Theo thống kê mới nhất, tổng dư nợ tín dụng với nền kinh tế tính đến 20-7 đã tăng 7,32% so với cuối năm 2014. Con số này cho thấy sự tăng trưởng rất nhanh của tín dụng so với cùng kỳ năm 2014 (chỉ tăng 3,15%). Việc tín dụng tăng tốc cho thấy nhu cầu về vốn của nền kinh tế đang ngày càng tăng và cũng phát ra tín hiệu rằng nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi. Không những thế, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc tín dụng tăng mạnh sau một thời gian “lặng lẽ” khá dài còn cho thấy khả năng đáp ứng về vốn của nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng đã được cải thiện. Điều này thể hiện niềm tin của các ngân hàng thương mại vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung đã tăng lên so với trước. Những lo ngại về tăng trưởng nóng tín dụng đặt ra lúc này là khá sớm, bởi mức tăng hiện vẫn ở trong khoảng hợp lý so với những mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra. Có chăng là nếu nhà điều hành không kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng vừa được “nới room”, để lọt lưới đơn vị đặt mục tiêu tín dụng cao trong khi tiềm lực không đủ, thì có thể sẽ tạo áp lực về chất lượng tín dụng và cạnh tranh không lành mạnh không có lợi cho nền kinh tế.
Tín dụng tăng, doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hơn, nhưng niềm vui của họ sẽ không trọn vẹn khi các ngân hàng không có nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay. Nói cách khác, thị trường tiền tệ những tháng cuối năm có thể sẽ duy trì mức lãi suất huy động – cho vay ổn định như hiện nay. Đây là một “điểm trừ” bởi nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, với tỷ lệ lạm phát dự báo năm nay chỉ khoảng 2 – 3%, lẽ ra lãi suất còn phải giảm hơn so với mức hiện nay (lãi suất huy động ngắn hạn 5 – 6%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn 8 – 9%/năm). Nếu lãi suất cho vay giảm thêm, các doanh nghiệp được hỗ trợ, kích thích tăng trưởng, nền kinh tế sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Đó là do lãi suất trên thị trường vốn nước ta không chỉ phụ thuộc vào cung – cầu vốn, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô khác. Yếu tố lạm phát tuy quan trọng, thường có tính “tham chiếu” cho lãi suất trong những năm trước đây, nay phải nhường cho các biến số kinh tế khác. Đó là các khoản thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách và đặc biệt là chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Việc tỷ giá VND/USD được duy trì ít nhất cho đến cuối năm khiến cho lãi suất huy động tiền đồng khó giảm thêm, một phần để người gửi tiền không chuyển sang nắm giữ USD. Thực tế đó khiến cho lãi suất huy động cả các kỳ hạn ngắn và dài tại các ngân hàng đều duy trì khá ổn định, thậm chí có xu hướng tăng.
Ngoài ra, với đặc điểm của thị trường tài chính nước ta, nhu cầu về vốn được đáp ứng chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng, nên để huy động đủ nguồn vốn đáp ứng cho nền kinh tế trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh như hiện nay, lãi suất huy động khó có thể giảm. Chưa kể, với sự phục hồi của nền kinh tế, lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản sẽ tăng lên, cạnh tranh trực tiếp với kênh tiền gửi tiết kiệm, khiến cho yêu cầu về mức lãi suất mong muốn của người gửi tiền cũng tăng lên. Chính vì điều này, dư địa để giảm lãi suất cho vay gần như không còn. Dựa trên kỳ vọng về các chính sách tỷ giá của nhà điều hành, lãi suất huy động – cho vay và mức độ tăng trưởng kinh tế, thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định.
Ngọc Khang (DNSGCT)