Cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi có chuyến du lịch Myanmar. Với tâm trạng của một công dân Việt Nam trải qua hơn 25 năm đổi mới để có được thành quả như ngày nay, bản thân tôi rất hào hứng khi được làm quen với một Myanmar đang tích cực đổi mới, mở cửa giao lưu với thế giới.
Chúng tôi tự hỏi liệu Myanmarvới lợi thế của người đi sau có thể tiến nhanh hơn chúng ta không? Myanmar là một nước có 14 bang và 135 dân tộc khác nhau. Theo số liệu thống kê năm 2010, dân số nước bạn là 59 triệu người, trên 85% theo Phật giáo nguyên thủy (Tiểu thừa), còn lãnh thổ rộng gấp đôi Việt Nam (670.000km2). Thành phố lớn nhất là Yangon, nơi có khoảng 4,3 triệu dân, thành phố lớn thứ hai là Mandalay với khoảng 1,1 triệu dân. Thủ đô mới của Myanmar là Naypiydaw (mới xây dựng trong khoảng 15 năm qua), nhưng chỉ thuần là cơ sở hành chính của chính quyền trung ương, chưa có cơ sở kinh tế nên không có bao nhiêu dân cư.
Vùng đất giàu tiềm năng
Đoàn du lịch chúng tôi đã đến Yangon, sau đó đến thăm thành phố nhỏ hơn là Bago và khu Kuaikhtiyo, cách Yangon khoảng 300 cây số về phía đông bắc. Vùng đất này dù không lớn lắm nhưng lại là khu vực phát triển kinh tế nhất của Myanmar. Tại đây, chúng tôi đã thăm viếng được trên chục ngôi chùa lớn, trong đó nổi bật là chùa Sule (được xây từ 2.000 năm trước), chùa Shwedagon (có ngọn tháp cao 98 mét, được dát bằng 60 tấn vàng) và tu viện Bago, nơi có tượng phật nằm dài 55 mét, thêm ba con voi trắng luôn trong trạng thái chào đón du khách thập phương. Tại đây thường xuyên có trên năm ngàn tu sĩ tu tập học đạo. Kế đó, chúng tôi đi bộ đường đèo lên chùa Kuaikhtiyo (tiếng Anh là Golden Rock) – nơi linh thiêng nhất Myanmar, rồi tham quan khu Chinatown, chợ Bogvoka… Các điểm đến nêu trên khá tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tôn giáo, kinh tế – xã hội đương đại của nước bạn.
Qua giới thiệu của cô hướng dẫn viên người Myanmar và những gì đã trực tiếp chứng kiến, chúng tôi cảm nhận rằng quả thật Myanmar đáng gọi là “vùng đất vàng” vì có tiềm năng kinh tế vô cùng to lớn, vị trí địa lý cũng rất thuận lợi. Nếu xem trên bản đồ, chúng ta thấy Myanmar nằm trên bao lơn của Ấn Độ Dương, phía tây và tây bắc tiếp giáp với Bangladesh và Ấn Độ, phía đông và đông bắc tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, còn phía nam giáp với Malaysia. Hai dòng sông Iraoadi và Xaluin xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng chảy song song (cách nhau khoảng 300-500 cây số) suốt chiều dài từ Bắc chí Nam và cùng đổ vào Ấn Độ Dương, tạo nên một vùng đồng bằng phì nhiêu – vùng châu thổ Yangon với diện tích rộng lớn hơn cả Đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Yangon nằm bên sông Yangon (phân lưu của sông Iraoadi), được xem như thành phố ven biển. Trước đây, dưới thời thuộc địa của thực dân Anh, thành phố này đã được quy hoạch khá hoàn chỉnh, phần lớn đường phố rộng rãi hơn so với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều đáng chú ý là xe gắn máy hai bánh không được phép lưu thông trên những con đường rộng rãi đó, người dân đi lại chủ yếu bằng xe buýt công cộng. Đây là trung tâm kinh tế văn hóa và giao lưu quốc tế của Myanmar. Với các điều kiện thuận lợi trên, nếu không bị “ngủ đông” suốt một thời gian dài đã qua thì Myanmar ắt còn phát triển hơn Thái Lan ngày nay.
Những khó khăn hiện tại
Hiện nay, Myanmar vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu. Lao động nông nghiệp chiếm 70%, lao động dịch vụ chiếm 23% và lao động công nghiệp chiếm 7% dân số cả nước. Trên đường lộ rất ít gặp xe vận tải. Có vài khu công nghiệp dọc theo khu cảng về phía tây bắc của thành phố Yangon, nhưng các nhà máy, xí nghiệp cơ bản thuộc ngành dệt may, sử dụng thiết bị lạc hậu. Dù gần đây Chính phủ Myanmar đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và cũng đã thu hút được kha khá nhà đầu tư đăng ký, nhưng số đề án được hiện thực hóa còn ít, do đó bộ mặt kinh tế – xã hội của nước này chưa có thay đổi đáng kể.
