Cách đây hơn hai năm, hãng trang sức nổi tiếng thế giới Van Cleef & Arpels đã làm một việc vô cùng đặc biệt mà chưa hề có một thương hiệu cao cấp nào làm, đó là mở trường dạy nghề chế tác trang sức. Vượt xa thành công dự tính, quy mô trường nghề bắt đầu mở rộng.
Mặc dù được tổ chức định kỳ hai lần một năm, nhưng dòng thời trang Haute Couture có dấu hiệu của sự chết dần. Nguyên nhân là vì “tre đã già nhưng măng chưa mọc”, lớp nghệ nhân cũ lành nghề đã đến tuổi về hưu và không có nhiều người trẻ có hứng thú với những công việc tỉ mỉ. Họ cho rằng ngồi tập trung cả ngày chỉ để thêu, đính, cắt may nhưng đồng lương ít hơn những công việc khác là không thỏa đáng; trong khi muốn giỏi việc thì bắt buộc họ phải làm không công hoặc nhận lương cực kỳ thấp trong nhiều năm tại các xưởng may cao cấp. Ngành chế tác trang sức cũng đối mặt với tình trạng tương tự. Nhận biết và muốn khắc phục điều này, hãng trang sức cao cấp Van Cleef & Arpels đã đưa ra một ý tưởng táo bạo về trường dạy nghề chế tác trang sức.
Nhằm “cạnh tranh” với các trường dạy thời trang khác, trường nghề của Van Cleef & Arpels có những điểm thu hút nhất định như học phí chấp nhận được, có việc làm sau khi tốt nghiệp, được học chuyên sâu về trang sức, có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu và thực hành… Không chỉ được dạy về kỹ thuật, học viên sẽ được dạy về thẩm mỹ, lịch sử nghệ thuật nói chung và nghệ thuật cũng như trang sức nói riêng. Ngoài ra, còn có ngành nghiên cứu đá quý và chế tác đồng hồ cũng rất thú vị. Với mục đích đào tạo bài bản nên chương trình học khá dài, khoảng năm khóa chia ra làm ba phần, gồm: “Lịch sử nghệ thuật” học phí là 300 euro, “Thế giới đá quý” và thực hành với học phí mỗi phần là 600 euro.
Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo gói gọn trong một cơ sở rộng 720m2 với hai phòng học, xưởng đá quý, xưởng đồng hồ và studio thiết kế. Tính từ lúc bắt đầu đến nay, trường đã thu hút được khoảng 2.200 học viên từ hơn 30 quốc gia hầu hết là dân tay ngang hoặc học vì hiếu kỳ. Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc của trường đó là học viên phải sử dụng thông thạo cả hai thứ tiếng là Anh và Pháp.Vì vậy, nếu có hứng thú với lĩnh vực đá quý và muốn học tập tại đây, học viên phải chuẩn bị vốn ngoại ngữ thật tốt.
Thế nhưng thú vị hơn cả là lớp học lưu động của trường nghề Van Cleef & Arpels. Khóa học “Nhập môn trang sức” kéo dài hai giờ đồng hồ được tổ chức đầu tiên tại Tokyo, Nhật Bản thu hút khoảng 600 học viên. Trong tháng 10 này, trường dự định sẽ đến với Hongkong và New York vào tháng Năm năm sau. Có lẽ mục tiêu của Van Cleef & Arpels không chỉ là làm cho nghệ thuật chế tác đá quý được yêu thích hơn, lưu giữ và truyền lại những kỹ thuật tuyệt đỉnh mà còn chiêu mộ nhân tài trên toàn thế giới.
Thành công của Van Cleef & Arpels không chỉ cung cấp đội ngũ nghệ nhân thế hệ mới cho tương lai mà còn truyền tải tình yêu nghề cũng như tình yêu với những món trang sức và đá quý sang trọng bởi một khi bạn đã yêu nghề nghiệp của mình thì sẽ không có lý do nào để từ bỏ nó cả.
- Hoàng Lê