Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên với thông tin Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) thông báo đăng ký mua 500 ngàn cổ phiếu FPT (giao dịch dự kiến được thực hiện trong tháng 12 này qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận), bởi mới cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, chính SIC đã tiến hành thoái toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu FPT. Ngạc nhiên ở chỗ một đơn vị thuộc sở hữu nhà nước cũng đang mua bán trên thị trường theo kiểu “lướt sóng”, nghĩa là bán ra trong giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh (bắt nguồn từ chính thông tin thoái vốn của SIC), có thời điểm FPT chạm ngưỡng 53.500 đồng/cổ phiếu, rồi mua vào trong giai đoạn cổ phiếu này điều chỉnh (những phiên giao dịch cuối tháng 11, FPT chỉ giao dịch trong vùng giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu). Ngoài ra, SIC còn đăng ký mua 300 ngàn cổ phiếu VNM trong khoảng thời gian này, cũng là lúc VNM vào giai đoạn điều chỉnh sau khi sự hào hứng với thông tin SIC thoái vốn qua đi.
Xu hướng mua bán của SIC cũng tiêu biểu cho thị trường trong giai đoạn này, đó là đầu tư ngắn hạn. Ngay cả các công ty chứng khoán cũng đang tư vấn cho các nhà đầu tư cần thận trọng và hạn chế giao dịch trong giai đoạn này. Trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng với những vụ khủng bố, xung đột, có thể tác động trực tiếp đến kinh tế của nhiều quốc gia, khu vực, còn kinh tế trong nước chưa có những thông tin tích cực, sự thiếu lạc quan, e ngại cũng là điều dễ hiểu. Thêm vào đó là tác động đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Phiên mua ròng cuối tuần trước đó không báo hiệu cho sự đổi chiều xu hướng của họ, các nhà đầu tư nước ngoài đã có tuần bán ròng thứ ba liên tiếp. Những ngày cuối tháng 11, họ đã bán ròng 146 tỉ đồng trên cả hai sàn giao dịch. Việc khối ngoại liên tục bán ròng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào giữa tháng 12 để quyết định về lãi suất đồng USD chắc chắn không đem lại tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư trong nước.
Nhiều mã vốn hóa lớn điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm khá mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 11. Trong tháng “chủ yếu đi xuống” này, VN-Index kết thúc tuần (từ 23 đến 27-11) giảm 3,58% so với một tuần trước, chỉ còn 582,86 điểm. HNX-Index tỏ ra vững vàng hơn khi chỉ giảm 0,12%, dừng ở 81,49 điểm. Tuy nhiên, các nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ không giảm giá theo các bluechip, thậm chí nhiều cổ phiếu đầu cơ còn tăng mạnh, trở thành tâm điểm của dòng tiền. Nghĩa là chỉ có một nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng pha với VN-Index (tăng khi chỉ số này tăng và ngược lại), còn đa phần các mã mang tính thị trường cao đang vận động ngược chiều với VN-Index. Thanh khoản trên cả hai sàn giao dịch đang được cải thiện, dù một bộ phận không nhỏ đến từ các công ty chứng khoán, ẩn trong các khoản vay margin dành cho các nhà đầu tư cá nhân. Khối lượng khớp lệnh trên HSX tăng 12,4% so với tuần trước, còn trên HNX, khối lượng khớp lệnh cũng tăng 27,6%.
Quý cuối cùng của năm đã trôi qua được hai phần ba. Trong khi tháng 10 đem đến sức sống cho chỉ số, khi tăng khá (từ 562,64 điểm lên 607,37 điểm) thì tháng 11 đã kéo lùi thành quả của VN-Index, đưa chỉ số về dưới 580 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường đang bị chi phối bởi đà giảm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và động thái bán ròng của khối ngoại, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư trung và dài hạn mở vị thế mới mua nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng có thể đến vào đầu năm 2016. Dĩ nhiên, để thị trường đi lên, cần có sự trở lại của dòng tiền đầu tư, chứ không phải là dòng tiền margin như hiện nay. Các cổ phiếu thị trường tăng mạnh trong những tuần gần đây nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp điều chỉnh, dù điều này không có ảnh hưởng lớn đến xu hướng chung của thị trường.
Nửa đầu tháng 12 cũng là kỳ tái cơ cấu danh mục của hai quỹ VNM ETF và FTSE ETF (dự kiến quỹ FTSE ETF công bố vào ngày 4-12, quỹ VNM ETF là ngày 12-12). Sự thay đổi trong danh mục của các quỹ ETF có ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm cổ phiếu được dự báo sẽ thêm, bớt trong danh mục tái cơ cấu của họ (lần này là HHS, PPC, HPG…). Tuy nhiên, qua “sự cố BID” mới đây (cổ phiếu này được đưa vào rồi lại đưa ra khỏi danh mục), hẳn các nhà đầu tư muốn “ăn theo” hoạt động này của hai quỹ đã có thêm kinh nghiệm. Vậy nên, có thể dự báo rằng hoạt động đảo danh mục của hai quỹ lần này sẽ không gây nhiều sóng gió cho thị trường.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường chìm trong sắc đỏ. Với 165 mã giảm giá trong khi chỉ có 56 mã tăng giá, VN-Index mất 9,66 điểm (1,66%), chỉ còn 573,2 điểm. Thanh khoản ở mức trung bình, đạt 2.108,153 tỉ đồng. Thị trường đang vào giai đoạn xấu cho dòng tiền đầu cơ. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư giá trị, đây chính là thời điểm mà họ có thể giải ngân.
Tuấn Thành (DNSGCT)