Thức giấc ở La Habana, nhiều người trong đoàn Saigontourist chúng tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh tươi sáng, đầy sức sống bên ngoài cửa sổ khách sạn. Đêm qua đoàn xuống sân bay lúc 12 giờ, đường từ sân bay Jose Marti vào trung tâm thành phố vắng ngắt, tối om, thỉnh thoảng mới có ngọn đèn leo lét. Vài người xầm xì: “Nghe đồn ở La Habana, người dân còn xài đèn dầu!”.
Buổi sáng tỉnh dậy trong khách sạn mới thấy lời đồn sai bét, ít nhất là ở những khu vực dành cho du khách. Dịch vụ du lịch tại thủ đô nước Cuba không làm một ai trong đoàn phải thất vọng. Hầu hết tiện nghi đều đạt chuẩn mực bốn sao trở lên, đầy đủ và tinh tế!
Vương quốc xe cổ và nhà cổ
Những năm gần đây, Cuba nỗ lực phát triển du lịch nên hàng loạt khách sạn cao cấp thuộc các tập đoàn Nam Mỹ hoặc Tây Ban Nha đã mọc lên ở khu đô thị Mới của thủ đô. Tại đây, du khách không nhìn thấy vẻ thiếu thốn của một đất nước vừa hết cấm vận. Tất cả đều lịch sự, tươm tất. Người dân giản dị nhưng tươi vui, không có nét khắc khổ. Đường phố các khu vực đều không có người ăn xin.
Con đường Malecon nối đô thị Mới với phố Cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Malacon như chiếc đê chạy dọc bờ biển phô bày một phần đời sống La Habana. Trai thanh gái lịch rủ nhau đi dạo, các ban nhạc đường phố chọn đây làm nơi trình diễn đã đành, hàng trăm chiếc xe hơi từ thập niên 1960, 1950, thậm chí cả 1940 đủ màu sắc, kiểu dáng cũng thong thả qua lại Malecon khiến chúng tôi tưởng mình vừa lạc vào một buổi trình diễn xe cổ.
La Habana có rất ít xe hơi đời mới song cũng không có xe cũ, chỉ có xe cổ mà thôi. Xe dù đã năm bảy chục năm tuổi đời nhưng qua bàn tay người thợ tài hoa vẫn bóng ngời vẻ đẹp kiêu hãnh. Ngoài những chiếc taxi bốn bánh kiểu xe con rùa nhỏ xinh, thành phố còn nhiều phương tiện công cộng (tất cả đều sơn màu vàng) ngộ nghĩnh và bắt mắt như xe lam, xe ngựa, xe đạp kéo hoặc xe máy kéo (kiểu xe lôi ở Việt Nam). Các loại xe đều được chăm chút vẻ bề ngoài nên chúng đúng là vật trang trí đặc sắc cho phố phường.
Đã được biết trước rằng La Habana sở hữu quần thể kiến trúc thuộc địa lâu đời bậc nhất châu Mỹ, vậy mà chúng tôi vẫn phải trầm trồ khi thấy tận mắt loạt công trình xây từ thế kỷ XVI. Hàng ngàn tòa nhà có các cửa ra vào lớn bằng gỗ quý được Cuba coi là công trình nghệ thuật quốc gia và bảo tồn kỹ lưỡng.
Men theo những bờ tường đồ sộ nhằm chống lại cướp biển, du khách hình dung được thời kỳ thành phố này còn là một thương cảng cực kỳ giàu có. Quá khứ phồn vinh của La Habana cùng sự trân trọng lịch sử của người Cuba có thể nhìn thấy ở El Morro và Real Fuerza, hai pháo đài trấn giữ lối vào cửa vịnh Habana.
Hai pháo đài nằm trên một hòn đảo nhỏ không xa bờ, vậy mà thay vì xây cầu bắc qua, chính quyền thủ đô cho xây đường hầm nối đảo với đường Malecon. Có lẽ vì sợ làm hỏng cảnh quan của cụm phố cảng – pháo đài xây từ thế kỷ XVI nên họ mới kỳ công như vậy.
El Morro và Real Fuerza đều được xây kiên cố bằng đá tảng. Phòng bảo tàng còn nhiều bộ sưu tập áo giáp, vũ khí cùng trang phục của các thủy thủ chinh phục châu Mỹ xưa. Đúng 21 giờ, tiếng đại bác từ El Morro vang dội mặt biển. Ngày xưa, đó là lời báo hiệu giờ đóng cổng thành. Ngày nay, tiếng đại bác thể hiện niềm tự hào của người Cuba về quá khứ hào hùng.
