Đúng như những dự báo trước đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê vào ngày 27-12, tính đến thời điểm 22-12-2014, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 12,62% và chắc chắn con số tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ trong khoảng 12 – 14%, hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước. Đạt được chỉ tiêu quan trọng này, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Đáng nói hơn, năm 2014 cũng là năm thứ ba liên tiếp ngành ngân hàng hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đặt ra. Điều này cũng cho thấy công tác phân tích và dự báo của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, phù hợp với thực tiễn.
Với khả năng dự báo để ra kế hoạch như vậy, ngay từ thời điểm này, có thể tin rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13 – 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm mới 2015 là sát với thực tế. Chỉ tiêu có tăng so với năm 2014 nhằm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao hơn so với năm 2014 (6 – 6,2%) mà Quốc hội đã đặt ra. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng thường cùng chiều với tốc độ tăng của lạm phát và lãi suất, nên cú giảm tốc đột ngột của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2014 khiến cho mọi thông số dự báo của năm 2015 bỗng trở nên khó lường. Những năm trước, tháng 12 thường là tháng mà chỉ số CPI tăng mạnh thì năm nay cú rơi tự do của giá dầu thế giới khiến cho giá xăng dầu trong nước giảm theo, làm chỉ số CPI giảm mạnh, phá vỡ mọi dự đoán trước đó.
Con số lạm phát năm 2014 chỉ là 1,84%, thấp nhất trong vòng 15 năm qua, khiến cho dự báo (đã là rất thấp) 3% trước đó không lâu trở nên lạc điệu. Mà do sự thấp đến bất ngờ của lạm phát, nên thông số lãi suất huy động/cho vay hiện đang tương ứng là 5 – 5,5%/năm và 7 – 10%/năm trở nên quá cao, đặt ra một yêu cầu thực tế “ai cũng thấy” là cần phải giảm thêm! Nhưng cái khó ở đây là ai cũng biết cú rơi của lạm phát lần này sẽ không bền, không phải do nội tại của nền kinh tế mà chủ yếu đến từ nguyên nhân khách quan là giá dầu thế giới giảm mạnh. Vậy nên khi yếu tố khách quan này không còn, khả năng CPI giảm mạnh là khó. Nói cách khác, khi giá dầu thế giới ở mức cao như vài năm trước, đảm bảo chỉ số CPI duy trì trong khoảng 5%/năm đã là rất khó chứ đừng nói đến dưới 2%, đặc biệt khi kinh tế nước ta có dấu hiệu hồi phục và đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2015. Đó cũng là lý lo mà dù khẳng định rằng sẽ giảm thêm lãi suất nếu có điều kiện, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng duy trì lãi suất ổn định như năm 2014 là hết sức khó khăn. Áp lực lạm phát tăng trong năm 2015 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2014. Việc giảm lãi suất trong thời điểm này nằm trong tầm tay của các ngân hàng, thậm chí giảm ngay 1 – 2%/năm cho cả lãi suất huy động và cho vay cũng không là vấn đề. Nhưng sau đó, khi chỉ số CPI tăng lên theo đà phục hồi của giá dầu, lãi suất có thể sẽ về lại mức cao tương ứng. Đó cũng là lý do vì sao theo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát của các tổ chức tín dụng tháng 12-2014 của Vụ Dự báo thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước), có 58% số tổ chức tín dụng cho rằng lãi suất cho vay ngắn hạn trong năm 2015 sẽ giảm, với mức giảm bình quân khoảng 1,3% nhưng cũng có 20% tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn có thể tăng trong năm 2015.
Minh Hằng (DNSGCT)