Miền Bắc châu Phi ở phía tây có một thành phố nổi tiếng của Morocco, mang tên Casablanca. Nằm trên bờ Đại Tây Dương, Casablanca nhìn ra biển cả quanh năm gió to sóng mạnh.
Trên bản đồ, về phía tây nam của Casablanca có nhiều chấm nhỏ li ti. Phóng lớn bản đồ, các chấm nhỏ đó không khác gì hơn là sáu bảy hòn đảo bé tí. Các hòn đảo đó nằm cách bờ chỉ hơn trăm cây số, mang tên là quần đảo Canary (Canary Islands).
Từ xa xưa trong một số hòn đảo Canary vốn có thổ dân sinh sống, tổ tiên của họ đến từ Bắc Phi. Thế nhưng người Bắc Phi, vốn không quen nghề đi biển và đã có sẵn sa mạc ngút ngàn ngay trước cửa nhà, họ không mấy quan tâm đến các hòn đảo nhỏ ngoài khơi. Trong khoảng thế kỷ thứ XV, khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành cường quốc hàng hải, dân đi biển của hai nước đó sớm khám phá Canary.
Tàu thuyền của họ nhắm hướng phía nam và đi cặp sát lục địa Phi châu để dễ bề xoay xở. Thế nên họ khám phá ra ngay các đảo lớn nhỏ Canary. Thế nên từ thế kỷ thứ XV, Canary đã thuộc về Tây Ban Nha. Một hòn đảo khác, Madeira, nằm cách Canary khoảng 400km, thuộc về Bồ Đào Nha.
Từ bán đảo Iberia, tàu thuyền Tây Ban Nha phải vượt hơn cả ngàn cây số mới đến Canary. Thế nên các nhà hải hành ngày xưa trước khi đến Ấn Độ, Trung Quốc, Ma Cao, Việt Nam thường ghé Canary để tiếp tế lương thực và nước ngọt. Thuyền của Christopher Columbus (1451-1506), nhà hải hành khám phá châu Mỹ cũng thế, đã dừng chân tại Canary. Đó là niềm hãnh diện của quần đảo nhỏ bé này mà tại Santa Cruz của đảo La Palma còn trưng bày chiếc thuyền buồm đóng lại theo nguyên mẫu.
- Xem thêm: Ethiopia, “trái tim châu Phi”
Những người đi biển ngày xưa, lúc từ đại dương vọng nhìn lục địa Phi châu hẳn phải thèm muốn được đặt chân lên đất liền, sẵn nước ngọt, bếp lửa và xã hội an toàn. Họ không hề biết vài trăm năm sau, trong lúc lục địa Phi châu vẫn chìm trong nghèo khổ và bão cát sa mạc, thì các hòn đảo tí hon Canary đã trở thành chốn nghỉ dưỡng sang trọng dành cho người Âu.
Khách đứng chờ nơi băng chuyền phát hành lý. Sân bay Las Palmas của đảo Gran Canaria này đã quá tải từ lâu. Máy bay đến vào giờ cao điểm nhiều đến nỗi mỗi băng chuyền phải chuyên chở đến 4-5 chuyến bay. Frankfurt, Paris, London có, từ các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển cũng có. Khách sực nhớ vào mùa đông như thời điểm này thì các nước Bắc Âu nhiều nơi hoàn toàn chìm trong bóng tối, có chỗ mặt trời không hề mọc cho đến tháng 3 năm sau. Thế nên khách du lịch châu Âu, nếu muốn mặt trời và hưởng hơi ấm, họ phải chịu bay khoảng năm tiếng để đến Canary.
Gió mạnh đón khách trên đường lên xe. Đúng thôi, khách sực nhớ. Đại Tây Dương nổi tiếng với gió to sóng dữ. Nếu Địa Trung Hải là một vùng biển hiền hòa thì bờ Đại Tây Dương mà khách từng nếm mùi tại Ireland thường là những vách đá dựng đứng, dưới chân là sóng vỗ trắng xóa lên những khối đá khổng lồ.
Gió mạnh nhưng không lạnh trong một ánh nắng chan hòa. Quần đảo Canary quanh năm cống hiến cho con người một “mùa xuân vĩnh cửu”. Châu Âu đang ngập trong gió lạnh và tuyết trắng mà nhiệt kế nơi đây chỉ 25°C. Mùa hè giữa biển thì vẫn là xuân. Quần đảo này được mệnh danh là “thiên đường nghỉ dưỡng” của người Âu.
