Thanh khoản của thị trường tuần qua tăng mạnh, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 20,6%, còn sàn HNX tăng 26,5% so với tuần trước. Tuy nhiên, đây không phải là tín hiệu tích cực chứng tỏ dòng tiền trở lại với thị trường. Bởi giao dịch mua bán chỉ tăng đột biến trong phiên cuối tuần và đó là do các quỹ ETF chốt việc cơ cấu danh mục.
Loại đi phiên giao dịch đột biến đó, đây vẫn là một tuần giao dịch ảm đạm, nối tiếp đà suy giảm của thị trường kể từ sau kỳ nghỉ tết. Nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc thị trường đi xuống là do động thái điều chỉnh các mặt hàng đầu vào khá mạnh tay của nhà điều hành cộng với tác động từ chính sách – cụ thể là dự thảo đang được lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 210 theo hướng siết chặt hơn nguồn vốn mà các công ty chứng khoán có thể được vay. Hai chỉ số chính tiếp tục giảm, VN-Index giảm thêm 1,82% xuống 575,84 điểm, còn HNX-Index giảm 0,69% xuống 85,13 điểm.
Như đã nói, giao dịch trên thị trường tuần qua có dấu ấn không nhỏ của khối ngoại. Họ đã thực hiện ba phiên bán ròng và hai phiên mua ròng trên HoSE, xét về giá trị thì họ bán ròng 6,38 tỉ đồng. Trong khi đó, trên sàn HNX, với hai phiên bán ròng và ba phiên mua ròng, khối ngoại mua ròng tương ứng 14,55 tỉ đồng. Mức mua bán ròng của khối ngoại là không đáng kể, giao dịch có thể xem là cân bằng. Tuy nhiên, diễn biến thanh khoản tăng vọt vào phiên giao dịch cuối tuần của họ khiến các chỉ số kỹ thuật bị nhiễu, khiến cho ngay cả các chuyên gia dày dạn cũng khó thể dự đoán dòng tiền của khối ngoại sắp tới có chuyển trạng thái hay không. Bên cạnh đó, những thông tin tích cực đến từ kết quả kinh doanh quý I trước mùa đại hội cổ đông sẽ tác động đến các cổ phiếu liên quan.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định chưa tăng lãi suất như dự báo đã giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc, đồng USD cũng giảm giá trở lại so với các đồng tiền khác. Dù FED chưa tăng lãi suất ngay, nhưng với tín hiệu phát đi về việc sẽ tăng, dòng tiền có xu hướng rút khỏi các thị trường ít tiềm năng để quay lại nước Mỹ. Tuần qua, quỹ ETF Vaneck niêm yết tại Mỹ đã bị rút vốn mạnh và với việc chi phí vốn đồng USD cao hơn, dòng tiền từ các quỹ đầu tư Mỹ sẽ tiếp tục rút ra khỏi thị trường nước ta thời gian tới. Trước đó, thời điểm cuối quý III đầu quý IV-2014, do lo ngại FED tăng lãi suất, dòng vốn nước ngoài đầu tư tại các thị trường mới nổi bị rút ra khá mạnh, trong đó có thị trường nước ta. Tháng 10, tháng bán ròng mạnh nhất của khối ngoại (lên tới 1.116 tỉ đồng) rơi vào thời điểm FED ra tuyên bố chính thức chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3. Điều đó cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và dòng vốn luân chuyển trên các thị trường quốc tế. Với thị trường chứng khoán nước ta, những thông tin như vậy rõ ràng là có tác động không nhỏ.
Trên thị trường, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp tổ chức phát hành thêm cổ phiếu. Việc tăng vốn nhìn chung là hoạt động bình thường và cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường chứng khoán, bởi sẽ có thêm nguồn vốn giá rẻ mà không phải đi vay mượn. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có tác động tích cực khi doanh nghiệp tăng vốn ở mức hợp lý, phù hợp với tình hình tài chính của đơn vị mình và năng lực quản trị để đảm bảo sử dụng vốn đạt hiệu quả. Còn nếu như việc tăng vốn ồạt lên gấp vài lần mức hiện tại trong khi không có kế hoạch cụ thể cho việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro thua lỗ, giá cổ phiếu giảm mạnh trong tương lai. Đó là chưa kể việc tăng vốn quá nhiều và nhanh của các doanh nghiệp đang khiến nhà đầu tư lo ngại dòng tiền vào thị trường sẽ bịảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản giảm sút hiện nay.
Với sựấm lên của thị trường bất động sản, nhóm cổ phiếu nóng này đang được mua bán mạnh hơn so với các nhóm ngành khác. Dù vậy, nhà đầu tư cũng chỉ tập trung vào những cổ phiếu có thông tin tích cực. Bên cạnh đó, các cổ phiếu được hưởng lợi từ tỷ giá euro giảm và các cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền, cùng với cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng, trả cổ tức cao, chia thưởng lớn…
Phiên giao dịch đầu tuần (23-3), khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn, sắc đỏ chiếm ưu thế. Hầu hết các mã ngành chủ chốt đều giảm điểm. Trên HoSE, chỉ GAS và MSN tăng điểm không “kéo” nổi đà giảm của chỉ số. Kết thúc phiên, với 162 mã giảm và chỉ 63 mã tăng giá, VN-Index mất thêm 4,55 điểm, lùi về 570,89 điểm. Thanh khoản có khá hơn mức chung của những phiên trước, nhưng vẫn còn thấp, chỉ đạt 1.839,531 tỉ đồng. Những ngày tới, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn sẽ nhìn vào động thái của khối ngoại để quyết định chiến lược mua bán cho mình. Nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng, thị trường sẽ còn có những phiên giảm điểm.
Thành Huân (DNSGCT)