Nghe có vẻ khó tin. Bao nhiêu ý kiến, đề đạt gây tranh cãi kia. Công nhân làm nặng nhọc, đứng máy hại sức khỏe, chỉ mong có chính sách về hưu sớm. Có đồng “lương hưu” cơ bản rồi (nói thật, chỉ đủ mua thuốc hoặc vài cái đám cưới đám ma thăm người đẻ người bệnh nữa là hết), nhưng yên tâm đồng tiền ổn định.
Với lại, về hưu sớm đâu phải để nghỉ ngơi. Còn sức còn làm thêm bao việc. Có chút vốn quay ra buôn bán. Người bán tàu hủ xe đẩy hay anh xe ôm cũng có người kiếm tháng năm, bảy triệu, hơn lương tiến sĩ. Bao nhiêu người già cần chăm sóc, bao người cần giúp việc nhà… Nếu đừng mắc bệnh sĩ thì thu nhập chẳng kém gì “công nhân viên”.
Ái chà, chỉ là có chịu lao động hay không thôi, đừng ngồi mà than trách.
Còn những người “nghe về hưu là sợ” thì vô số kể. Người chân chính không có gì để tham nhũng hối lộ hay kiếm chác thì sợ về hưu người ta coi thường (hưu rồi là cơ quan người ta quên sạch. Họ còn quay cuồng bận rộn o bế người mới). Những người có chức quyền xưa nay kiếm chác được là sợ hưu nhất. Mất nguồn vừa tài chính vừa quyền uy tiếng tăm đãi đằng. Chính vì xã hội “thiếu trong sáng” thế nên người văng ra khỏi bộ máy là thất thế, mất thân quen nhờ vả kiếm chác.
- Xem thêm: Về hưu ở tuổi 35
Đó là những chuyện thông thường. Đằng này có những người trẻ “ngon lành” cũng thích về hưu sớm. Ai vậy?
Bây giờ quanh ta lác đác đã có những anh chủ tuổi bốn mươi thành công một chút. Chưa thành đại gia cỡ bự với bao công trình dự án phải lao theo, phải “nâng tầm quan hệ rộng lớn” cũng đầy lo nghĩ bất trắc, anh ta có một chút vốn, có kinh nghiệm nghề nghiệp, chán ngán cuộc đời làm thuê đầy áp lực.
Người thì tìm vùng ven nội thành mở trường mẫu giáo, nhà trẻ. Người mở quán cà phê, tiệm ăn, buôn bán phụ tùng xe hơi, tiệm net, hiệu thuốc. Còn tiệm may, shop thời trang thì của các cô giới showbiz mất rồi. Họ biết gu và đám khách quen, mình không cạnh tranh nổi.
Có người mở nhà hàng khách sạn, nhà nghỉ dưỡng bờ biển. Làm gì cũng phải vất vả mới kiếm đồng tiền, nếu rời chỗ “béo bở tiêu cực” mà bỏ sức ra thật sự kinh doanh trong nền kinh tế kém minh bạch này.
Bây giờ có nhiều “ông bà chủ tuổi ba mươi, bốn mươi, năm mươi” học hành đàng hoàng. Thiếu gì các anh các chị xưa lập nghiệp ban đầu cũng “cày như điên”, làm nhân viên, trợ lý cho sếp các doanh nghiệp. Ngay cả các sếp ăn mặc sang trọng, ngon lành vậy nhưng họ cũng thuộc diện “cày” ghê rợn nhất, cày ra bã. Lao động cật lực mới thành người giỏi nhất.
Cứ như thế, bỏ thương hiệu này sang doanh nghiệp, tổng công ty nọ, ở đâu cũng nhận ra nỗi khó khăn lớn nhất là… không biết làm sao cho vừa lòng sếp.
- Xem thêm: Để nghỉ hưu sớm
Làm mãi, làm mãi, thấy toàn deadline (hạn chót), chạy trối chết, nghề gì mà không có điểm dừng. Ban đầu thì phải chứng minh mình giỏi, được việc, lương cao. Quay đi quay lại con lớn lên, ngẩng mặt lên thì mình đã… già, đã bốn mươi. Đời như thế này sao?
Câu hỏi ấy chỉ đến với người trẻ thành công. Chứ người đang lập nghiệp, đang tìm vị trí thì chưa hỏi thế, cắm đầu cày cái đã. Khi muốn đừng tối mắt tối mày, có cuộc sống mình tự chủ, đủ sống và được làm công việc của mình, công việc yêu thích, đó là lúc muốn mình… về hưu. Tức là “ra khỏi… tù” (Về hưu như ra khỏi tù – lời của ông Nelson Mandela hẳn hoi nhé).