“Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Câu hát xưa của người miền Trung đã phần nào cho thấy sức thu hút của bài chòi. Đến nay, không ít du khách vẫn say mê với hội bài chòi tổ chức trước đây vào đêm thứ Bảy nay thì tổ chức hằng đêm ở phố cổ Hội An vào mùa cao điểm du khách.
Hội bài chòi được tổ chức trong một khoảng sân rộng giữa phố, bên cạnh dòng sông Hoài thơ mộng. Khá đông người đã chọn cho mình một chỗ ngồi trước giờ bắt đầu trò chơi, nhiều người không chơi bài mà chỉ đến nghe hát. Thông thường, ván bài được điều khiển bởi một đôi anh Hiệu và chị Hiệu hát đối đáp nhưng đôi khi chỉ có một nam hoặc một nữ độc tấu trong cả buổi chơi.
Bộ bài chòi gồm có 30 lá được chia thành 10 loại thẻ gỗ. Anh Hiệu (người hô bài chòi) vừa hát câu mở màn: “Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe/ Lẳng lặng mà nghe, tôi hô con mấy/ con mấy nó ra đây…”, hay “Gió Xuân phảng phất ngọn tre/Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi…”, anh Hiệu vừa xốc ống bài, rút ra một con và hát một câu hát có tên con bài để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán (hô thai).
Người nào có lá bài được anh Hiệu xướng tên thì hô lên để anh mang con bài đến.Khi có chiếc thẻ gỗ ghi tên ba quân bài được nêu tên, người chơi sẽ “tới” và ván bài kết thúc. Đám đông khán giả không chỉ lắng nghe từng câu hát mà chốc chốc lại reo lên thích thú với những chiếc thẻ gỗ trên tay, rồi hớn hở đón nhận những chiếc cờ vàng từ tay các “anh thị vệ” của đoàn diễn. Phần thưởng cho người thắng cuộc thường là ly rượu do anh Hiệu mời và được tặng một chiếc đèn lồng Hội An để làm kỷ niệm.
Hội bài chòi đêm Hội An được đánh giá là một sân chơi văn hóa sôi nổi và lôi cuốn, mang đậm tính tập thể và tính dân gian. Thú chơi bài chòi không quan trọng chuyện được thua mà thú vịở chỗ thưởng thức những câu hô trầm bổng, nhịp nhàng, du dương như nghe đọc thơ.
Một ván bài có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ và thường mỗi đêm có ba hoặc bốn ván. Người chơi tha hồ đoán tên lá bài theo câu hát dài hơi của anh Hiệu. Trong khi trẻ con giành nhau ngồi gần sân khấu thì các cụ già thả hồn theo lời ca và ngồi gõ nhịp phách say sưa cùng tiếng trống.
Trong nhịp trống hòa cùng tiếng lả lướt của đàn nhị, anh Hiệu ngâm nhiều câu thơ lục bát một cách nhuần nhuyễn mà không bị trùng lắp trong cả ván bài. Anh lại còn khéo léo hô một cách chậm rãi hay ngâm bài hát dài khiến cho người nghe hồi hộp chờ đợi rồi đoán già đoán non đó là con bài gì.
Chẳng hạn như: “Một anh để em ra/ Hai anh để em ra/ Về em buôn em bán/ Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo/ Còn dư trả nợ thịt heo/ Anh đừng lầm em nữa, kẻo mang nghèo vì em” (Con bài Nhì nghèo) hay “Rượu say mất hết tính người/ Cờ bạc, hút hít, vương rồi khó gỡ ra/ Sạch túi rồi đến sạch nhà/ Bí đường, tắt lối phải ra làm liều” (Con bài Nhì bí). Anh Hiệu gần như hát liên tục trong suốt ván bài, giữa những lần hô là câu hát kết nối kiểu như: “Ba đồng một mớ trầu cay, sao anh không hỏi những ngày còn không/Con gì nó ra đây, là tôi đây hô tiếp là hô tiếp con gì…”.
Đêm bài chòi Hội An cũng thu hút nhiều du khách nước ngoài, trong đó có các khách châu Âu tham gia cuộc chơi một cách hồn nhiên. Họ không hiểu câu thơ nhưng lại nhờ các em nhỏ phụ giúp. Một số khách may mắn trúng thưởng rất vui khi chụp hình chung với anh Hiệu.
Nhiều nhà nghiên cứu gọi quá trình biểu diễn, ứng tác của anh Hiệu là các nghệ sĩ hát bài chòi dân gian với lối kể chuyện giàu tính nghệ thuật. Nhiều người đến hội bài chòi không phải vì “ghiền” chơi mà chỉ để xem anh Hiệu trình diễn các làn điệu dân ca, hát đối đáp, ứng biến tài tình, hấp dẫn. Cùng với thơ và nhạc, việc ứng tác các câu hô thai phản ánh sâu sắc đạo lý cuộc sống trong giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của anh Hiệu luôn cuốn hút người nghe.
Có những câu hát của anh làm cho cả hội bài chòi cười nghiêng ngả bởi tính hài hước, vui nhộn, rất dân dã, gần gũi đời thường.Người xem khi thì lặng người trước câu hát tự tình, khi thì bật cười thoải mái trước sự hài hước của câu hát và cách diễn xuất của người nghệ sĩ dân gian. Cứ thế, hội bài chòi diễn ra tới khuya…