Từ năm 2012, khi được sự công nhận của Công ước quốc tế Ramsar về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý các vùng đất ngập nước, Vườn quốc gia Tràm Chim đã khôi phục môi trường sống tự nhiên cho 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ cùng một hệ động thực vật phong phú.
Cùng với đó là việc mở ra nhiều tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, tuyến du lịch mùa nước nổi đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái đặc trưng, tiêu biểu về bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học. Người dân xung quanh được tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập một cách bền vững.
Trong tám năm qua, dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại Vườn quốc gia Tràm Chim với tổng đầu tư gần 1,2 triệu USD đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cùng thực hiện. Qua đó, việc quản lý thủy văn được cải thiện, mực nước được điều chỉnh, các loài thủy sinh, thủy sản phát triển, thảm thực vật được phục hồi… Thiên nhiên ở đây trở thành một điểm du lịch được yêu thích ở Đồng Tháp. Đồng thời, dự án trên cũng tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải thiện một phần cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch.
Tính đến hết năm 2014, đã có hơn 60.000 lượt khách đến tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim, tăng gấp bốn lần so với năm trước đó. Tuyến đường mới từ TP. Hồ Chí Minh đến Vườn quốc gia Tràm Chim nay chỉ còn 150km. Tuyến đường vào thị trấn Tràm Chim dài 18km cũng đã đưa vào sử dụng.
Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Vườn quốc gia được tham gia khai thác tài nguyên hợp lý vào mùa nước nổi, trung bình có thể kiếm thêm gần 1,5 triệu đồng/tháng cho mỗi hộ dân. Người dân được tuyên truyền, tập huấn, tham gia vào các hoạt động phục vụ du khách như chèo xuồng, gặt lúa ma, kể chuyện, nấu ăn, bắt chuột đồng…
Vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm), người tham gia dự án được vào khai thác các loại rau đồng như: bông súng, rau muống, rau trai và đánh bắt tôm cá (tuyệt đối không được săn bắt chim). Trong đó, các hộ dân khó khăn được hỗ trợ ngư cụ và xuồng để có điều kiện tham gia khai thác thủy sản khi mùa nước về.
Ngoài 21 chiếc tắc ráng phục vụ du lịch qua hình thức xã hội hóa, sắp tới, Vườn quốc gia dự kiến đưa dịch vụ ôtô điện và dịch vụ xe đạp vào phục vụ khách tham quan trong dịp hè. Đây cũng là hình thức hợp tác cùng cộng đồng, cải thiện thu nhập cho cư dân trong vùng, đưa ngành dịch vụ du lịch phát triển.
Trung tâm Du lịch – Giáo dục môi trường Vườn quốc gia đang xây dựng nhiều dự án phục vụ khách du lịch, làm giàu từ rừng nhưng vẫn giữ được hệ sinh thái và cá thể rừng như: sản xuất rượu trâm, rượu ô môi, mứt cà na, các loại cây chồi mồi, bông điên điển, bông súng… dùng trong ẩm thực, thức uống giải khát, phục vụ du khách. Sắp tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch Vườn quốc gia để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng.
Một số hạng mục công trình sẽ được đầu tư như: cầu vượt (cổng chào), phòng chiếu phim, khoanh rào khu vực dịch vụ, đài quan sát, bến tàu nổi, nâng cấp bến tàu cũ, phòng trưng bày trứng chim và cá nước ngọt, cải tạo trạm thu vé, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh… Để tạo cơ hội phát triển du lịch sinh thái địa phương, một sự kiện có tên Ngày hội du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra tại Vườn quốc gia Tràm Chim với chủ đề “Tràm Chim mùa nước nổi” từ ngày 25 đến 27-9-2015, hứa hẹn thu hút thêm nhiều lượt khách đến đây tham quan.