“See now, buy now” không phải là xu hướng duy nhất của thời trang. Tuần lễ thời trang Thu-Đông 2017 đánh dấu sự nở rộ của xu hướng mới là gộp cả bộ sưu tập dành cho nam và nữ giới làm một.
Hàng loạt thương hiệu thời trang đã quyết định gộp chung hai bộ sưu tập dành cho nam và nữ giới để trình diễn một lần trong Tuần lễ thời trang Thu-Đông 2017 dành cho nam giới. Người tạo ra xu hướng này là Christopher Bailey – CEO kiêm Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Burberry, cũng là người khởi xướng mô hình “See now, buy now” đang đem lại nhiều khởi sắc cho chính thương hiệu này.
Không giới thiệu một bộ sưu tập tại hai tuần lễ thời trang cách nhau chỉ hơn một tháng, Burberry đã tung ra hai bộ sưu tập trong cùng một thời điểm vào đúng mùa thời trang, thay vì diễn trước sáu tháng.
Sự thay đổi này mang lại nhiều lợi ích. Về chi phí, thương hiệu không phải tốn tiền chi trả cho việc tổ chức trình diễn các bộ sưu tập đến hai lần cho mỗi mùa thời trang. Mỗi lần tổ chức trình diễn tại tuần lễ thời trang, số tiền để vận chuyển, đi lại, casting người mẫu, thuê địa điểm, thuê công ty tổ chức… không hề nhỏ.
Về thời gian, các thương hiệu sẽ chỉ cần tập trung cho một lần trình diễn duy nhất nên có thể thong dong thực hiện các hoạt động khác như lên kế hoạch quảng bá hay chuẩn bị cho bộ sưu tập kế tiếp. Người đến tham dự, bao gồm các biên tập viên và người nổi tiếng cũng không phải “chạy sô” với tần suất nghẹt thở nữa. Cuối cùng là giảm thiểu được nạn sao chép ý tưởng.
Thông thường, bộ sưu tập dành cho nam hé lộ đến 80% những gì mà công chúng sẽ thấy ở bộ sưu tập dành cho nữ được trình diễn sau đó hơn một tháng, nhưng bằng đó là đủ để ý tưởng mới bị sao chép. Trình diễn chung, nhất là khi bộ sưu tập được bán ngay sau đó như trường hợp của Burberry sẽ giúp giảm thiểu được nạn hàng nhái.
Ý tưởng gộp chung đã rõ như vậy, điều còn lại cần quyết định là chọn trình diễn vào thời điểm nào. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là khách hàng và khách mời. Thương hiệu Dsquared2 đã chọn Tuần lễ thời trang Milan dành cho nam giới vì thị phần thời trang nam của họ mạnh hơn so với thời trang nữ.
Trong khi đó, Bottega Veneta và Gucci lại trình diễn tại Tuần lễ thời trang Milan nhưng dành cho nữ giới, còn Calvin Klein cho ra mắt bộ sưu tập mới mẻ của mình tại Tuần lễ thời trang New York dành cho nữ để chào mừng Raf Simons trở thành Giám đốc sáng tạo mới. Tính đến thời điểm này, những thương hiệu đã đi theo mô hình gộp còn có thêm Kenzo, Michael Kors, Paul Smith, Bally và Saint Laurent.
Liệu gộp như vậy có phải là ý tưởng “win-win” (đại thắng) dành cho các thương hiệu không? Câu trả lời là chưa chắc. Nguy cơ đầu tiên có thể xảy ra là sự thay đổi như vậy sẽ làm náo loạn trật tự mua sản phẩm mới.
Cần phải nhắc lại rằng không phải boutique nào cũng bán tất cả các món đồ thời trang dành cho nam lẫn nữ. Việc trình diễn gộp hai bộ sưu tập sẽ làm ảnh hưởng đến các khách hàng mua sỉ chọn mua sản phẩm dành cho nam nếu như bộ sưu tập được trình diễn tại tuần lễ thời trang dành cho nữ và ngược lại. Lý do đơn giản là họ đến tuần lễ thời trang là để mua sản phẩm của nhiều thương hiệu chứ không phải của một thương hiệu nào đó. Thứ hai là nguy cơ quá tải ở mọi phương diện.
Thử tưởng tượng rằng khi tuần lễ thời trang dành cho nam và nữ được gộp thành một, sẽ có khoảng 20-30 buổi giới thiệu lớn nhỏ mỗi ngày và hệ thống thời trang sẽ “bị phát điên” như thế nào. Các nhà thiết kế, ban tổ chức, người mẫu và các khách mời đều bị “giằng xé”. Khách mời buộc phải bỏ thương hiệu này để đến với thương hiệu kia. Các người mẫu cũng bị rơi vào trạng thái tương tự. Việc di chuyển và đảm bảo chỗ tại khách sạn sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Nguy cơ cuối cùng và cũng là điểm yếu dễ thấy: sự quá tải của các thiết kế trong cùng một bộ sưu tập.
Con số 40 là mức trung bình về thiết kế mới của một bộ sưu tập để người xem có thể thưởng thức vừa đủ cả ý tưởng lẫn cái đẹp trên trang phục. Việc gộp hai bộ sưu tập làm một sẽ đẩy con số lên gấp đôi, thậm chí đến hơn 100 thiết kế. Quá trình theo dõi một bộ sưu tập có quá nhiều thiết kế sẽ làm người xem bị mất tập trung và dễ cảm thấy nhàm chán.
Thời trang phản ánh xã hội và những gì thời trang đang thay đổi thể hiện sự đổi thay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thời trang dù có ra sao thì vẫn phải phụ thuộc vào thị trường, phải luôn thay đổi để tồn tại. Vì vậy, những người tạo ra thời trang lẫn giới tiêu dùng cũng phải luôn sẵn sàng để đón nhận và thích nghi với sự thay đổi đó.