Xe chạy về hướng nam. Trong nắng nhiệt đới những hàng dừa bụi chuối xuất hiện, báo hiệu một vùng cây cối xa lạ với châu Âu. Rồi xương rồng, có cây cao hai ba mét, có cây hình tròn như trái bóng nằm chen nhau, có cây xương xẩu mang hoa trái đỏ tươi trên ngọn. Nhưng, làm sao quần đảo Canary lại có loại xương rồng, thứ cây chỉ sống trong một vùng đất khô hạn?
Khách đã đi vào một vùng đất kỳ lạ của địa cầu. Canary có một quá khứ khác thường. Theo nghiên cứu khoa học thì cách đây khoảng gần 40 triệu năm, các lục địa trên địa cầu có sự chuyển động. Lục địa châu Phi cũng xê dịch. Dù sự di chuyển không lấy gì làm nhanh chóng lắm, mỗi năm chưa đến 2cm, nhưng với thời gian hàng triệu năm thì đây là một sự nứt rạn khổng lồ trong lòng biển sâu. Từ trong lòng biển đó với độ sâu khoảng 6.000m, những hố núi lửa xuất hiện và cho tuôn trào ra ngoài những dòng dung nham hàng tỉ tấn, nóng hàng ngàn độ. Chúng dần dần đắp lên nhau, vươn lên khỏi mặt nước để trở thành quần đảo.
Hoạt động núi lửa dưới đáy biển cách nhau không đều, khi thì dồn dập, khi nghỉ ngơi. Mỗi lần đáy biển “nghỉ ngơi” cũng kéo dài vài triệu năm là thường. Lần cuối cùng của sự chuyển mình khủng khiếp đó xảy ra cách đây khoảng 12 triệu năm. Do đó quần đảo Canary tuy có bảy hòn nằm gần nhau nhưng tuổi tác của chúng không đều. Hai hòn nằm ở phía đông là Fuerteventura và Lanzarote được sinh ra sớm nhất. Các hòn còn lại tuy cũng cùng một gốc núi lửa trong lòng biển nhưng độ cấu tạo của chúng có nhiều khác biệt.
Các hòn đảo phát xuất từ trong lòng đất, dưới biển sâu, vươn được lên khỏi mặt nước, chúng không vì thế mà vui lòng chịu yên. Không phải, chúng còn vươn cao thành đỉnh chót vót và tiếp tục phun lửa. Hãy xem hòn Gran Canaria, đây là một hòn đảo khá tròn. Hòn đảo tròn trĩnh này có diện tích 1.560km2, có bán kính chừng 22km mà ở giữa ngự trị một ngọn núi cao đến 1.941m. Hơn thế nữa, hòn La Palma với diện tích 706km2 mà ở giữa có ngọn núi cao 2.426m.
Khách dừng xe trên một điểm cao khoảng 1.300m trên Gran Canaria. Gió Đại Tây Dương lồng lộng thổi khách muốn ngã. Xa xa bên kia là hòn Tenerife cách đó khoảng 58km. Sừng sững trước mắt khách trong một ngày không mây là ngọn Teide của Tenerife, cao đến 3.718m, đầu bạc tuyết. Đó là ngọn núi lửa cao thứ ba trên thế giới, trong một hòn đảo rộng 2.034km2.
Khách đứng trên đảo giữa biển nhưng thầm biết mình đang đứng gần đỉnh một ngọn núi mà sườn của nó nước biển đã lấp đầy. Ngọn núi này xuất phát từ đáy biển sâu 6.000m nên độ cao tuyệt đối của nó gần 10.000m. Trên thế giới chỉ còn đỉnh núi lửa Mauna Kea tại Hawaii mới vượt hơn nó về độ cao tuyệt đối.
Bảy hòn đảo của quần đảo Canary chính là bảy đỉnh núi lửa mà khách vui chơi trên đó ít người biết rằng hầu như mình đang ở trên đỉnh núi mà xung quanh là nước biển dâng đầy. Đó là tính chất huyền thoại của Canary mà có người liên tưởng đến huyền sử của triết gia Hy Lạp Plato, ông miêu tả Vương quốc Atlantis đã chìm trong biển chỉ trong một đêm, chỉ còn bảy ngọn tháp vươn khỏi mặt biển.
