Tiền thân là Công ty Văn hóa Dịch vụ Tổng hợp Quận 11 – một đơn vị nhỏ trực thuộc phòng văn hóa thông tin quận, đến nay Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) đã trở thành công ty cổ phần với sứ mệnh tạo sự khác biệt đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trong ngành xuất bản, phát hành và văn hóa giải trí, phục vụ tốt nhất cho mọi đối tượng trong và ngoài nước.
Không chỉ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, PNC còn là một trong những doanh nghiệp luôn quan tâm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Chia sẻ với ông Nguyễn Hữu Hoạt – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quát và những dấu ấn đáng nhớ của PNC trong hành trình đưa sách đến gần với bạn đọc hơn.
Thưa ông, là một người có 30 năm gắn bó với PNC ngay từ những ngày đầu thành lập và hiện đang giữ cương vị lãnh đạo, xin ông chia sẻ cảm xúc khi PNC đang chuẩn bị kyã niệm 30 năm thành lập.
Ngày 24-2 tới đây, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam vừa tròn 30 tuổi. Trước cột mốc đáng nhớ này, tôi rất phấn khởi và vui mừng khi PNC đã và đang phát triển bền vững cùng với ngành xuất bản nước nhà.
Dù trải qua không ít những khó khăn và thăng trầm, thậm chí có những giai đoạn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, sự điều hành linh động của Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc cùng với nhiệt tình và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ – công nhân viên, sự hợp tác đồng hành của các đối tác, cổ đông cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc, PNC đã có được thành công như ngày hôm nay.
Qua trang báo này, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến tất cả những ai đã yêu quý, ủng hộ và đồng hành với PNC suốt 30 năm qua.
Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển, đâu là thành tựu nổi bật của PNC mà ông tâm đắc nhất?
Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam là một trong những công ty hàng đầu trong ngành phát hành sách Việt Nam. Cũng có thể nói PNC là một tập đoàn hội tụ nhiều công ty con với mô hình kinh doanh đa dạng, hiện đại, phù hợp với xu thế và thị hiếu văn hóa đọc cũng như nhu cầu giải trí của đông đảo người dân và người tiêu dùng.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi rất tự hào về hệ thống nhà sách Phương Nam với hơn 30 nhà sách quy mô và hiện đại dọc theo chiều dài đất nước chuyên kinh doanh các mặt hàng văn hóa như sách, văn phòng phẩm, dụng cụ học sinh, quà lưu niệm… Hệ thống Bookcafé với không gian đẹp, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng đã và đang được bạn đọc quan tâm, ủng hộ.
Không chỉ vậy, nắm bắt xu thế thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ – các khách hàng không có nhiều thời gian đến nhà sách nhưng lại có nhu cầu đọc sách, nhà sách Phương Nam Online (PNO) đã ra đời. Với quy mô đầu tư lớn, cách thức bán hàng qua mạng nhanh chóng, tiện lợi, đáng tin cậy, PNO đáp ứng tối đa nhu cầu văn hóa đọc của khách hàng trong thời đại kỹ thuật số.
Ngoài ra, việc liên tiếp ra đời các công ty thành viên với nhiều loại hình kinh doanh văn hóa đa dạng: Công ty Phương Nam Phim (PNF), Công ty Sách Phương Nam (PNB), Công ty Văn phòng phẩm Phương Nam (PNSC), Công ty Nhãn hiệu Phương Nam (PNBC)… cùng với việc mạnh dạn đầu tư vào các Công ty liên doanh MegaStar (kinh doanh cụm rạp chiếu phim), Công ty cổ phần Mega Phương Nam (gia công phụ đề phim), Công ty cổ phần Bách Việt – Phương Nam… tất cả góp phần đáng kể vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của PNC.
Chiến lược phát triển của PNC trong giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông? Đâu là mảng kinh doanh mũi nhọn của PNC: cà phê sách, phát hành hay văn hóa giải trí?
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ chú trọng đầu tư và phát triển đồng bộ hệ thống nhà sách, hệ thống café sách và lĩnh vực kinh doanh giải trí – truyền thông. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và sản xuất ra những sản phẩm văn hóa có giá trị. Đặc biệt, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, bắt kịp xu hướng văn hóa đọc trên thế giới bằng nhiều hình thức, PNC đã có những bước chuẩn bị cho việc ra đời mô hình nhà sách hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế trong thời gian tới.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nghe nhìn, sự đa dạng của các loại hình giải trí, đôi lúc văn hóa đọc dường như bị “bỏ quên”. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa, tôi tin rằng văn hóa đọc sẽ luôn có vị trí trong lòng mỗi người. Vì vậy, PNC còn chú trọng tham gia và triển khai các hoạt động để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh doanh.
