Tăng trưởng tín dụng của nước ta những năm gần đây thường là “đầu âm, cuối dương”, nghĩa là những tháng đầu năm khởi đầu chậm chạp, thậm chí tăng trưởng âm, đến những tháng giữa năm mới từ từ nhích lên, để rồi tăng tốc hoàn thành kế hoạch vào dịp cuối năm. Thế nhưng, năm nay mọi chuyện rất khác. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến 31-3 đã tăng khoảng 1,5% so với cuối năm 2014. Mức tăng không lớn nhưng cũng đủ khiến nhiều người bất ngờ. Với tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, không ít cá nhân và cả doanh nghiệp không mặn mà với các khoản vay mới. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng thường dè dặt quan sát thị trường chứ không vay vốn để mở rộng hoạt động. Mức tăng dù chỉ tương đương 0,5%/tháng trong bối cảnh ấy là đáng ghi nhận, chứng tỏ nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh ngay từ đầu năm mới và gõ cửa ngân hàng để vay vốn. Kinh tế chung khởi sắc có thể đánh giá qua tốc độ tăng trưởng GDP (6,03%) và cầu tiêu dùng tăng khá ấn tượng trong quý I. Theo đó, tổng cầu tiêu dùng của cả nước đã tăng 9%, mức tăng theo quý lớn nhất từ bốn năm qua. Các ngân hàng thương mại cũng rất tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động cho vay, tìm kiếm khách hàng mới. Một số ngân hàng lớn đã chủ động đẩy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên cao hơn năm ngoái.
Có một vấn đề cũng khác với thông lệ, đó là dù đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm mới, nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn rất dồi dào. Tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư vẫn đổ vào hệ thống khiến cho các ngân hàng không những đủ sức đáp ứng nhu cầu cho vay mà còn giảm thêm lãi suất huy động đầu vào để hạ chi phí vốn và giảm bớt áp lực dư thừa vốn. Những ngày vừa qua, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động, mức giảm khoảng 0,2 – 0,4%/năm, tùy từng kỳ hạn, đa phần là các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động phổ biến kỳ hạn một tháng chỉ còn 4%/năm. Giới phân tích cho rằng việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động không còn là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sắp hạ trần lãi suất như trước đây nữa, mà chỉ là tuân theo quy luật cung – cầu của đồng vốn của từng ngân hàng. Ngoài ra, việc các ngân hàng giảm chi phí vốn đầu vào cũng giúp họ có thể giảm 1 – 1,5%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Động thái này của các ngân hàng thương mại sẽ giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác và tỷ giá USD/VND cũng đang trong tình trạng “đụng trần” như hiện nay.
Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng trong tuần đầu tháng 4 đã gần chạm trần của Ngân hàng Nhà nước, điều này đang tạo áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá của cơ quan này. Do cung – cầu ngoại tệ vẫn đang trong tầm kiểm soát, nên các chuyên gia kinh tế nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn mà chỉ bán ra USD khi thị trường thiếu hụt, sau đó mua vào khi thị trường dư thừa đồng USD, giống như thời điểm cuối năm 2014. Dù vậy, việc neo tỷ giá quá lâu có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nước, đặc biệt khi nước ta có thể trở lại xu thế nhập siêu trong năm nay sau ba năm liên tiếp xuất siêu. Ngoài ra, dư địa để giảm thêm lãi suất không nhiều. Nếu lãi suất huy động quá thấp, thấp hơn lạm phát thì tiền có thể chảy ra khỏi ngân hàng, khiến thanh khoản của hệ thống căng thẳng trở lại.
Minh Hằng (DNSGCT)