Chiến thắng rực rỡ tại lễ trao giải Oscar vừa qua, bộ phim tâm lý hài Birdmanđược mọi người nhắc đến nhiều bởi những cú máy dài (longshot) cực kỳ xuất sắc, biến bộ phim như chỉ được quay đúng một lần duy nhất (one take). Đây là điều mà rất hiếm có bộ phim nào có thể thực hiện.
Khi ấp ủ niềm đam mê thực hiện Birdman, đạo diễn Alejandro G. Iñárritu biết rằng mình đang dự định làm một điều rất điên cuồng, nhưng trước khi bộ phim được bấm máy, ông chưa tưởng tượng được mức độ “điên cuồng” mà ông đang hướng tới. Rồi cho đến một ngày đi dùng bữa với bậc tiền bối, là nhà làm phim trứ danh Mike Nichols (đạo diễn các tác phẩm kinh điển The Graduate, Working Girl), Alejandro đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với Mike, và Mike cho rằng dù gì Birdman cũng là một bộ phim hài châm biếm, nếu sử dụng những cú máy dài biến bộ phim như được quay one take, và gần như từ bỏ dựng phim có thể sẽ làm mất đi tính hài hước châm biếm của tác phẩm. Mike lo lắng rằng nếu Alejandro cố chấp theo cách riêng của mình, rất dễ biến bộ phim thành một thảm họa. Bữa ăn đó đã đem đến cho Alejandro rất nhiều lời khuyên bổ ích, tuy không quá lo lắng với những cảnh báo của Mike, nhưng Alejandro cũng đã nâng cao độ cảnh giác của mình, sẽ không để sự lo lắng của bản thân khiến bộ phim gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông muốn cho tất cả mọi người hiểu rằng một áp lực to lớn mà họ sẽ chuẩn bị hướng đến.
Mỗi một cảnh quay như đang múa balê
Hầu hết những cảnh quay trong phim đều được thực hiện tại nhà hát kịch Broadway, và đoàn làm phim đã phải dựng một trường quay giả lập như thật, và họ không ngừng quay thử nhiều góc bên trong trường quay này để chuẩn bị cho ngày khai máy. Nhưng khi bộ phim chính thức bấm máy thì điều khó khăn nhất cần giải quyết là ánh sáng. Để tạo nên bầu không khí đặc biệt của riêng tác phẩm, làm đột phá nên tâm trạng của các nhân vật, thì góc độ cũng như độ sáng tối của ánh sáng bắt buộc phải làm thật tốt. Phụ trách quay phim Emmanuel Lubezki nói: “Khi nhân vật Riggan Thomson do Michael Keaton thủ vai ngồi trước bàn trang điểm, ánh sáng cần phải đánh vào người anh ấy. Nhưng bởi vì đội quay phim cần phải di chuyển bên trong phòng, chỉ vài phút sau ánh sáng có thể tạo nên những chiếc bóng, cho nên chúng tôi phải tính toán rất kỹ lượng đường biến hóa của ánh sáng, để đảm bảo sau khi quay xong khán giả sẽ không thấy bóng của các nhân viên hậu trường trên màn ảnh”.
Để mỗi một cảnh quay có được ánh sáng tự nhiên, tổ ánh sáng dĩ nhiên cũng tốn hao không biết bao công sức, Emmanuel Lubezki cho biết thêm: “Thật ra chúng tôi như đang múa cùng ánh sáng vì mỗi một cảnh quay thì sau lưng tôi lúc nào cũng có tám người di chuyển cùng. Toàn bộ quá trình giống như đang múa balê. Có được một trải nghiệm như vậy quả thực khiến tôi rất phấn khích”.