Thành phố say men nghệ thuật
Ngày nay, dân La Habana có lẽ vẫn đi ngủ sớm nhưng du khách thì thức khuya hơn. Đường Obispo trong phố Cổ luôn náo nhiệt về đêm. Những khách sạn phong cách, những nhà hàng thanh lịch và các quán cà phê ấm cúng xen kẽ với các gian hàng lưu niệm tỏa ra bầu không khí hấp dẫn. Nơi góc phố, tiếng đàn hát của các ban nhạc hát rong có lúc rộn ràng, có lúc sâu lắng.
Người Cuba đặc biệt yêu âm nhạc. Ban nhạc đường phố nhiều đến nỗi chúng tôi cảm tưởng là ở xứ này, bất cứ ai có chút năng khiếu đều chọn nghề đàn ca làm lẽ sống. Nhiều nghệ sĩ hát rong không nổi tiếng nhưng có giọng hát và ngón đàn quyến rũ, đầy cảm xúc và tha thiết tình yêu cuộc sống. Không hiểu vô tình hay cố ý mà “đặc sản” của Cuba là những thứ rất dễ nghiện: rượu rum, xì gà, âm nhạc, hội họa.
- Xem thêm: Vùng đất thổ dân ở New Mexico
Con phố Calle de Hammel nổi tiếng với tranh vẽ nghệ thuật bày đầy cả vỉa hè, như để tôn thêm các điệu nhạc và vũ điệu Rumba-Salsa tình tứ. Ngay cả quảng trường nhà thờ Lớn cũng được biến thành trung tâm hoạt động văn hóa truyền thống của La Habana. Những tối thứ Bảy và Chủ nhật đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa dân tộc đầy màu sắc.
Varadero, viên ngọc đẹp nhất Caribe
Nằm cách thủ đô 140km về phía đông, Varadero luôn được xếp hàng đầu danh sách các bãi biển đẹp và độc đáo nhất thế giới. Lên đường cao tốc Via Blanca, xe chúng tôi đi với tốc độ xấp xỉ 100km/g. Đường sá Cuba khá tốt, ít xe và không có xe máy nên bác tài thoải mái nhấn ga. Hai bên đường hầu như không thấy nhà dân.
Cũng phải thôi, hơn 80% dân Cuba sống ở thành phố. Dù đất đai màu mỡ nhưng nước này phải nhập khẩu phần lớn lương thực. Hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi là David, nguyên Phó đại sứ Cuba tại Ả Rập Saudi. Ngoài tiếng Anh lưu loát và kiến thức đáng nể, sự nhiệt tình, chu đáo của anh khiến mọi người phải ấn tượng.
Trước tương lai rộng mở trong ngành ngoại giao, David vẫn quyết định chuyển sang nghề du lịch vì lương công chức Cuba khá thấp, chỉ khoảng 15 CUC, trong khi giá phòng tại resort 4 sao ở Varadero trung bình khoảng 100 CUC một ngày (cần phải nói thêm, đến Cuba du khách chỉ được tiêu CUC – một loại tiền chuyển đổi, 1 USD = 0,86 CUC).
Varadero là một bán đảo rất đặc biệt. Với chiều dài gần hai chục cây số nhưng chiều rộng chỉ trên dưới 1.200 mét, Varadero có hai đường bờ biển tuyệt đẹp rợp bóng dừa chạy song song, ở giữa là mấy trăm resort xinh đẹp đủ mọi phong cách. Cát ở đây trắng tinh, mịn màng. Bãi biển thoai thoải dài rộng mênh mông, sóng nhẹ, nước xanh trong vắt. Từ thời Tây Ban Nha, bán đảo này đã nổi tiếng là nơi nghỉ dưỡng đẹp bậc nhất vùng Caribe, thu hút giới nhà giàu của cả châu Mỹ.
Du khách đến đây chơi golf, lặn biển ngắm san hô, đua thuyền, câu cá và thưởng thức những món cocktail ngon tuyệt. Giới làm du lịch ở Varadero rất biết chiều khách. Khi đặt phòng, du khách được đưa đón, ăn uống trọn gói trong resort. Các bữa ăn chính và bữa ăn phụ đều ngon miệng, hải sản tươi rói. Cocktail, rượu vang, bia uống bao nhiêu cũng được. Tất cả đều đã bao gồm trong giá phòng.
Nhiều năm nay, du khách Đức và khách Canada đến Cuba nườm nượp, phần lớn đến rồi đều quay lại hằng năm. Hướng dẫn viên David của chúng tôi tin tưởng rằng sau khi hết cấm vận, các thắng cảnh của nước anh sẽ được chú ý hơn nữa. Chúng tôi cũng tin tưởng điều đó sau khi được ngắm nhiều vẻ đẹp, và nhất là được tiếp xúc với con người ở đây!