Mức lương tháng bình quân của công nhân trước đây dưới 50 USD, nhưng nay đã được nâng lên và nếu tính cả các loại trợ cấp thì một công nhân hạng vừa đang nhận được khoảng 80 USD/tháng. Cửa hàng ăn uống khá ít ỏi và giá cả cũng tương đương với giá tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đó chứng tỏ rằng người dânMyanmarkhông có thói quen chi tiêu mạnh tay ở những nơi đắt đỏ. Nhìn chung, sức mua trên thị trường còn yếu kém. Để có được một nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, Myanmar không những cần mở cửa thu hút vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài, mà còn phải xây dựng cho được một thể chế nhà nước dân chủ, tiến bộ, vừa phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, vừa phù hợp với đặc tính văn hóa của người dân Myanmar. Đó là chưa kể việc phải gấp rút đào tạo lực lượng kỹ sư, công nhân có tay nghề để tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài.
Gọi Myanmar là “vùng đất vàng” vì cụm từ này còn bao hàm ý nghĩa rằng đất nước này tiêu biểu cho các nước đồng văn hóa Phật giáo nguyên thủy, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka. Mỗi ngôi làng ở bất cứ vùng miền nào đều có chùa. Số chùa nhiều hay ít, lớn hay nhỏ là tượng trưng cho mức sống của người dân tại từng làng. Người dân Myanmar theo đạo Phật phải qua thời gian tu tập tại chùa ít nhất là ba ngày, nhiều hơn thì ba tháng, còn trước đây kéo dài những ba năm. Người dân Myanmar quan niệm rằng đó là sự trả hiếu cho cha mẹ, đồng thời tu tập là cơ hội để học văn hóa và học làm người, để khi trở về xã hội sẽ được mọi người kính trọng. Hiện nay, cả nước có khoảng tám, chín trăm ngàn tu sĩ (tức là khoảng 1,5 – 1,8% dân số) đang sống và tu tập tại các chùa rải rác khắp các địa phương. Hằng ngày, các tu sĩ đi khất thực trên mọi nẻo đường. Đó là tầng lớp được kính trọng nhất trong xã hội.
Đất nước của những con người hiền hòa
Có điều lạ là người Myanmar không có họ (để truyền thừa theo huyết thống). Tên của người Myanmar được đặt theo truyền thống từ ý nghĩa của “tuần thời gian”. Mỗi tuần có tám ngày và có tám con vật được chọn làm biểu tượng (voi, chim, hổ…). Nếu ai sinh ra vào buổi sáng thì được gắn với con vật giống đực, vào buổi chiều thì con vật giống cái. Trên cơ sở đó mà việc đặt tên mang những biểu tượng hay từ ngữ liên quan với ngày sinh gắn với tám con vật linh thiêng đó. Người dân Myanmar sống theo tự nhiên như một thiên tính bẩm sinh, không bao giờ ăn động vật hoang dã. Dọc theo đường đến thành phố Bago, chúng tôi thấy đồng ruộng bao la, vật nuôi cây trồng giống như Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có một điểm khác biệt là nhà dân rất ít cặp theo đường lộ. Ở nông thôn, cả nam lẫn nữ đều ăn trầu. Hai loài cây dừa và cau được trồng ở mọi nơi.
Trên đường đi từ Bago vềYangon, cô hướng dẫn viên đã kể cho chúng tôi nghe một mẩu chuyện vui đại ý như sau. Có một đoàn du khách nước ngoài khi đến một thị trấn nọ trông thấy một cô gái trẻ đẹp bán nước dừa đang chào mời khách. Một vị khách trêu rằng chỉ thích uống dừa trên cây vừa hái xuống và sẵn sàng trả với giá đắt gấp đôi. Cô gái do dự một chút rồi cũng đồng ý leo lên cây dừa cao để hái. Chiều về, cô ta khoe với mẹ rằng hôm nay bán được nhiều tiền nhờ leo dừa. Người mẹ nghe xong bảo sao con dại như thế. Khi con leo lên cây dừa, khách nhìn thấy màu quần lót trong chiếc váy của con, lần sau không nên leo nữa. Nhưng ngày hôm sau, cô gái lại mang về nhiều tiền. Bà mẹ hỏi hôm nay chắc con không dại để người ta nhìn thấy quần lót nữa, vậy bán gì mà được nhiều tiền thế? Cô gái trả lời rằng con đã khôn hơn, khi khách bảo con leo dừa, con vào trong quán gỡ bỏ quần lót ra rồi mới leo lên!
Giai thoại vui ấy cho thấy người dân Myanmar rất thật thà, hiền hậu và mộ đạo. Họ được thừa hưởng một kho tài nguyên thiên nhiên phong phú của ông cha để lại và lẽ ra đã có một cuộc sống sung túc, bình yên, hạnh phúc. Nhưng tiếc rằng “vùng đất vàng” đó đã bị chế độ quân sự hà khắc chế ngự, khiến xã hội không phát triển được suốt nhiều thập niên. Nay, theo xu thế hội nhập quốc tế, Nhà nước Myanmar đang tích cực đổi mới, nhưng nhiều thách thức và mối nguy cũng đồng thời xâm nhập vào “vùng đất vàng”. Liệu cuộc sống của người dân Myanmarsẽ thật sự được cải thiện, liệu nền kinh tế Myanmar sẽ băng băng thẳng tiến về phía trước hay lúc trồi, lúc sụt khó lường? Chính lúc này đây, 59 triệu người dân Myanmar đang rất cần đến những bộ óc thông minh, biết vì nước vì dân để đưa đất nước mình vượt lên, không bị trả giá cho những sai lầm mà nhiều nước đã gặp phải.