Khách nhìn quanh. Nơi đây núi lửa đã hết hoạt động từ 3.000 năm trước. Nhưng trên sườn lấp lánh một màu đen tuyền của bụi nham thạch dường như núi hôm qua còn hoạt động. Lớp bụi núi lửa mềm mại đó rất cần thiết cho cây cối, nó giữ độẩm cho thực vật được sống trong một vùng đất khô hạn. Khách nhớ đến cảnh vật tại hòn Lanzarote, hòn đảo chỉ rộng 800km2, hầu như chỉ thuần một màu đen của nham thạch. Trên sườn núi của Lanzarote mà nhiều người cứ ngỡ như vùng đất ngoài hành tinh, các dòng dung nham mềm mại đang chảy như có phép mầu bỗng nhiên đông cứng. Trên những dòng dung nham đó chỉ có một thứ xương rồng có thể sống và các loại tắc kè chịu nhiệt có thể tồn tại.
Núi lửa trên Lanzarote đã ngưng hoạt động từ thế kỷ XVIII. Ba trăm năm qua phải chăng Lanzarote đã “nguội”? Chưa hẳn. Trên sườn non của Lanzarote nhiều nơi vẫn nóng như một hố than hừng. Có chỗ khi ta cho cỏ khô vào tự nhiên bốc cháy, có chỗ người ta vẫn còn nướng bắp bằng hơi nóng từ trong lòng đất. Một chỗ nọ, khách chứng kiến chuyện vui.
Chất lửa vô cùng bí ẩn của lòng đất, yếu tố tạo nên đời sống của địa cầu, kiên nhẫn đùa vui với con người. Hàng chục người tụ nhau, đứng xa cả chục mét quanh một lỗ nhỏ sâu hun hút. Có ai cầm một xô nước đổ xuống hố. Mọi người ngơ ngác vì không thấy gì. Bỗng nhiên “bùm” một tiếng nổ, hơi trắng và bọt nước sôi bốc lên ngùn ngụt.
Lửa lòng đất đã yên nghỉ trên Lanzarote đã ba trăm năm. Nhưng trên hòn La Palma, hòn nhỏ nhất trong quần đảo, núi lửa còn hoạt động đến năm 1971. Đã bốn mươi năm trôi qua, phải chăng lòng biển đã hoàn toàn yên nghỉ. Không, từ năm 2011 người ta khám phá còn một hòn đảo từ đáy biển vươn dần lên mặt nước, hiện nay hòn này còn cách mặt nước biển 200m.
Quần đảo Carary lấp lánh dưới mặt trời giữa muôn ngàn sóng biển, nhìn xa chúng như những viên ngọc trai xinh đẹp. Người ta đến với chúng vì mặt trời và hơi ấm, nhưng phần lớn không mấy ai biết xuất xứ kỳ bí của chúng. Chúng là đá và lửa từ lòng đất nên màu sắc chỉ gồm một màu đen tuyền, nên mặt đất lổm ngổm những dòng chảy của đá. Chúng ủ hơi nóng của thời hỗn mang nên loài xương rồng mới sống mạnh, ngay cả dừa cũng phải là loại dừa chịu nóng mới sống nổi.
- Xem thêm: Ngắm sao Hỏa ở quần đảo Canary
Lửa lòng đất đã đông thành đá. Biển bao quanh nên cho mưa và độ ẩm. Thế nên dù có xuất xứ từ trong lòng đất, Canary là một vùng đất tuyệt đẹp, có núi có hồ cho chim muông, có biển cho người nghỉ dưỡng, có sa mạc, khe núi, đầm lầy cho những ai muốn thám hiểm.
Ai đến Canary, sau vài ngày hưởng khí hậu ôn hòa của vùng đảo, hãy nên lấy xe đi lên những ngọn núi, băng qua những khe sông, ngắm những vách đá dựng đứng như đền đài thiên tạo. Hãy lắng nghe ngọn gió dữ của Đại Tây Dương và nhớ rằng cách đây khoảng hơn chục triệu năm, khu vực kỳ lạ này của địa cầu đã diễn ra một màn khai thiên lập địa hùng vĩ.
Lửa ngàn độ từ trong lòng đất đã trào ra, đã bị nước hóa giải, rồi dâng cao trở thành núi và trở lại phun lửa. Gió mạnh đại dương đã cùng với sóng nước phá vỡ vách đá, bào mòn ngõ ngách, sinh ra những hình thù kỳ dị, có khi biến chúng thành sỏi và cát, cho chúng trở thành bình địa sa mạc. Bốn yếu tố đất nước gió lửa, vừa hóa giải vừa phối hợp lẫn nhau; vừa kiềm chế vừa phát huy lẫn nhau để tạo thành cảnh quan vô song của địa cầu.
Quả thực thế giới vật chất mà ta thấy chỉ là kết quả vận hành của đất nước gió lửa. Không đâu trên thế giới mà thiên nhiên sinh ra một sân khấu vĩ đại, chứa đựng thuần túy tính chất tứ đại như tại Canary.