Gian bếp gia đình tưởng chừng nhỏ bé và đơn giản đối với bạn nhưng thực sự là một nơi khá rối rắm với đủ các vật dụng từ gia vị, muỗng to, muỗng nhỏ, chén bát, xoong nồi… chỉ liệt kê ra thôi cũng làm bạn đau đầu rồi. Nếu gian bếp được sắp xếp một cách khoa học và vệ sinh sạch sẽ thì mọi việc trở nên đơn giản, thuận tiện.
Tổ chức sắp xếp nội thất, khâu lưu trữ các vật dụng
Việc sắp xếp các vật dụng trong bếp cũng khá phức tạp, trừ khi bạn có ngôi nhà thật lớn và đương nhiên nhà bếp của bạn sẽ rộng lớn, còn lại thì hầu hết diện tích dành cho gian bếp ở các gia đình thường nhỏ, do đó việc sắp xếp các vật dụng, bố trí đồ nội thất cần phải cân nhắc cho phù hợp. Trước hết là hệ tủ bếp, đóng kệ cao, hay tủ chén riêng biệt, dù là kiểu nào thì bạn nên chọn tủ có kết hợp với kính để giúp nhìn thấy các vật dụng một cách dễ dàng. Một gợi ý khác là kết hợp đảo bếp vừa có thể chứa được nhiều thứ đồng thời cũng là bàn chuẩn bị thức ăn và sau cùng là làm bàn ăn, tiết kiệm được diện tích.
Còn vị trí của bồn rửa, bếp nấu, tủ lạnh chứa các nguyên liệu nấu nướng có nên đặt gần nhau hay không? Lời khuyên đưa ra là bạn nên đặt theo hình tam giác, như vậy khoảng cách và thời gian thao tác làm bếp sẽ được rút ngắn. Nếu có ý định thay một chiếc tủ lạnh thật to để dự trữ được nhiều thức ăn cho cả nhà và mua sắm thêm nhiều thứ nữa…, bạn cần suy tính kỹ, hãy chọn những vật dụng hài hòa và phù hợp với tổng thể không gian chung của nhà bạn. Với căn bếp quá nhỏ, bạn nên quên ý nghĩ ấy đi và thỉnh thoảng hãy mạnh dạn bỏ đi những thứ “đồ để đấy” nhằm giúp gian bếp gọn gàng xinh xắn. Cảm giác thật thoải mái và vui vẻ trong nấu ăn mới tạo nên món ăn ngon.
Màu sắc, ánh sáng trong gian bếp
Do diện tích của gian bếp thường nhỏ nên các nhà thiết kế khuyến khích chủ nhà chọn gam màu sáng để tạo sự thông thoáng hoặc gam màu ấm để tạo được sự ấm cúng.
Ánh sáng trong gian bếp là một phần quan trọng, cần có đủ ánh sáng, từ ánh sáng chung cho đến ánh sáng cục bộ của từng khu vực làm bếp như bồn rửa, nơi chuẩn bị nguyên liệu… để việc thao tác và nấu nướng được thuận tiện.
Dán nhãn cho các lọ gia vị
Một trong những nhầm lẫn thường gặp nhất trong bếp là hai loại gia vị muối và đường. Các bà nội trợ thường chọn mua những chiếc lọ đựng gia vị xinh xắn và thường thì chúng giống nhau. Trừ chủ nhân của gian bếp thuộc làu tất cả các vị trí của các vật dụng, các thành viên trong gia đình chắc chắn sẽ khó phân biệt được những thứ như muối, đường, cùng các loạt bột từ bột để chiên, bột để ướp, các loại bột nêm, bột chay… vân vân và vân vân. Vậy tại sao bạn không đặt tên cho các loại gia vị, đơn giản chỉ cần ghi tên các gia vị như muối, đường… vào giấy và lấy băng keo dán vào, nếu dùng giấy có keo dán, bạn cũng nên dán thêm lớp băng keo bên ngoài sẽ giúp nhãn dán không bị ướt không bị trôi mất chữ. Như vậy, sẽ chẳng còn thành viên nào trong gia đình than thở là thật đau đầu khi vào bếp nữa.
Xử lý mùi
Các gian bếp thường bị ám mùi của thức ăn và mùi ẩm mốc, giải pháp thông thường là máy hút mùi, bên cạnh đó còn có những giải pháp tối ưu là giếng trời, lỗ thông gió, kết hợp trồng vài chậu cây có công dụng lọc không khí vừa là vật trang trí cho gian bếp. Ngoài ra các nguyên liệu trong bếp cũng có tác dụng khử mùi như một vài lát chanh, xác trà, cà phê… Các loại vỏ bưởi, vỏ quýt phơi khô khi đốt lên cũng có tác dụng khử mùi, đun ít giấm ăn lên cũng khử được mùi tanh trong bếp, hay giữ lại vỏ chanh rải ở rãnh cửa có tác dụng ngăn chặn gián xâm nhập vào phòng.