Đến Hội An, bên cạnh việc được khám phá một đô thị cổ duyên dáng, kết tinh của nhiều nền văn hóa giao thoa thì một điều thú vị đối với du khách là tìm đến các hiệu vải, tự chọn cho mình một mẫu vải thích nhất, rồi được những người thợ may giỏi nghề đo, may cho mình một bộ cánh ưng ý, trong một thời gian rất nhanh và giá rất hợp lý. Tường Tailor là một trong những hiệu vải cung cấp dịch vụ này. Đây còn là một không gian vừa mới được cải tạo và trở nên thật khác biệt so với các hiệu vải ở Hội An hiện nay.
Không gian mới này gắn liền với câu chuyện nghề của người chủ hiệu. Bắt đầu từ một ngôi nhà nho nhỏ trên phố cổ Hội An, công việc phát triển hơn và nhu cầu mở rộng kinh doanh, ông mua thêm căn bên cạnh. Bài toán đặt ra cho người thiết kế lúc này là kết hợp hai ngôi nhà để tạo nên một không gian có đủ chỗ trưng bày vải vóc, giới thiệu một số mẫu thời trang và may đo tại chỗ. “Cái khó của dự án chính là việc phải tuân thủ các quy định chung về mặt quản lý của các công trình cũ vốn nằm trong khu đô thị được bảo tồn, đồng thời phải tạo nên một không gian mới, tiện nghi và khác biệt nhất định” – người thiết kế chia sẻ.
Anh đã cùng với chủ đầu tư rất nỗ lực để cửa hiệu có một diện mạo như bây giờ. Xuất phát từ chính loại hàng hóa mà cửa hàng kinh doanh, ý tưởng chủ đạo trong việc xử lý lại không gian, biến cũ thành mới là dùng mảng trần bằng lam gỗ với những nét cong uốn lượn, gợi liên tưởng đến những dải lụa mềm mại. Vách ngăn giữa hai ngôi nhà nhỏ được dỡ bỏ để tạo nên một không gian lớn. Còn lại là những thay đổi bề mặt hoàn thiện bằng cách sử dụng vật liệu: gỗ, đá và bố trí nội thất theo công năng. Những cây cột có vai trò kết cấu được ốp gỗ để có sự tương đồng về vật liệu. Vải vóc – sản phẩm kinh doanh chủ lực của cửa hiệu trưng bày trên hệ tủ kệ sát tường, các ma-nơ-canh giới thiệu các sản phẩm thời trang phân bố theo từng cụm góp phần làm cho không gian trở nên sinh động.
Trung tâm của cửa hiệu là những sofa và bàn dành cho khách ngồi – nơi tương tác giữa khách và nhân viên bán hàng cũng như đội ngũ thợ may đo ở đây. Chủ đầu tư đã tổ chức được một đội ngũ thợ may lành nghề làm việc tại chỗ, chủ yếu là những điều chỉnh, sửa chữa nho nhỏ theo yêu cầu của khách nên khu vực này không chiếm nhiều không gian, được bố trí rất gọn. Không sử dụng quá nhiều màu sắc, bởi bản thân vải vóc và các mẫu thời trang đã khá đa dạng và phong phú về màu nên thiết kế chỉ sử dụng màu xanh trên tường làm điểm nhấn.
Người thiết kế chia sẻ thêm rằng anh nhận thấy có rất ít chỗ để du khách có thể dừng lại nghỉ chân sau hành trình tản bộ, lang thang trên các con phố, vậy nên phần không gian phía trước cửa hiệu được tạo nên một khu vực đón tiếp thật rộng, ở đó sắp xếp thêm một vài góc nhỏ để khách có thể ngồi lại thư giãn, bất kể việc họ có sử dụng dịch vụ của cửa hàng hay không. Cả anh và chủ đầu tư muốn góp thêm một tiện ích nho nhỏ trong cộng đồng, tạo ấn tượng về một đô thị thân thiện và nhân văn trong cảm nhận của du khách.
________
Hình ảnh thực hiện tại Tường Tailor, 67 Trần Hưng Đạo, Hội An
Nhóm thiết kế: District1architects
Website: district1architects.com
Điện thoại: 0977708819
Thi công: Công ty TNHH Xây dựng AI.T
– Ảnh Quang Trần