Sau một thời gian sống ở Tokyo, chúng tôi đến Fukuoka, thành phố xinh đẹp trên đảo Kyushu và khá ngạc nhiên khi trải nghiệm cuộc sống ở đây. Dù diện tích không lớn nhưng Fukuoka cổ kính vẫn khiến khách phương xa có thể lưu lại cả tuần mà không chán. Mức độ giàu có về văn hóa, bản sắc của đô thị cổ này càng thể hiện rõ trong ngày hội Setsubun đầu xuân.
Tưng bừng lễ lớn ở thành phố cổ
Một điểm thuận lợi của Fukuoka là sân bay chỉ cách nhà ga trung tâm Hakata hai ga tàu điện nên chỉ mất tầm 15 phút để đi từ đây vào trung tâm thành phố. Mọi điểm vui chơi, mua sắm, ăn uống đều ở gần nhau nên du khách không mất thời gian di chuyển vất vả như ở Tokyo hay Osaka. Những ngày bình thường sinh hoạt ở Fukuoka êm đềm, vắng lặng hơn các thành phố lớn rất nhiều nhưng do chúng tôi đến đây vào đúng lễ hội Setsubun nên cả nhóm được dịp chen chúc với hàng trăm ngàn du khách từ các nơi đổ về.
Lễ hội truyền thống Setsubun thường rơi vào ngày 2-2 hoặc 3-2 hằng năm. Đến Fukuoka đúng dịp này, chúng tôi chứng kiến bầu không khí hết sức náo nhiệt với những tiếng la hét một câu khẩu ngữ của lễ hội, đánh dấu ngày khởi đầu mùa xuân mới với một năm mới tốt đẹp hơn. Những ngày này chợ, siêu thị ở Fukuoka tràn ngập các mặt hàng dành cho ngày hội: đậu nành rang, đậu nành bọc đường, đậu nành nhuộm màu, mặt nạ quỷ, chùm cây đỗ khô, đầu cá trích để treo ở cổng hay hiên nhà xua quỷ… vào ngày Lập xuân.
Trên khắp nước Nhật ngày đầu xuân, người ta thường rắc đậu để xua đuổi ma quỷ, nghi lễ này được gọi là Mamemaki. Mamemaki thường được thực hiện bởi toshiotoko trong gia đình – đó là người đàn ông cầm tinh con giáp phù hợp với con giáp năm đó, dựa theo 12 con giáp của người Trung Hoa hoặc là trưởng nam của gia đình. Đậu nành nướng được rắc ra khỏi cửa nhà hoặc vào một thành viên trong gia đình đang đeo mặt nạ quỷ, vừa rắc vừa nói: “Quỷ cút ra! May mắn mời vào!”. Đậu nành được cho là sẽ thanh tẩy ngôi nhà bằng cách xua đuổi tà ma, tống vận xui ra khỏi nhà. Sau đó là một tục lệ lâu đời: để đưa may mắn vào nhà, người ta sẽ ăn đậu, mỗi hạt ứng với một tuổi; ở một số vùng, mỗi hạt tương ứng một tuổi, cộng thêm một hạt để sẽ đem may mắn đến trong năm mới.
Với lịch sử lâu đời, Fukuoka là một trong những thành phố nhiều đền chùa nhất ở Nhật Bản. Vào dịp đầu năm, người dân địa phương thường đến vãn cảnh ngôi chùa Tochoji của chi phái Phật giáo Shingon, được xây dựng từ năm 806. Trong chùa thờ tượng Fukuoka Daibutsu (Đại Phật) – bức tượng Phật ngồi bằng gỗ lớn nhất ở Nhật. Chúng tôi thích đến đền Gokoku hơn vì đền ở trung tâm thành phố nhưng rất yên tĩnh và rợp bóng cổ thụ. Vào ngày lễ hội Setsubun, khi đến viếng đền Gokoku du khách có thể mua vé số giá 500 yen với các giải thưởng đa dạng, trong đó có cả máy hút bụi và iPhone.
Không trúng được tờ vé số nào, cả nhóm chúng tôi đón xe điện ra ngoại vi thành phố, đến Dazaifu Tenmangu – đền thờ vị thần của văn học và thư pháp. Mùa này, 6.000 cây mận quanh đền đang bắt đầu nở hoa, khoe sắc thắm trong khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có ao hồ, núi non rất đẹp. Dọc theo lối vào đền, các cửa hàng bán đồ thủ công truyền thống Nhật Bản, bánh kẹo, thức uống… tất bật phục vụ, tiếng chào mời vang lên không ngớt. Nhưng dù cửa hàng đông khách người bán vẫn cố gắng chu đáo với từng khách hàng, sẵn lòng bao gói chỉn chu hàng đã mua, dù chỉ là đôi đũa gỗ làm quà lưu niệm.
