Đến Ireland vào giữa hè, thời điểm ấm áp và khô ráo nhất ở đảo quốc này, vậy mà chúng tôi vẫn không tránh được những cơn mưa bất chợt và những màn sương mù thoáng qua. Được cái du khách trong đoàn chẳng ai phàn nàn thời tiết đỏng đảnh. Bởi sau mỗi màn mưa nhẹ như rải ngọc, vùng đất được mệnh danh là “Hòn đảo màu ngọc lục bảo” lại càng tươi xanh màu cỏ cây. Vẻ biêng biếc của biển, của trời cũng càng thêm đậm sắc.
Nét kỳ vĩ của một vùng đá cổ
Đặt chân lên thủ đô Dublin, nhiều người tiếp tục ngạc nhiên trước vẻ cổ kính, bình yên quá đỗi của thành phố. Những kiến trúc kiểu mới chỉ điểm xuyết chứ không cạnh tranh với vẻ đồ sộ, lộng lẫy của các lâu đài, các dinh thự xây bằng đá hộc xanh đã sừng sững qua nhiều thế kỷ. Phố cổ vẫn êm đềm, màu sắc văn hóa truyền thống Ireland vẫn nguyên vẹn ở những ô cửa nhiều hoa, ở những trang trí mặt tiền đỏ rực mà thanh lịch. Tiếng nhạc dân gian xa xưa vẫn rộn ràng từ đường lớn vào ngõ nhỏ.
Vậy mà Dublin từ lâu là điểm đến ưa thích của các tập đoàn công nghệ hiện đại bậc nhất. Những cái tên như Google, eBay, Twitter, Paypal cùng rất nhiều hãng công nghệ, dược phẩm khác đều đặt văn phòng ở đây để làm tổng hành dinh cho cả châu Âu. Ireland thật không hổ danh là quốc gia có chỉ số phát triển con người hàng đầu, và xuất khẩu phần mềm đứng thứ ba trên thế giới.
Dublin duyên dáng, Dublin sang trọng, nhưng mang lại danh hiệu đảo ngọc cho Ireland lại là thiên nhiên tuyệt vời được bảo vệ nghiêm ngặt. Cơn mưa phùn ban sớm khiến tour tham quan vách đá Moher (Cliff Moher) của chúng tôi có vẻ kém thuận lợi, song có những cung đường trong mưa nhìn càng ấn tượng.
Theo lời hướng dẫn viên vùng đá cổ ven biển Ireland đã xuất hiện từ thời kỳ đầu của trái đất. Mặt đá xanh đen nhẵn bóng trong mưa và sáng lên dưới ánh nắng yếu ớt của ngày nhiều mây. Chen lẫn giữa đá là cỏ mọc ngút ngàn. Có lẽ khung cảnh này chẳng mấy khác với thuở hồng hoang, khi con người còn chưa xuất hiện.
Rồi mưa cũng tạnh, nắng cũng lên. Cánh đồng xanh non trải dài bất tận hai bên đường bất ngờ bừng lên sức sống. Những bụi hoa dại đỏ, vàng, tím đung đưa theo gió nhẹ. Xa xa đàn cừu ngoan ngoãn gặm cỏ nhìn như những cụm bông gòn trắng muốt. Xe đi qua nhiều ngôi làng nhỏ nổi bật giữa núi đồi với màu ngói, màu sơn tường nhà thật rực rỡ. Chưa biết kỳ quan Cliff Moher của đất nước này thế nào, chứ khung cảnh mà mọi người được ngắm nhìn đã xứng đáng với 15 euro tiền tour đi về trong ngày.
Sau hai giờ mê mải ngắm đồng cỏ, làng mạc, vách đá Moher sừng sững bên Đại Tây Dương cũng dần hiện ra trước mắt cả đoàn. Trí tưởng tượng của tôi bắt đầu phiêu du về một khối sa thạch khổng lồ hình thành hàng ngàn thế kỷ trước, nằm ngay cửa một con sông từ thời cổ đại. Qua thời gian với những biến chuyển của gió, đất, trời và biển cả, vách đá bị ăn mòn và có hình thù kỳ vĩ như ngày hôm nay.
Cliff Moher trải dài hơn 8km men theo bờ biển, vách đá nơi tập trung nhiều khách tham quan cao hơn mực nước biển đến 240m. Du khách đi chầm chậm trên con đường nhỏ được ngăn bởi hàng rào và lối đi bằng đá nhằm bảo vệ người bộ hành khỏi tai nạn, cũng như nỗi sợ độ cao khi đứng ngắm cảnh từ trên miệng bờ vực vách đá.
