Xáo trộn

Lo lắng về thông tin bầu cử của Hy Lạp, động thái bán ròng khá mạnh tay của khối ngoại; trong khi thông tin vĩ mô trong nước đang có diễn biến khá tốt. Những yếu tố trái chiều này khiến tâm lý thị trường xáo trộn.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng ngày 15-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, các gói hỗ trợ doanh nghiệp 29 ngàn tỉ đồng hay nguồn giải ngân tín dụng lên tới 21 ngàn tỉ đồng mỗi tháng sẽ được bơm vào nền kinh tế từ nay cho tới cuối 2012. Thông tin này ngay lập tức tạo hiệu ứng khá tốt đối với thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần. Trong khi thị trường có vẻ hồ hởi, nhiều cổ phiếu lớn tăng giá mạnh thì STB, CTG, REE lại bị khối ngoại bán tháo, đặc biệt là STB và REE. Thái độ xả hàng không cần che giấu vào phiên đóng cửa ngày 15-6 của nhà đầu tư nước ngoài làm cho nhà đầu tư nội phải suy nghĩ. Dường như khối ngoại chỉ cần bán được hàng mà không cần biết đến giá cả.

Hiện tại, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bình ổn nhất định, lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến. Quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hay việc nâng hạng mức tín nhiệm từ tiêu cực lên ổn định đối với kinh tế Việt Nam của S&P cho thấy những tín hiệu tích cực trong dài hạn. Trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ định mức tín nhiệm, thì những thay đổi tích cực trong kinh tế vĩ mô ở Việt Nam sẽ góp phần thu hút thêm được sự quan tâm của dòng vốn ngoại. Câu hỏi đặt ra là tại sao khối ngoại lại chọn thời điểm này để thoái vốn? Tính từ đầu tháng 6, khối ngoại đã bán hơn 900 tỉ đồng trên HoSE trong 10 phiên liên tiếp. Trong năm phiên bán ròng tuần thứ hai của tháng 6, khối ngoại bán mạnh nhất vào ngày cuối tuần (15-6) với giá trị hơn 161 tỉ đồng. STB là cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất với khối lượng hơn 22 triệu và giá trị hơn 571 tỉ đồng. Trong đó, riêng quỹ ETF VNM đã bán ra khoảng chín triệu đơn vị sau khi công bố giảm tỷ trọng STB trong danh mục từ 7,2% xuống 3,14%. Hoạt động xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài gây chú ý không chỉ bởi lượng hàng bán ra mà còn do phương thức bán. Thay vì thỏa thuận như thường lệ, khối ngoại đã bán thẳng qua giao dịch khớp lệnh.

Trước đó, trong nửa đầu tháng 5, khối ngoại cũng đã có động thái bán ròng liên tiếp trong một tuần giao dịch, điều này tạo áp lực lên thị trường và diễn biến này lại tái diễn trong những ngày đầu tháng 6. Động thái một số quỹ ETF loại bỏ hàng loạt cổ phiếu ra khỏi danh mục cho thấy áp lực rút vốn ngắn hạn trên thị trường chứng khoán Việt Nam của khối ngoại. Một thống kê cho thấy, đã có một lượng tiền không nhỏ mà các quỹ đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt. Vào thời điểm giao dịch trên cả hai sàn ở mức cao, việc bán ròng của khối ngoại sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Tuy nhiên trong bối cảnh thanh khoản có phần hạn chế như hiện nay, động thái của khối ngoại đã tạo áp lực đáng kể, đặc biệt khi việc bán ra lại tập trung vào một số blue-chip có ảnh hưởng lớn đến việc “tính điểm” của thị trường.

Một số ý kiến cho rằng việc thoái vốn không chỉ diễn ra ở riêng Việt Nam mà đang diễn ra trên diện rộng, tại các thị trường mới nổi và khối Đông Nam Á. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng xấu từ phía châu Âu, đặc biệt vừa qua Tây Ban Nha phải xin gói cứu trợ – điều này tạo áp lực rút vốn đối với các quỹ khi sắp đến thời điểm chốt NAV quý II. Một lần nữa khối ngoại và những diễn biến “nóng” từ châu Âu đang nhắc nhở về ảnh hưởng của bên ngoài đối với thị trường chứng khoán trong nước. Thêm diễn biến đáng chú ý, hiện các ngân hàng Mỹ đang ráo riết chuẩn bị đối phó với kết quả bầu cử Hy Lạp. Nếu cuộc bầu cử Hy Lạp dẫn đến bất ổn trên thị truờng, một sự hoảng loạn đã được tính đến và giải pháp cũng đã được chuẩn bị là các ngân hàng trung ương sẽ cung cấp thêm tín dụng giá rẻ để có thể vực dậy hệ thống tài chính toàn cầu.

Phiên giao dịch đầu tuần (ngày 18-6), mở cửa thị trường, sự hưng phấn của nhà đầu tư khiến các chỉ số chính tăng khá mạnh, tuy nhiên tâm lý thận trọng đã gia tăng khi VN-Index và HNX-Index lần lượt tiếp cận các ngưỡng kháng cự mạnh tại 440 điểm và 77 điểm. Đà tăng của hầu hết các mã cổ phiếu đều thu hẹp trở lại, chỉ có một số mã liên quan đến xây dựng, bất động sản tăng đột biến. Tiêu biểu là KBC tăng kịch trần, giao dịch tăng vọt lên hơn 2,8 triệu đơn vị. Bên cạnh đó là các mã CDC, DIG, HDG, KBC, KDH… có sự bứt phá mạnh về điểm số nhưng khối lượng giao dịch khiêm tốn hơn. Đóng cửa thị trường, VN-Index tăng 2,5 điểm lên 435,59 điểm với 58,3 triệu cổ phiếu trao tay, giá trị giao dịch 873 tỉ đồng.

 Song Hà

Exit mobile version