không thành do áp lực chốt lời, khiến cho VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng kể trên. Hoạt động chốt lời trong thời gian qua còn có sự tham gia của một nhóm nhà đầu tư nước ngoài, khiến cho trạng thái chung của khối ngoại là bán ròng. Và tiếp theo một tuần bán ròng mạnh cuối tháng 8 là một tuần bán ròng còn mạnh hơn! Trong tuần đầu tiên của tháng 9, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng trên cả hai sàn, chủ yếu là trên HSX.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại như vậy đã bán ròng đối với thị trường chứng khoán nước ta và theo Bloomberg, đây là năm đầu tiên sau 10 năm mới xảy ra tình trạng đó. Theo các nhà phân tích, hoạt động bán ròng của khối ngoại không hẳn là do các vấn đề nội tại của doanh nghiệp hay của nền kinh tế, mà có thể chỉ nhằm luân chuyển dòng tiền, chẳng hạn là tập trung nguồn lực cho các đợt IPO của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong thời gian tới. Cũng có ý kiến cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại là để chuẩn bị đối phó với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất USD (trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ diễn ra vào hai ngày 20 và 21-9 tới). Tuy nhiên, rất có thể lần này tác động của việc tăng lãi suất USD sẽ không gây ra những tác động tiêu cực đối với các thị trường chứng khoán, cả ở tầm mức thế giới cũng như ở nước ta, do tất cả đã có một thời gian khá dài để thích ứng.
Không có gì bất ngờ khi lượng bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trên HSX là VNM (lên đến 532,46 tỉ đồng), cổ phiếu “ngôi sao” của thị trường hiện nay. Cộng thêm thông tin hai tổ chức thuộc nhóm Dragon Capital là Amersham Industries Ltd và Grinling International Ltd cùng đăng ký bán (lần lượt 2,5 triệu và 2 triệu cổ phiếu) VNM, bluechip này đã giảm điểm khá mạnh. Tuy nhiên, chưa thể nói trước được điều gì sẽ đến với giá của VNM trong thời gian tới. Cuối tuần qua, MV Index Solutions (MVIS) thông báo thêm VNM vào danh mục Market Vectors Vietnam Index với tỷ trọng 8%, cao nhất trong danh mục mới. Trước đó, cổ phiếu này cũng được MSCI thêm vào rổ tính MSCI Frontier Markets Index và FTSE đưa vào danh mục FTSE Vietnam Index trong kỳ tái cơ cấu danh mục hàng quý. Khi danh mục mới của VanEck Vectors Vietnam ETF trong đợt đảo danh mục lần thứ ba của năm 2016 này có hiệu lực và chính thức được giao dịch (ngày 19-9), người ta mới có được câu trả lời về giá của VNM. Nếu các nhà đầu tư “gom” VNM trong thời gian qua cho mục tiêu dài hạn, cổ phiếu này sẽ tăng giá mạnh. Ngược lại, nếu việc mua vào ấy hoàn toàn mang tính đầu cơ, nhà đầu tư sẵn sàng bán ra khi các quỹ ETF rầm rộ mua vào, VNM sẽ tiếp tục giảm điểm. Dù gì thì thị trường trong những ngày giữa tháng 9 cũng phải xáo trộn do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Việc họ bán ra hàng loạt các cổ phiếu trụ cột và mua vào cổ phiếu VNM chắc chắn sẽ tác động đến giá của những cổ phiếu này.
Nhìn chung, thị trường đang tiềm ẩn nhiều bất ngờ, có thể là rủi ro giảm điểm nhưng cũng có thể là cơ hội nếu dòng tiền trong nước vẫn hoạt động tích cực đồng thời khối ngoại không còn bán ròng. Dù theo kịch bản nào thì một danh mục đầu tư gồm cổ phiếu của những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trong trung và dài hạn cũng sẽ giúp cho nhà đầu tư thu được lợi nhuận bất chấp sự biến động của hai sàn giao dịch.
Ngọc Khang (DNSGCT)