Nơi đây, bầu trời hòa cùng màu xanh thăm thẳm của nước biển tạo nên khung cảnh bao la, khoáng đạt mê người. Nhìn về phía đất liền là cánh đồng hoa cúc dại vàng rực xen những chùm bồ công anh trắng muốt. Bồ công anh hoa mịn như lông ngỗng mọc tràn xuống cả bờ vách đá. Chỉ cần một cơn gió thổi nhẹ, những cánh hoa trắng mỏng lập tức bay lên, xoay tròn. Vách đá màu xám đen chia tầng khắc khổ, khô cứng vậy mà lại là chốn cư ngụ của hoa dại và hàng vạn tổ chim biển.
Mùi gió biển và mùi hoa cỏ đồng nội khiến ai nấy sảng khoái sải bước nhanh hơn. Nhờ tinh thần ưa mạo hiểm được cổ vũ bởi tiếng gió lộng vun vút xen lẫn âm thanh từ những cánh chim mòng biển đang chao liệng xa xa, chúng tôi đi hết những bậc thang và lối đi bằng đá. Sau khi vượt khỏi ranh giới hàng rào ngăn cách, chỉ một số ít đủ sức men theo con đường mòn rất nhỏ vừa đủ cho bước chân một người.
Theo đường mòn này, tôi len ra được phía ngoài thảm cỏ xanh với rất nhiều hoa dại li ti khoe sắc, tỏa hương thoang thoảng dễ chịu. Ngồi ở đây sẽ được ngắm toàn cảnh vách đá Bồ Công Anh vừa nên thơ vừa hùng vĩ, chỉ có điều gió táp vào mặt đến không mở mắt ra được. Chặng về, ai nấy đi như bò dọc bờ vực vì đường trơn và vì sợ gió cuốn bay. Vậy mới thấy khâm phục những du khách mua tour mạo hiểm đi dạo Moher bằng xe đạp.
“Vượt biên” đến Bắc Ireland
Hôm sau, chúng tôi “vượt biên” từ Cộng hòa Ireland sang Bắc Ireland. Về mặt chính trị, đảo Ireland bị chia cách thành hai quốc gia là Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh, trong đó Cộng hòa Ireland chiếm hơn 80% diện tích đảo. Từ Dublin đến thủ phủ Belfast của Bắc Ireland chỉ mất 80km, không tranh thủ cũng uổng!
Nhất là khi chuyện chạy qua biên giới bằng xe bus khá dễ dàng và cảnh sát Bắc Ireland cũng chẳng mấy khi làm khó du khách đi về trong ngày. Có một điểm hay là các tặng phẩm tại các cửa hiệu đồ lưu niệm ở hai quốc gia luôn luôn thể hiện trọn vẹn hình đảo quốc. Hàng lưu niệm đa số là các vật phẩm liên quan cỏ ba lá (biểu tượng của toàn đảo Ireland) và hình ảnh con cừu.
Belfast còn yên ả hơn cả Dublin. Sau khi dạo một vòng cho biết thủ phủ, chúng tôi theo tour đi Giant’s Causeway ở phía Bắc Ireland. Tour này mất 9 bảng Anh cho hai giờ đi, hai giờ về và bốn giờ tham quan. Qua một cung đường đồng quê đẹp như mơ, tour mở ra trước mắt mọi người vùng biển tuyệt đẹp Antrim mà Giant’s Causeway tạo thành điểm nhấn vô cùng đặc sắc.
Đây là một vịnh biển làm từ hàng triệu phiến đá hình lục giác được thiên nhiên đẽo gọt tỉ mỉ, vuông thành sắc cạnh, khớp vào nhau lạ kỳ, cứ y như người ta lát đá nền đường. Những phiến đá này vốn là nham thạch được tôi luyện trong lửa, mài mòn trong nước, và rồi đứng vững khăng khít với nhau qua hàng triệu năm. Trèo lên đống đá ai nấy chỉ sợ trượt ngã.
Nhìn sang đối diện, ngọn núi trước mặt chúng tôi cũng được hình thành từ những phiến đá lục lăng này. Đá xếp chồng lên nhau, bị nước biển tạt, rêu bám, rồi đất phủ, cỏ che, giờ xanh ngắt, chỉ vài ba chỗ lộ ra phiến đá, nhìn vào đó mới biết ruột của những ngọn núi cũng toàn là những viên đá lục giác bóng nhẵn.
Hướng dẫn viên bảo ngày xưa chỗ đoàn đang ngồi cũng cao như ngọn núi ấy. Vậy mới thấy sức tàn phá của nước. Nước đập vỡ các khối đá, nhấm chìm vô số vào lòng biển. Nhìn kỹ xuống mặt nước mới thấy lớp đá này phủ trên lớp đá kia, tầng tầng lớp lớp…