Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó Côn Đảo sẽ trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị du lịch. Dự kiến, khoảng 1.000ha đất tại Côn Đảo sẽ được phát triển thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Quy hoạch cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Côn Đảo đón được khoảng 300 ngàn lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 120 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 1.200 tỉ đồng và đến năm 2030 là khoảng 2.800 tỉ đồng… Thị trường khách du lịch sẽ tập trung vào khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử – cách mạng. Ngoài các tuyến du lịch nội đảo xuất phát từ thị trấn Côn Sơn (hoặc vườn quốc gia Côn Đảo) đi các điểm tham quan: Mũi Chim Chim – Cỏ Ống – vịnh Đầm Tre, bãi Ông Đụng – bãi Ông Câu – núi Thánh giá, mũi Cá Mập – vịnh Bến Đầm; tuyến đi bộ, đạp xe đạp… sẽ hình thành thêm các tuyến du lịch liên vùng (đường không và đường biển) kết nối Côn Đảo với TP. Vũng Tàu, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Cần Thơ, đảo Phú Quốc… để tăng cường thu hút khách.
Địa danh Côn Đảo với 16 đảo lớn nhỏ là nơi sinh trưởng của những khu rừng nhiệt đới, đang nổi lên là một địa điểm du lịch đặc sắc không chỉ trong nước mà còn thu hút nhiều du khách quốc tế. Vùng nước ở đây có màu xanh ngọc với những loài sinh vật biển vô cùng đa dạng, từ cá heo, rùa biển cho tới những dải san hô tuyệt đẹp. Phát triển du lịch những năm vừa qua đang được kiểm soát trong mức độ vừa phải để không làm hỏng vẻ nguyên sơ, hoang dã của quần đảo.
Ly Lam (DNSGCT)