Thành phố hoa mộng mơ
Mùa xuân chỉ mới bắt đầu nhưng khắp Fukuoka chỗ nào cũng thấy hoa hàm tiếu, chúm chím chuẩn bị khoe sắc. Bên trong Trung tâm thương mại Canal City sang trọng trang trí đầy hoa, còn ngoài trời gió lạnh nhưng cũng không thiếu những sắc hoa hồng đỏ tím sưởi ấm không gian. Fukuoka nổi tiếng với nhiều công viên rộng lớn trồng hoa dày đặc. Để ngắm hết những trảng hoa phong phú của công viên Uminonakamichi Kaihin Koen, du khách phải thuê xe đạp vì đi bộ thì không sao ghi hình hết những loài hoa đặc sắc.
Nói đến tình yêu hoa cỏ của người dân Fukuoka không thể không nhắc đến Acros, kiến trúc hiện đại nổi tiếng của thành phố. Acros là tòa nhà rất độc đáo với phần mái được thiết kế như một khu vườn hình bậc thang phủ kín cây xanh. Với thiết kế xanh, thân thiện với môi trường kiến trúc này đã trở thành một điểm đến nổi bật của thành phố Fukuoka, là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, hội nghị quốc tế trong khuôn viên rất lớn. Từ trong ga tàu điện Tenjin, ra cửa số 16 là đến ngay tầng hầm của tòa nhà này.
Cùng với thú vui ngắm hoa, ẩm thực Fukuoka cũng rất được du khách yêu thích. Tại công ty du lịch ngay phố chính, những ngày này lúc nào cũng có du khách xếp hàng mua tour khám phá ẩm thực. Chúng tôi có bạn ở đây nên không theo tour vẫn được thưởng thức vài món ngon đáng nhớ. Lễ Setsubun ngoài đậu nành thì mì toshikoshi cũng là món không thể thiếu. Người dân địa phương làm sợi mì toshikoshi từ bột gạo và kiều mạch nên mì dai giòn và có hương thơm ngọt dịu của ngũ cốc. Có điều thú vị là khi ăn mì, người Việt mình thường ăn gọn gàng từng đũa, tránh phát ra tiếng xì xụp để không bị xem là ham ăn, bất lịch sự. Nhưng ở Nhật Bản ngược lại, vì sợi mì dài tượng trưng cho trường thọ và hạnh phúc viên mãn nên mọi người luôn cố gắng hút… một cái rột để sợi mì không bị đứt ngang.
Đậu nành và mì toshikoshi đều rất ngon, nhưng với cái lạnh đầu xuân và phải đi bộ ngắm cảnh nhiều hơn ngày thường, chúng tôi yêu cầu anh bạn sống tại đây dẫn đi ăn món gì đó thật nóng và thật nhiều năng lượng. Lẩu lòng bò motsunabe xem ra là lựa chọn hợp lý nhất. Người dân Nhật thường không thích ăn nội tạng của động vật, nhưng riêng ở Fukuoka đây là món nổi tiếng do thành phố chịu ảnh hưởng văn hóa từ hai nước Triều Tiên và Trung Quốc.
Món lẩu lòng bò motsunabe được chế biến với nội tạng của bò kèm theo bắp cải, tỏi tây, ớt và gia vị; tất cả được cho vào nồi lẩu với tương miso. Ngồi ăn lẩu bốc khói nghi ngút, trò chuyện và uống rượu sake là một cách hưởng thụ cuộc sống tại đây. Có những quán ăn chuyên bán món lẩu lòng bò mới mở, nhưng có những quán tồn tại rất lâu năm, phải đi vào các hẻm ngóc ngách chỉ những người bản địa mới biết. Quán nhỏ bàn ghế trải bao tháng năm cũ kỹ, chỉ chứa được khoảng chục người nhưng lúc nào cũng đông khách. Chúng tôi đến quán vào lúc vắng nên may mắn có chỗ ngồi luôn. Trước mặt tôi là một cô bé phục vụ không ngừng chào hỏi và luôn cười rất tươi, cô đã chuẩn bị cho chúng tôi một nồi lẩu lòng bò có tỏi tây chất cao có ngọn…