Khái niệm thuê nhà của ai đó mà bạn chưa hề quen biết thông qua mạng internet khi đi du lịch, công tác có thể vẫn còn xa lạ với không ít người.
Nhưng khái niệm ấy đang dần trở nên phổ biến trong một nền “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) – theo cách gọi của một số chuyên gia, khi mà chỉ cần có một chiếc điệc thoại thông minh được kết nối internet và một phần mềm ứng dụng cho thiết bị này thì sau vài phím bấm là bạn đã có thể “tham quan” căn nhà của một người chưa hề quen biết trước ở một thành phố xa xôi nào đó và chuyển đến đấy ở chỉ trong vài ngày sau. Ngược lại, bạn cũng có thể trao chìa khóa nhà của mình cho một vị khách khác tìm đến bạn qua internet.
Với ý tưởng ấy, Brian Chesky, 33 tuổi, cùng với hai người bạn khác là Nathan Blecharczyk (31 tuổi), Joe Gebbia (33 tuổi) đã thuyết phục được nhiều người không quen biết nhau để tạo ra một dịch vụ chia sẻ chỗ lưu trú toàn cầu mang tên Airbnb với số thành viên hiện tại lên đến khoảng 20 triệu.
Chỉ riêng trong năm 2014, mạng kinh doanh theo mô hình P2P (tức peer-to-peer, giữa những cá nhân có cùng điểm chung) của Airbnb đã tăng thêm 10 triệu thành viên và số tin đăng ký cho thuê chỗ lưu trú (listing) trên trang này đã vượt qua con số 800.000, nhiều hơn cả tổng lượt khách lưu trú của những tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới như Hilton Worldwide hay InterContinental Hotels Group.
Cũng trong năm này, Airbnb được tạp chí Inc. bình chọn là “Công ty tốt nhất trong năm” (Company of the Year). Đằng sau những thành công ấy, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc (CEO) Brian Chesky có những bí quyết gì trong kinh doanh và lãnh đạo? Dưới đây là bài phỏng vấn Brian Chesky được CEO.com thực hiện khoảng hai tháng trước khi Airbnb được vinh danh giải thưởng “Công ty tốt nhất trong năm” của Inc.
——
Anh từng tham gia vào các vị trí lãnh đạo khi còn trẻ?
Tôi từng là đội trưởng của một số đội bóng chày. Vị trí này đã dạy tôi khá nhiều điều về lãnh đạo. Bố của tôi cũng đã dạy tôi rất nhiều về việc làm gương cho những bạn học khác. Nhưng ở một góc cạnh khác, tôi là một nghệ sĩ.
Ngay từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi cũng nhận ra rằng tôi có tiên hướng về nghệ thuật và thiết kế. Đa số trẻ em đều xin ông già Noel cho nhiều món đồ chơi đẹp để chơi với chúng, còn tôi lại mong nhận được những món đồ chơi xấu để thiết kế lại chúng.
——
Thế còn thời trung học thì sao?
Tôi quyết định theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật và học tại Trường Thiết kếRhode Island School of Design. Tôi đã tìm hiểu sở trường của mình từ ngôi trường này và phát hiện ra đó chính là thiết kế công nghiệp. Tôi nghĩ rằng lĩnh vực này đã chắp cánh cho tôi trở thành một CEO giỏi bởi vì chúng đã dạy cho tôi sự đồng cảm.
Một CEO rất dễ bị sa vào việc giải quyết công việc mang tính “giao dịch”, chú trọng quá nhiều đến những con số và những phân tích định lượng, từ đó hành động thiếu cảm xúc. Thiết kế công nghiệp dạy bạn điều ngược lại.
——
Thiết kế công nghiệp đã dẫn đến chuyện thành lập Airbnb như thế nào?
Sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc cho một công ty thiết kế công nghiệp ở Los Angeles. Nhưng một năm sau, tôi nhận ra đây không phải là nơi mình nên gắn bó trong suốt những năm tháng còn lại của sự nghiệp. Một trong những lý do là công việc của tôi thường liên quan đến các doanh nhân với những dự án nhỏ.
Và tôi bắt đầu có suy nghĩ: “Tại sao họ lại làm điều đó còn tôi thì không?”. Tôi nhận ra rằng sự khác biệt giữa tôi và họ là họ đã biết nắm bắt thời cơ còn tôi thì không. Tôi cần phải dấn thân vào rủi ro, thử thách như họ vậy.
Có lẽ, ai cũng có một hai lần trong đời đối diện với những bước ngoặt khi mà họ phải ra một quyết định làm thay đổi cả cuộc đời của mình. Mọi thứ sẽ như một chuỗi phản ứng sau quyết định ấy.
