Khác với các nước phương Tây, hầu hết gia đình châu Á, khi con cái trưởng thành, bố mẹ thường cho con phần lớn tài sản mà họ tích cóp được, như nhà cửa, đất đai, các khoản tiền tiết kiệm… Tuy nhiên, không phải đứa con nào cũng biết cách sử dụng những tài sản này của bố mẹ, để tạo ra nền tảng tài chính vững chắc cho chính mình. Nhiều trường hợp, khi nhận được khoản tiền lớn từ bố mẹ, cuộc sống của con cái còn trở nên khó khăn hơn, do không biết quản lý tài chính hiệu quả.
Mới đây, trên tờ Business Insider, cây bút Cameron Huddleston đã chỉ ra rằng, thay vì để lại cho con cái những khoản tiền lớn, các bậc phụ huynh có thể cùng con chuẩn bị một kế hoạch tài chính cho riêng chúng, ngay từ khi còn nhỏ, nhằm tạo một bước đệm vững chắc hơn cho con cái sau này.
1. Hãy cho con một công việc
Giống như bài học đầu tiên chúng ta học được về tiền bạc, những công việc part-time sẽ dạy cho con bạn hiểu giá trị của bản thân chúng, giá trị của sức lao động, của tiền bạc. Bên cạnh đó, công việc còn giúp con bạn học cách sống có trách nhiệm hơn, chỉn chu và mạnh mẽ hơn sau này.
Năm 1936, khi mới sáu tuổi, cậu bé Warren Buffett (hiện là người giàu thứ ba thế giới, với khối tài sản lên đến 60,8 tỉ USD) đã biết mua lại một giỏ sáu lon Coca-Cola với giá 25 xu, rồi chia ra bán lẻ từng lon với giá 5 xu/lon. Chưa dừng lại ở đó, Warren Buffett còn kiếm tiền bằng cách nhặt những quả bóng golf bị mất, đóng gói chúng lại rồi đem bán. Khi 10 tuổi, Warren Buffett tự xuất bản tờ tin Stable Boy Selection, một “ấn phẩm” chuyên cung cấp thông tin về những chú ngựa và phân tích cơ hội thắng giải của những chú ngựa này. Năm Warren 12 tuổi, bố của ông (Howard Buffett) trúng cử vào Quốc hội và muốn Warren tập trung hơn cho việc học, nhưng Warren vẫn tự biết cách cân bằng thời gian để vừa học tập tốt (năm lớp 12, Warren Buffett được nhận vào học tại Trường Tài chính và Thương mại Wharton lừng danh của Đại học Pennsylvania) vừa kinh doanh tốt, khi cậu vẫn nhận phát báo đến năm vòng cùng một lúc xung quanh Washington D.C, mỗi buổi sáng phát được đến 500 tờ báo, kiếm được số tiền bằng với mức lương làm toàn thời gian là 175 USD.
Tương tự Warren, dù xuất thân là con một trong một gia đình danh giá ở Seattle, cậu bé William Henry Gates III (Bill Gates) khi 14 tuổi đã thử kinh doanh không dưới ba lần, bằng cách thuê những học sinh khác làm công việc đục lỗ những phiếu giảm giá, vé mời… với mức tiền công chỉ vài xu/giờ.
2. Dạy cho con cách khiến tiền bạc làm việc cho mình
Khi con bạn sớm học được bài học từ giá trị của đồng tiền, bạn nên chuẩn bị bước tiếp theo để những đứa trẻ của mình không bị rơi vào “cái bẫy của tiền bạc”, khiến chúng trở thành những con nghiện kiếm tiền rồi để tiền bạc chi phối cuộc sống của chúng.
Dạy cho con cách khiến tiền bạc làm việc cho mình, cách đầu tư sinh lợi, bạn sẽ dạy cho chúng rằng thực chất tiền bạc chỉ là công cụ để chúng biết cách theo đuổi đam mê, theo đuổi những điều hạnh phúc và ý nghĩa hơn trong cuộc sống.
Năm Warren 11 tuổi, Howard Buffett – bố của Warren – đã giúp cậu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường trở thành nhà đầu tư xuất sắc nhất mọi thời đại, bằng việc giúp cậu mua ba cổ phiếu của Công ty Cities Service với giá lúc bấy giờ là 38 USD/cổ phiếu (Howard Buffett khi ấy là một nhà môi giới chứng khoán). Sau đó, Warren nhanh chóng bán ba cổ phiếu trên khi chúng vừa tăng giá 40 USD/cổ phiếu, để rồi cậu học được bài học giá trị đầu tiên khi những cổ phiếu Cities Service này nhanh chóng tăng giá lên đến 200 USD/cổ phiếu.
Một tỉ phú khác, là Carlos Slim (người giàu thứ tư thế giới, với khối tài sản ước tính 50 tỉ USD) cũng bắt đầu học cách đầu tư khi ông bước sang tuổi 15, bằng “thương vụ” mua 44 cổ phiếu của Ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó.
3. Khuyến khích trẻ tiết kiệm và học cách tiêu xài hợp lý
Theo khảo sát của Công ty T Rowe Price có trụ sở tại Baltimore, Maryland, Mỹ, có tới 51% những đứa trẻ sẽ tiêu ngay số tiền mà bố mẹ chúng cho chúng, ở bất cứ tình huống nào. Việc dạy trẻ tiết kiệm vì thế chưa bao giờ là một điều dễ dàng dành cho các bậc phụ huynh, thậm chí ở nước ta, nhiều bậc bố mẹ thường dùng “khổ nhục kế”, “than nghèo kể khổ” liên tục trước mặt con trẻ, để dạy cho chúng tiết kiệm.
Tuy nhiên, theo Cameron Huddleston, thay vì tác động từ bên ngoài, dùng lời lẽ hay hình phạt, cách tốt nhất mà phụ huynh nên làm, là tác động từ bên trong, cụ thể hãy dạy cho con mình cách theo đuổi mục tiêu, dạy chúng cách tiết kiệm vì một điều gì đó, và hỗ trợ con tiết kiệm để đạt được mục tiêu đề ra. Một chuyến du lịch với bạn bè, với gia đình, một chiếc xe đạp hay thậm chí chỉ là những món đồ chơi mới, bạn sẽ dạy được cho trẻ không chỉ giá trị của sự tiết kiệm, mà còn là giá trị của việc theo đuổi mục tiêu và dạy cho chúng những bài học từ sai lầm trong chi tiêu, giúp ích cho kế hoạch tài chính của trẻ sau này.
Tuấn Thành (DNSGCT)