Đi tàu cao tốc từ Rạch Giá, chúng tôi chỉ mất hơn ba tiếng đồng hồ là tới quần đảo Nam Du. Trên đường đi, tàu còn kịp ghé qua hòn Tre, trung tâm của huyện đảo Kiên Hải và hòn Sơn Rái, một hòn đảo nổi tiếng về nước mắm. Sau đó, tàu mới tiếp tục rẽ sóng lên đường.
Chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, trước mắt mọi người lại hiện ra những cụm đảo xanh rì giữa trùng khơi. Đó chính là quần đảo Nam Du với 21 đảo lớn nhỏ, tạo thành một vùng non nước hữu tình.
Bước lên hòn Củ Tron thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, trung tâm của quần đảo Nam Du, mọi người đều hơi bất ngờ trước cảnh dưới biển tàu ghe neo đậu san sát, trên bờ bà con ngư dân tấp nập mua bán, náo nhiệt không thua gì đất liền.
Theo lời kể của người dân, cách đây vài thập niên, An Sơn chỉ có mấy chục gia đình, nay thì đã có trên 1.200 hộ với 5.000 cư dân sinh sống tập trung nơi các triền núi và bãi biển trù phú. Củ Tron có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với những câu chuyện về Nguyễn Ánh khi ông đến đây lánh nạn. Đảo còn có ngọn hải đăng canh giữ cho vùng trời Tây Nam cao 309 mét.
- Xem thêm: Ngắm quần đảo An Thới từ trên cao
Từ trên ngọn đèn biển, toàn cảnh quần đảo đập vào mắt du khách như một tuyệt tác của thiên nhiên, đẹp nhất là lúc bình minh hoặc ráng chiều mờ ảo. Khách phương xa đến Củ Tron thường tham quan bãi Chệt, bãi Ngự, và hấp dẫn nhất là bãi Giếng, một làng chài mang vẻ đẹp hoang sơ với nhiều ghềnh đá hình thù kỳ quái. Thú vị hơn, du khách có thể thưởng thức nhiều món ngon vật lạ do tự mình ra bãi biển chọn mua, rồi nhờ các quán ăn chế biến theo sở thích riêng.
Đối diện với hòn Củ Tron là hòn Ngang và cách đó khoảng 3km là hòn Mấu, đây đều là những nơi dân cư đông đúc, đa số sống bằng nghề đánh bắt hải sản và nuôi cá lồng bè, chỉ một số ít mua bán, làm dịch vụ, đóng tàu thuyền, sản xuất cá khô, mực và làm rẫy, vườn.
Hòn Mấu có những bãi cát trắng, bãi đá màu, những bè cá mú, cá bớp và những làng chài đẹp như bức tranh quê mộc mạc thanh bình. Ngoài những hòn đông dân trên, một số hòn ở Nam Du chỉ có một hai gia đình sinh sống như hòn Nồm, hòn Dầu, hòn Đụng… Số còn lại đều là hoang đảo.
Đến đây, muốn tìm hiểu về đời sống làng chài hoặc khám phá những nét kỳ vĩ của thiên nhiên, du khách có thể thuê một chiếc đò máy để đi từ đảo này sang đảo khác để tha hồ ngắm cảnh, bắt ốc và làm quen với các tay thợ lặn cừ khôi suốt ngày tung hoành dưới đáy biển mà nhiều người thường gọi họ là những hiệp sĩ “ăn cơm trên bờ làm việc dưới nước”.
Đến hòn Ngang về đêm, nhìn ra khơi, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn lấp lánh trông như những chòm sao lung linh càng làm tăng thêm sự huyền ảo, vắng lặng của một vùng biển đảo xa bờ.
Có thể nói, mỗi địa danh ở Nam Du đều mang một dáng vẻ riêng nhiều nét hấp dẫn, nhất là các bãi biển với nhiều ghềnh đá chông chênh, nhiều tảng đá chồng chất lên nhau tạo thành những bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Ở hòn Đụng, hòn Ông, hòn Nốm, mỗi đảo chỉ có một, hai gia đình sinh sống nên nếu có dịp ghé thăm và ở lại qua đêm, nhiều du khách sẽ thấy rằng đời sống trên đảo vắng cũng có nhiều nét thi vị đáng nhớ.