Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát theo hệ số an toàn vốn (CAR) có lẽ sẽ giúp các Ngân hàng Thương mại (NHTM) chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo được chất lượng của việc tăng trưởng tín dụng.
Hết “room” tăng trưởng tín dụng
Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý II-2018 của 22 ngân hàng đã công bố cho thấy hầu hết các ngân hàng đều đạt tăng trưởng trong hoạt động cho vay khách hàng. Trong đó, 11/23 ngân hàng có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. TPBank, HDBank và LienVietPostBank là ba ngân hàng dẫn đầu về chỉ tiêu này với tăng trưởng tương ứng 16,3%; 15,2% và 13,8%.
Tiếp theo sau là các ngân hàng SCB, ACB, Vietcombank, MBBank đều trên 11%; Kienlongbank, Việt Á, VietBank, NCB từ 10% trở lên. Nhóm ngân hàng tăng trưởng cho vay thấp nhất có SHB, Techcombank, Bản Việt. Chỉ duy nhất có một ngân hàng sụt giảm là Eximbank, tuy nhiên mức giảm cũng rất nhỏ (-0,5%). Và tính đến 30-6-2018, tổng số dư cho vay khách hàng của 22 ngân hàng này đạt trên 4,7 triệu tỉ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Mức tăng trưởng cho vay trung bình của các ngân hàng đạt 9,3%, bằng hơn 50% kế hoạch năm của toàn ngành (khoảng 8,5%).
Trong sáu tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt khoảng 7,88% so với cuối năm 2017, thấp hơn so với mức 9,06% của cùng kỳ năm 2017. Câu hỏi đặt ra lúc này là đối với những ngân hàng đã dùng gần hết quota tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay ngay trong sáu tháng đầu năm thì trong sáu tháng cuối năm sẽ dựa vào đâu để tăng trưởng nếu không được NHNN nới “room”?
Tăng trưởng tín dụng sẽ được điều hành theo hướng chặt chẽ
Chỉ thị 04 ban hành ngày 2-8 mới đây của Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã được thông báo, đảm bảo tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Đáng chú ý, NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Thêm vào đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản.
Theo cơ chế trước đây, chốt số liệu tháng 6, các ngân hàng sẽ làm đơn xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Quyết định trên của NHNN được đánh giá là sẽ mang đến nhiều thách thức cho các nhà lãnh đạo ngân hàng khi tỷ lệ tăng trưởng cho vay hai quý vừa qua đã gần với con số chỉ tiêu đầu năm. Một giải pháp có thể tính đến là các ngân hàng sẽ phải tập trung hơn vào việc phát triển các khoản dư nợ ngắn hạn, cấp hạn mức cho các doanh nghiệp và hạn chế tăng các khoản cho vay dài hạn. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần tìm kiếm thêm các nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, bancassurance (bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng)… để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đặc biệt, theo chỉ thị, Thống đốc yêu cầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra, giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Tiến hành thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ… Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng, nhất là những hành vi vi phạm đã được cảnh báo; kiên quyết xử lý những TCTD không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Những diễn biến này gợi nhắc đến câu hỏi: liệu NHNN có nên kiểm soát hoạt động tín dụng bằng cách quy định “room” cho các ngân hàng? Thông lệ quốc tế cho thấy các ngân hàng trung ương gần như không áp dụng các giới hạn mang tính hành chính mà chủ yếu tập trung kiểm soát chỉ tiêu CAR. Theo đó, hiểu một cách đơn giản thì các ngân hàng sẽ tự quyết định cho vay bao nhiêu, cho ai vay và cho vay lĩnh vực gì miễn là đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
- Xem thêm: Lãi suất gửi tiết kiệm lại tiếp tục giảm
Khi đó, những ngân hàng có hệ số CAR thấp sẽ tự phải lựa chọn: hoặc phải duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hoặc phải cho vay vào những ngành nghề mà có hệ số rủi ro thấp hơn so với các lĩnh vực có rủi ro rất cao như đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản hay tín dụng tiêu dùng… Trên cơ sở đó, việc NHNN kiểm soát theo hệ số CAR có lẽ sẽ giúp các NHTM chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh của mình trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng của việc tăng trưởng tín dụng.