2013 và cuộc thương thuyết mới về trật tự biển Thái Bình Dương

Nhìn ở góc độ có tính hệ thống, quá trình này sẽ tiếp diễn vào tương lai 2013 chủ yếu xoay quanh cuộc “thương thuyết về trật tự biển tại Thái Bình Dương” giữa hai gã khổng lồ hai bờ Đông – Tây của đại dương lớn nhất thế giới này: Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tàu giám sát biển Trung Quốc (trái) và một tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản, trong vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Vươn ra biển

Phân tích lại lịch sử thế giới, một trong những yếu tố định hình nên một cường quốc ở tầm mức toàn cầu chính là khả năng mở rộng quyền lực trên biển của quốc gia đó. Các quốc gia xây dựng đế chế của mình dựa vào biển như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, và gần đây nhất là siêu cường Hoa Kỳ, chính là những ví dụ điển hình nhất. Trước thực tế lịch sử đó, Đại hội 18 mới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định việc đưa quốc gia này trở thành “một cường quốc biển” là một trong những mục tiêu hàng đầu của thế hệ lãnh đạo mới nhằm tạo dựng một vị thế quốc tế vững chắc cho quốc gia gần 1,4 tỉ dân này.

Trong báo cáo chính trị tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 11-2012, giới lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định: “Chúng ta nên tăng cường khả năng khai thác các nguồn tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, đồng thời xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”. Với khái niệm “cường quốc biển” được trình bày chính thức trước toàn thể nhân dân Trung Quốc và công khai trước sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, tham vọng trở thành một quyền lực trên biển của Bắc Kinh đã rõ ràng.

Tuy nhiên, Trung Quốc lúc này chỉ mới là một “cường quốc biển” tiềm năng.Trong khi đó, Mỹ là cường quốc biển nguyên trạng. Trong một Thái Bình Dương dần trở nên chật chội, hai chủ thể quan hệ quốc tế này đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tranh giành quyền lực và sức ảnh hưởng trên biển, dựa trên cơ sở căn bản là cương quyết bảo vệ “không gian sinh tồn” trên biển của riêng mỗi quốc gia. Với lập luận đảm bảo “an ninh và tự do hàng hải”, Hoa Kỳ vẫn luôn mạnh mẽ khẳng định sự tồn tại của mình như một quyền lực then chốt và chi phối mọi hoạt động chính trị quốc tế tại Thái Bình Dương. Tiếng nói cũng như sự hiện diện của Mỹ trong các vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Biển Đông/Nam Hải, và đặc biệt là chuyến công du của Tổng thống Obama đến các nước Đông Nam Á tháng 12 vừa qua đã thể hiện sự cương quyết của Nhà Trắng trong kế hoạch tái khẳng định vai trò chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương.

Ba điểm thương thuyết

Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc mang tham vọng rất lớn về xây dựng quyền lực trên biển, tốc độ phát triển của hải quân Trung Quốc, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn đang đứng ở một khoảng cách quá xa so với Mỹ. Vì thế, những xung đột “nóng” và những hành động trực tiếp tranh giành quyền lực trên biển giữa hai quốc gia lúc này là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, điều Bắc Kinh có thể thực hiện trong vòng một năm kế tiếp chính là tiếp tục tạo ra điểm nóng, “chuyển lửa” và gây tranh chấp căng thẳng tại những mục tiêu nhỏ, thậm chí là với hệ thống đồng minh của Washington. Mục đích chính của chuỗi hành động này là nhằm rà soát sức chịu đựng, độ vững chắc của “không gian sinh tồn”, mà theo các học giả Trung Quốc, Mỹ tạo nên nhằm vây quanh và kìm kẹp sự trỗi dậy của “con rồng châu Á”. Thông qua thái độ cũng như mức độ phản kháng từ phía Nhà Trắng, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ dần định hình được họ đang đứng ở đâu và tương lai cần phải làm gì.

Kế hoạch chia đôi Thái Bình Dương của Trung Quốc được đưa lên cốt yếu nhất là giữ vững không gian sinh tồn biển của mình, gói gọn trong những vùng lãnh hải gần quốc gia, hay còn gọi là tư duy “tam hải”. Việc giữ vững “không gian sinh tồn” này chính là yếu tố cốt lõi đảm bảo an ninh của Trung Quốc. Không gian này được mở rộng hay thu hẹp đều phụ thuộc vào hai kênh chính: khả năng gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc và mức độ nhượng bộ nhất định từ phía Mỹ. Năm 2013 là thời điểm mà quá trình thương thuyết này tiếp tục diễn ra và chủ yếu xoay quanh ba điểm: Thứ nhất: giới hạn không gian sinh tồn này nằm ở đâu? Thứ hai, quyền và nghĩa vụ bên trong không gian sinh tồn của hai bên là gì?Và thứ ba, các nước nhỏ nằm bên trong không gian sinh tồn đó sẽ có vai trò như thế nào?

Trong tất cả các câu hỏi trên, điểm thương thuyết cuối cùng là vô cùng quan trọng với tương lai của các nước ASEAN.Môi trường quan hệ quốc tế Thái Bình Dương giống như một bàn cờ lớn với người chơi then chốt là những cường quốc.Ở đây, những sự lựa chọn của hai “gã khổng lồ” đôi bờ Đông – Tây Thái Bình Dương sẽ có nhiều tác động to lớn đến bối cảnh thế giới, khu vực và các quốc gia tồn tại bên trong phạm vi không gian sinh tồn của Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á không nằm ngoài phạm vi tác động của cuộc thương thuyết lịch sử này.

Nếu như ASEAN không tự định nghĩa được đâu là ranh giới, đâu là “không gian sinh tồn” của chính mình, một kịch bản tương lai ASEAN đánh mất vị thế, tiếng nói và sức ảnh hưởng của chính mình bởi sự thỏa hiệp phân chia giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là hoàn toàn có thể. Ngược lại, nếu như cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á có thể đoàn kết, thống nhất và khẳng định rõ ràng đâu là ranh giới, đâu là không gian sinh tồn của riêng mình. Qua đó, ASEAN sẽ khẳng định và bảo vệ được lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên, tạo được một lợi thế không nhỏ để bất kỳ một thành viên nào trong ASEAN nhằm sử dụng trên bàn đàm phán các vấn đề trong khu vực, đặc biệt nhất là Biển Đông.

Nguyễn Chính Tâm 

Exit mobile version