Điều kỳ diệu của những cú máy dài
Điều khó khăn nhất cũng là sự đột phá nhất của Birdman chính là làm sao cho bộ phim được thực hiện như chỉ quay one take, một cách mượt mà nhất. Dĩ nhiên, việc bộ phim thật sự quay one take là không thể nào xảy ra, gần như không đoàn làm phim nào có thể thực hiện nổi điều đó trong một bộ phim dài khoảng 120 phút, cho nên vấn đề mà Alejandro cần xử lý là làm sao cho khán giả làm lơ được với những đoạn cắt ghép hoàn hảo của bộ phim. Các thành viên của đội dựng phim sau khi nghiên cứu thì thấy rằng, khi máy quay được quay nhanh, có độ rung hoặc bị lắc là những lúc đó khán giả dễ bị phân tâm nhất. Khi bộ phim đi vào hậu kỳ thì những người phụ trách dựng phim quyết định để những đoạn cắt ghép vào những vị trí ít bắt mắt nhất, vì lúc đó khán giả mải đeo đuổi theo sự lên xuống của câu chuyện, sẽ dễ dàng bỏ qua những tình tiết.
Để đảm bảo được độ “thần bí” và tính hấp dẫn của Birdman, đạo diễn Alejandro đã yêu cầu tất cả các thành viên tham gia dựng phim phải “câm như hến” về độ dài thật sự của các cảnh quay. Sau khi bộ phim được ra mắt bốn tháng thì thông tin này mới tiết lộ. Thực tế cảnh quay dài nhất trong bộ phim là 15 phút, mỗi cảnh quay khác chỉ trong vòng 10 phút, nhưng để thực hiện được những cảnh quay này không đơn giản chút nào, chỉ cần ở phút thứ 9 giây thứ 59 xảy ra sai sót là tất cả phải bắt đầu lại từ đầu.
Ngoài ra, dù là đối với một bộ phim bình thường, hình ảnh chuyển biến trong một bối cảnh cố định, thì màu sắc của nó cũng không được có sự khác biệt quá lớn. Birdman đeo đuổi theo sự hoàn hảo về thị giác, và cũng muốn cho khán giả nghĩ rằng bộ phim chỉ quay one take, cho nên cần phải giảm độ khác biệt về sắc màu giữa các cảnh quay xuống thấp nhất. Birdman cũng có một đội quân phụ trách công việc này, và nó giống như làm “photoshop” cho bộ phim vậy, để cân bằng hiệu ứng sắc màu cho toàn bộ bộ phim.
Đối với nam diễn viên chính Michael Keaton, sau khi nghe được ý tưởng của Alejandro, ông dùng “11 giây” để hiểu rằng muốn thực hiện Birdman nó khó khăn đến dường nào: “Tôi yêu thích sự thử thách, cũng yêu thích sự sáng tạo, những ý tưởng độc đáo luôn khiến tôi tràn đầy sự phấn khích”. Và thế là, Michael Keaton chấp nhận tham gia, bước vào “bộ phim có tính thách thức cao nhất” trong sự nghiệp của ông. Sau đó Michael cho biết, quả thật rất khó khăn và đầy thử thách, có những cảnh quay mà lời thoại của ông dài đến 15 trang, phải nói chính xác không sai sót, đã vậy tâm trạng của nhân vật phải đúng với bối cảnh, vị trí cũng phải chính xác theo yêu cầu của đạo diễn.
Cho nên, thực hiện một bộ phim như Birdman chỉ cần một sai sót nhỏ, bộ phim cứ phải quay lặp đi lặp lại rất dễ khiến mọi người bị phát điên. Emma Stone cho biết cô tuy không phải là người sai sót nhiều nhất, nhưng cũng không phủ nhận bản thân nhiều lần làm hỏng các cảnh quay: “Quá khó, thật sự quá khó. Tôi từng làm hỏng các cảnh quay, và số lượng cũng không ít. Nhiều lúc nhìn mọi người sắp xếp lại bối cảnh lại không ngừng hối tiếc cảnh ban nãy quay tuyệt quá mà cuối cùng hỏng, những lúc đó tôi cảm thấy vô cùng buồn lòng”.
Trong khi đó Edward Norton thì cảm thấy rất hứng khởi khi anh được tham gia một bộ phim làm thỏa mãn được khả năng sáng tạo của bản thân. Edward cảm thấy hứng thú nhất là cảnh quay đánh nhau với Michael Keaton: “Cảnh quay này rất thú vị, và để thực hiện nó không dễ chút nào, bởi phải cố gắng nhịn cười thật sự rất khó. Vì đó là Michael Keaton, tôi lớn lên với những thước phim của anh ấy”.
Thanh Vân (DNSGCT)