Việc Đờn ca tài tử Nambộ được vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của ViệtNam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống ViệtNamtrong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.
Dịp này, UNESCO hy vọng ViệtNamsẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ trao truyền và giảng dạy về di sản văn hóa phi vật thể này trong chương trình giáo dục chính thức. Cách đây ba năm, vào tháng 8-2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Viện Âm nhạc Việt Nam và 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam và Trung bộ tiến hành công tác kiểm kê lập hồ sơ “Đờn ca tài tử Nam bộ, Việt Nam” trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhạc sư Vĩnh Bảo (bìa trái) trong một đêm sinh hoạt Đờn ca tài tử ở nhà GS Trần Văn Khê (bìa phải)
Giáo sư Trần Văn Khê, người từng là cố vấn đặc biệt cho việc xây dựng hồ sơ đã tỏ ra vui mừng nói rằng việc UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là di sản của nhân loại có tầm ảnh hưởng và gây được tiếng vang lớn. Giới trẻ ViệtNamthấy thế giới công nhận cũng sẽ tò mò, bắt đầu để ý, nghe, chơi. Còn người đờn ca thấy nghệ thuật này có giá trị rất cao thì càng hãnh diện, cố gắng làm cho nó không biến chất để càng ngày càng phát triển.
Giáo sư Trần Văn Khê, được sinh ra trong một gia đình hai bên nội ngoại đều là những người trong giới nhạc truyền thống, trong một bài viết trước đây đã cho rằng Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhờ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống Ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở nhiều nơi, từ đó tiếng đờn giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng và khi vào đến miềnNamthì không còn giữ nguyên chất mà đã thay đổi rất nhiều.
Những con người tháo vát, đầy óc sáng tạo khi đến với vùng đất màu mỡ ruộng đầy lúa, cây đầy trái, sông rạch đầy cá tôm đã tìm thấy nơi đây một cuộc sống an lành. Do lòng luôn luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu các hơi của Đờn ca tài tử đều diễn tả nỗi u buồn, được người đờn người ca và người nghe thích thú, say mê trong diễn tấu, miệt mài trong thưởng thức.
Theo ông, phong cách đờn miền Trung vẫn giữ theo truyền thống một cách chặt chẽ còn ở miền Nam thì phóng khoáng và bay bướm, học chân phương mà đờn hoa lá để cho nét nhạc cũng như tiết tấu thay đổi tùy lúc, tùy người. Lòng bản không đổi, chữ đờn ở nhịp chánh không sai, nhưng sắp chữ đờn trong câu thì thiên hình vạn trạng.
Quan sát môi trường, con người và nếp sống tại miền Nam, chúng ta hiểu rõ tại sao bài bản không được chuẩn, đó là do người đờn người ca không muốn giữ nguyên xi như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm.
Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: “Hai tiếng tài tử trong môn nghệ thuật dân gian này dùng để chỉ sự không lấy đó làm nghề, không dùng tiếng đờn giọng hát làm kế sinh nhai. Đờn ca tài tử không phải để kiếm sống mà để giải trí, cùng với bạn đồng điệu hòa đờn cho người mộ điệu thưởng thức, đờn hát để vui chơi với nhau, khác với những nhóm nhạc lễ là các nhạc sĩ chuyên nghiệp dùng đờn ca làm kế sinh nhai. Người đờn tài tử trước đây hễ vui thì đờn chơi, không “hứng” thì thôi chớ khó ai có thể bỏ tiền ra mua tiếng đờn của họ.
Một buổi Đờn ca tài tử do các nhà vườn phục vụ khách du lịch
Nhưng không phải vì không chuyên nghiệp mà những người Đờn ca tài tử có trình độ nghệ thuật thấp. Ngược lại, họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Muốn trở thành một người Đờn ca tài tử đúng nghĩa phải trải qua một thời gian luyện tập khá công phu.
Khác với Ca Huế, tính chất động của Đờn ca tài tử khiến cho bài bản ngày càng phong phú, cách đờn càng thêm bay bướm, sâu sắc. Chẳng những mang tính cách của người miền Nam mà Đờn ca tài tử còn thu nhận những đặc điểm hay, lạ của những người Hoa dân tộc thiểu sốở miền Nam làm thành những bản nhạc mới khiến cho bài bản ngày thêm đa dạng.
Trước đây Đờn ca tài tử miềnNamrất thịnh hành và được nhiều người ưa thích, nhưng rồi lần lần bị các loại nhạc mới lấn át. Cho đến những năm gần đây, Đờn ca tài tử mới được hồi sinh. Các câu lạc bộ tài tử cải lương được thành lập, song song đó là những liên hoan và các cuộc thi cải lương trên toàn quốc thu hút sự quan tâm của quần chúng.
Cũng như Ca Huế, dàn nhạc tài tử dùng cây đờn kìm (đờn nguyệt) và đờn tranh, thường thì lựa tiếng thổ hòa với tiếng kim mà nếu có thêm cây đờn cò thì càng hay. Cả ba cây họp với nhau như tam tấu trong ca nhạc Huế. Có thể có thêm đờn độc huyền, đờn tỳ bà, đờn tam, đờn xến. Ống sáo, ống tiêu thường dùng trong các bài buồn nhưTứ đại oán hay Văn thiên tường.
Và đặc biệt là song lang. Song lang (có nghĩa là hai thanh tre già) dùng để gõ vào nhau khi câu nhạc đến nhịp quan trọng. Ngày nay song lang là một miếng gỗ trắc hình tròn, phía trước chẻ làm đôi, phía sau gắn một miếng sừng có công dụng như lò xo. Đầu miếng sừng có miếng gỗ hình tròn như viên đạn. Dùng tay bóp hay chân đạp, viên gỗ tròn gõ trên miếng gỗ to vang lên tiếng rất thanh để đánh nhịp”.
Những đúc kết được Giáo sư Trần Văn Khê khái quát trên đây cho thấy Đờn ca tài tử có một điều thú vị là từ giới bình dân đến các bậc tài danh đều có thể biểu diễn ứng tác theo cách riêng, tạo cơ hội cho sự phát triển tài năng nghệ thuật.
Hiện nay có hơn 100 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với khoảng 2.000 tài tử ca và đàn, hằng năm chúng ta cũng đã tổ chức hàng chục liên hoan môn nghệ thuật này. Tại một số khách sạn cũng như các tour du lịch “Sông nước miền Tây” đều có tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử để giới thiệu bộ môn nghệ thuật này với du khách trong và ngoài nước.
Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ. Vấn đề cần làm đối với những người có trách nhiệm phát huy tinh hoa nghệ thuật âm nhạc dân gian là không chỉ làm sao để Đờn ca tài tử thấm đậm trong đời sống người Việt chúng ta mà còn bắc được chiếc cầu giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài trong thời buổi hội nhập.
Thu Tâm