Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho năm nước châu Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy), bắt đầu từ ngày 1-7-2018, với thời hạn ba năm.
Trước đó, trong phiên họp Chính phủ ngày 3-5 đã đề cập đến vấn đề liên quan đến đề xuất của Bộ VH,TT&DL và các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng về việc tiếp tục miễn visa cho công dân năm nước châu Âu. Việt Nam có mốc miễn thị thực cho công dân năm nước châu Âu đến ngày 30-6-2018 là hết hiệu lực. Thời gian gia hạn, miễn cấp thị thực là một năm.
Sau khi nghe ý kiến của Bộ VH,TT&DL và các bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho năm nước châu Âu, bắt đầu từ ngày 1-7-2018 và nâng thời hạn miễn cấp thị thực từ một lên ba năm.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chính sách thông thoáng về visa, việc quảng bá tốt du lịch đã góp phần giúp Việt Nam liên tục giữ được mức tăng trưởng khách quốc tế đạt xấp xỉ 30%.
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, không chỉ liên quan tới việc nâng thời hạn miễn câp thị thực cho công dân năm nước châu Âu, việc cải thiện các chính sách khác về cấp visa đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
“Chúng ta không để cho khách quốc tế phải đến gặp trực tiếp các cơ quan ở nước ngoài, ở cửa khẩu. Khách nước ngoài dù ở bất cứ nơi nào cũng có thể đăng ký cấp visa. Sự cải cách này nhằm đem lại sự thuận tiện cho khách du lịch, giúp chúng ta có lượng khách rất tốt” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thêm.
Hồi tháng 3, Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có bức thư gửi tới Thủ tướng về những đề xuất chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố Việt Nam xếp hạng 116/136 quốc gia và đạt 17/100 điểm khi đo lường các yêu cầu về thị thực.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ hạng thấp nhất với chỉ 24 quốc gia được miễn thị thực ngoại trừ Campuchia, Lào và Mianma. Ba nước này đã phát triển hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu rất hiệu quả là hầu như mọi người có thể đến và nhận thị thực trong vòng 5 phút.
Ngoài ra, trong khi khách du lịch thường được miễn thị thực trong vòng 30 ngày thì Việt Nam chủ yếu miễn thị thực cho khách du lịch chỉ trong 15 ngày và không cho phép khách đã được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày.
Cũng theo thông tin từ Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, chương trình miễn thị thực du lịch không phải là không có đi có lại. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mỗi quốc gia như Singapores, Malaysia. Indonesia, Philippines đều thực hiện miễn thị thực cho hơn 160 nước. Mặc dù không phải tất cả các quốc gia đó đều miễn thị thực song phương.
Indonesia chỉ được hưởng miễn thị thực từ 57 quốc gia và con số tương tự cho Philippines là 61.
“Tuy nhiên, cả nước hai nước này đều nhận ra lợi ích đáng kể của việc tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực trong một thị trường có nhiều cạnh tranh” – Bức thư gửi tới Thủ tướng hồi tháng 3 của Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân viết.
Hội đồng Tư vấn du lịch cho hay, Việt Nam có thể được hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng diện miễn thị thực tới các nước phương Tây như Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ.
Với việc tạo thuận lợi cho cấp thị thực sẽ tăng số lượng khách đến khoảng 8 – 10% thì doanh thu trực tiếp tăng thêm 100 triệu đôla Mỹ – cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu đôla Mỹ.
Một điều đáng lưu ý nữa là nền kinh tế có thể hưởng lợi gấp 3 lần từ doanh thu trực tiếp từ du lịch vì thế nước ta sẽ có lợi nhiều hơn với chính sách miễn thị thực này.
– Theo infonet