Đối với tôi và một vài người bạn, quyết định ấy là chuyển căn nhà mà chúng tôi đang thuê ở San Franciso thành một nơi lưu trú theo kiểu “bed-and-breakfast” (giường ngủ và bữa ăn sáng, còn được viết tắt thành BnB hay BB), bởi vì khi đó có một hội nghị thiết kế quốc tế đang diễn ra ở thành phố này trong khi tất cả các phòng khách sạn đều đã được đặt chỗ.
Chúng tôi chẳng có chiếc giường nào, vì vậy chúng tôi lôi ba chiếc giường hơi từ trong nhà kho ra, bơm chúng lên và gọi là “Air Bed & Breakfast”. Nhưng chuyện này thì chưa thể gọi là một công ty. Mục đích ban đầu của chúng tôi chỉ là cho thuê trong một tháng. Chúng tôi đã đi lên từ đó, nhưng cái tên công ty đã định hình như vậy.
Tôi thường chia sẻ với các doanh nhân là hãy tự giải quyết vấn đề của mình, bởi vấn đề của mỗi người thường rất khác nhau nên chỉ có họ giải quyết vấn đề của họ là tốt nhất. Với chúng tôi, vấn đề là chúng tôi chẳng có kinh nghiệm gì trong việc cho thuê nhà, chúng tôi có chỗ trống và chúng tôi muốn gặp gỡ mọi người. Đó là lý do chúng tôi tạo ra Airbnb sau này.
——
Phong cách lãnh đạo của anh đã phát triển như thế nào kể từ khi thành lập công ty vào năm 2008?
Điều quan trọng nhất mà tôi đã nhận ra là sự học hỏi từ thực tế. Tôi luôn phải đối diện với những tình huống hoàn toàn mới và phải làm những việc trước đây chưa từng làm. Tôi phải học thích nghi một cách thoải mái bằng cách tìm lời khuyên từ những người ngoài và nhanh chóng học từ họ. Điều thứ hai là không nên miễn cưỡng khi đã là một nhà lãnh đạo.
Khi mới lãnh đạo người khác, bạn sẽ có một chút không thoải mái – bạn có thể cảm thấy mình hay “ra vẻ sếp” hoặc hơi hẹp hòi, ngại ra quyết định hay miễn cưỡng đưa ra các phản hồi. Nhưng tôi đã xóa bỏ mọi rào cản tâm lý ấy khi một tình huống khó khăn xảy ra và ra quyết định để chỉ đạo mọi người. Khi làm như thế, tôi nhận ra rằng nhân viên tiến bộ rất nhanh và điều đó có ích nhiều hơn cho họ.
——
Anh tuyển người như thế nào? Anh cần những người có phẩm chất gì và thường đặt ra câu hỏi gì cho ứng viên?
Đối với mỗi vị trí cần tuyển dụng, bạn cần phải xác định những yêu cầu mà mình muốn đặt ra cho vị trí ấy, một cách cụ thể và đơn giản nhất. Không nên vẽ ra quá nhiều trách nhiệm mà chỉ nên tập trung vào kết quả hay mục tiêu cuối cùng mà bạn mong muốn ứng viên phải đạt được.
Nói một cách rộng hơn, chúng tôi tìm những nhân viên biết nhìn thế giới bên ngoài theo cách mà chúng có thể xảy ra chứ không chỉ giới hạn trong những gì mà chúng đang xảy ra. Họ phải là những người có nhiều ước mơ, suy nghĩ lớn, đáng tin cậy nhưng đồng thời phải là người có cá tính, sẵn sàng phản biện và thách thức ý tưởng của người khác chứ không dễ dàng chấp nhận hiện tại. Họ phải có óc tò mò như những đứa trẻ.
——
Anh có lời khuyên nào cho các sinh viên vừa mới tốt nghiệp hay không?
Tôi sẽ nói với các bạn ấy rằng không nên nghe theo lời khuyên của cha mẹ khi chọn nghề nghiệp. Cha mẹ là những mối quan hệ quan trọng nhất trong đời bạn, nhưng đừng bao giờ chọn nghề theo lời khuyên của họ. Tôi cũng sẽ nói rằng nếu bạn đã chọn nghề gì thì hãy giả định rằng bạn có thể sẽ gặp nhiều thất bại. Bằng cách ấy, bạn sẽ không ra quyết định dựa trên sự thành công, tiền tài hay địa vị nghề nghiệp. Và chỉ khi ấy, bạn mới có thể làm việc hết mình theo niềm đam mê.