Động lực nào khiến PNC quan tâm và tham gia vào các hoạt động cộng đồng có liên quan đến văn hóa đọc, thưa ông?
Là một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm văn hóa phục vụ xã hội, PNC nhận thấy rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng là cung cấp một cách tốt nhất các sản phẩm văn hóa để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân nhằm nâng cao tri thức, xây dựng nhân cách và các giá trị chân – thiện – mỹ.
Hiện nay, sự cách biệt về văn hóa giữa thành thị, nông thôn và các vùng sâu vùng xa còn khá lớn, nhất là văn hóa đọc. Chính điều này đã thúc đẩy công ty chúng tôi đặt mối quan tâm vào các hoạt động cộng đồng đưa sản phẩm văn hóa đến với các nơi này,… để có thể góp phần rút ngắn khoảng cách đó.
Được biết tạo điều kiện đọc sách tốt hơn cho trẻ em nghèo ở vùng ven phải chăng là một tiêu chí ưu tiên của PNC. Phải chăng chính điều này khiến công ty quyết định tham gia các hoạt động cộng đồng?
Chính xác! Việc “nuôi dưỡng” văn hóa đọc cho thế hệ trẻ hiện nay luôn là ưu tiên của công ty chúng tôi. Để đẩy mạnh hoạt động này, PNC luôn tích cực tham gia những chương trình từ thiện như mang sách đến những trường học vùng sâu, vùng xa, lập thư viện tại vùng xã nghèo, trao học bổng cho những học sinh ưu tú có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ dừng lại ở các chương trình từ thiện – xã hội chúng tôi còn chung tay với các doanh nghiệp khác có cùng tâm huyết phát triển văn hóa đọc. Ví dụ như vừa qua chúng tôi đã hợp tác với Công ty Điện tử Samsung Vina trong dự án cộng đồng “Thư viện thông minh” hướng đến các trường THCS vùng ven trên toàn quốc – nơi điều kiện cơ sở vật chất của thư viện trường còn nhiều khó khăn.
Xin ông chia sẻ lý do PNC đã đồng hành cùng dự án cộng đồng “Thư viện thông minh” của Samsung Vina. Vai trò của PNC trong dự án này là gì, thưa ông?
Được biết ý nghĩa của dự án “Thư viện thông minh” là góp phần tạo thêm điều kiện đọc sách cho trẻ em vùng ven thông qua hệ thống thư viện trường đồng thời khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, chúng tôi rất vui mừng và vô cùng hoan nghênh tâm huyết và trách nhiệm xã hội của Samsung Vina dành cho thế hệ trẻ Việt Nam. Đây cũng là lý do PNC đã quyết định đồng hành cùng Samsung để triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thư viện thông minh”.
Đơn cử như cuối năm 2011 vừa qua chúng tôi đã tham gia Ngày hội đọc sách Readathon “Trao một quyển sách, tạo một tương lai” cùng Samsung Vina để gây quỹ sách cho dự án “Thư viện thông minh” năm 2012. Đặc biệt, PNC còn tham gia đấu giá phiên bản đặc biệt chiếc điện thoại Galaxy SII vào tháng 7-2011 và đã đóng góp toàn bộ số tiền đấu giá 200 triệu đồng cho quỹ Thư viện thông minh.
Dự án cộng đồng “Thư viện thông minh” của Công ty điện tử Samsung Vina
Là một phần của chương trình trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng do Samsung triển khai trên toàn thế giới mang tên “Samsung – Hope for Children” (“Samsung – Hy vọng cho em”). Dự án này nhằm tạo thêm điều kiện đọc sách và học tập cho các em học sinh trung học cơ sở ở vùng ven – nơi hệ thống thư viện trường học còn thiếu thốn và khả năng tiếp cận với sách báo của các em học sinh còn nhiều hạn chế.
Với sự đồng hành nhiệt tình của Công ty CP Văn hóa Phương Nam, Công ty CP Tin học Lạc Việt cùng các nhân vật có uy tín như Giáo sư Ngô Bảo Châu, ca sĩ Mỹ Linh…, giai đoạn 1 của dự án (từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12-2011) đã hoàn tất với 15 “Thư viện thông minh” được trao tặng cho 15 trường trung học cơ sở tại Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, ngoại thành TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn hai năm 2012 của dự án hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai “Thư viện thông minh” cho hơn 50 trường THCS và THPT trên cả nước.