Để xin học bổng du học, đương nhiên bạn phải chứng minh một bảng điểm học tập tốt và khả năng ngoại ngữ đủ sức theo học chương trình tiếng nước ngoài. Điều này, hầu hết trong các bộ hồ sơ xin học bổng đều có “thành tích” giống nhau. Vậy làm sao để hội đồng tuyển sinh các trường nhận ra điểm đặc biệt của bạn, để quyết định chọn bạn hay chọn người khác? Chính thư giới thiệu và bài luận sẽ bộc lộ tố chất thực sự của bạn có vượt trội hay không. Tuần này, tiếp tục giới thiệu tư vấn của British University Vietnam.
Thư giới thiệu
Một yếu tố mà các trường đại học quốc tế rất coi trọng khi xem xét hồ sơ của bạn là thư giới thiệu của thầy cô giáo hoặc người quen. Thông thường, các trường yêu cầu bạn phải có ít nhất hai bức thư giới thiệu từ giáo viên bộ môn trực tiếp giảng dạy (thậm chí có trường còn quy định rõ một giáo viên dạy các môn tự nhiên và một giáo viên dạy các môn xã hội) và thư giới thiệu của cố vấn học vụ hoặc hiệu trưởng (gửi cùng với bảng điểm). Ngoài ra, bạn có thể gửi thêm thư giới thiệu từ những người quen biết.
Thư giới thiệu từ giáo viên Việt Nam:
Các thầy cô giáo ở Việt Nam ít khi phải viết thư giới thiệu, nhất lại là thư giới thiệu bằng tiếng Anh, vậy nên bạn đừng quá ngạc nhiên nếu thầy/cô có nói bạn soạn sẵn thư để thầy cô ký. Nhưng tự viết thư giới thiệu cho bản thân không dễ một chút nào, để viết hay lại càng khó hơn. Để có được một bức thư khách quan và có sức thuyết phục, bạn nên dành thời gian trò chuyện với thầy cô về nội dung thư, hoặc tốt nhất là chuẩn bị sẵn những câu hỏi về bản thân, sau đó dựa vào trả lời của thầy cô để viết.
Bạn có thể tự gửi thư của các thầy cô ở Việt Nam cùng bộ hồ sơ của bạn (để tránh thất lạc giấy tờ). Tuy nhiên, thư phải để ở trong phong bì dán kín và được niêm phong bằng chữ ký của thầy cô.
Thư giới thiệu của giáo viên nước ngoài:
Nếu bạn có cơ hội học tập hoặc tiếp xúc với các giáo viên nước ngoài, và họ trực tiếp giảng dạy hoặc hiểu khá rõ về bạn, thì cũng nên nhờ họ viết thư giới thiệu giúp. Bạn nên chuẩn bị phong bì dán sẵn tem và có ghi địa chỉ của trường bạn sẽ nộp. Sau khi viết thư giới thiệu cho bạn, thầy cô sẽ chủ động gửi thư đi và không phải lúc nào bạn cũng có dịp được đọc nội dung thư. Bạn nên đưa mẫu thư giới thiệu cho thầy cô từ sớm để họ có thời gian quan sát và chuẩn bị, đồng thời cũng chú ý nhắc họ gửi thư trước khi hết hạn. Sau khi thầy cô đã giúp bạn gửi thư đi, bạn nên nhớ viết thư cảm ơn.
Thư giới thiệu từ người khác:
Một vài trường yêu cầu bạn phải có thư giới thiệu của bạn bè hoặc những người quen khác. Trong những trường hợp này, cách thức viết và gửi thư cũng không khác mấy so với cách chuẩn bị thư giới thiệu của thầy cô.
Bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định sẽ nhờ ai viết thư giới thiệu. Bạn cũng nên lưu ý rằng thư giới thiệu của các thầy cô giáo hoặc những người có tên tuổi hoặc có thâm niên thường được coi trọng hơn.
Bài luận
Đây là phần duy nhất trong hồ sơ mà bạn có toàn quyền định đoạt và cũng là phần để bạn bộc lộ tính cách, suy nghĩ của mình. Mức độ quan trọng của bài luận với mỗi trường một khác. Bài luận là cơ hội để chính con người trong bạn lên tiếng. Chính vì vậy, rất nhiều trường đại học quốc tế đánh giá cao bài luận, nhiều khi còn trên cả điểm số.
Cách viết bài luận hiệu quả
A. Yêu cầu của bài luận
Những đề bài thông thường cho viết luận bao gồm:
- – Đánh giá một kinh nghiệm, thành tựu, rủi ro hoặc lựa chọn quan trọng bạn đã gặp phải và ảnh hưởng của trải nghiệm đó với bạn.
- – Thảo luận về một vấn đề liên quan đến cá nhân, địa phương, quốc gia, hay thế giới và tầm quan trọng của vấn đề đó đối với bạn.
- – Cho biết một người đã có ảnh hưởng lớn đối với bạn và mô tả sự ảnh hưởng đó.
- – Mô tả một nhân vật trong viễn tưởng, một nhân vật lịch sử, hoặc một tác phẩm sáng tạo (như trong vẽ, âm nhạc, khoa học, v.v…) đã có ảnh hưởng đến bạn, và lý giải về sự ảnh hưởng đó.
- – Những đam mê học thuật, góc nhìn của bản thân và kinh nghiệm sống tạo phần quan trọng trong việc giáo dục. Với lý lịch bản thân của bạn, mô tả một trải nghiệm thể hiện bạn có thể làm đa dạng cộng đồng ở trường đại học, hoặc một câu chuyện chứng minh tầm quan trọng của sự đa dạng đối với bạn.
Một số trường đại học yêu cầu thêm essay phụ (supplemental essays) hoặc ra đề essay riêng. Một đề phụ rất phổ biến là dạng “Why X college?” để bạn trình bày tại sao bạn muốn vào trường đó.
B. Không nên viết gì trong bài luận?
1. Sự lặp lại nhàm chán
Nhiều bạn dễ mắc phải sai lầm này khi viết về những chuyến đi đến nhiều nước trên thế giới mà bạn đã trải qua. Công thức “Trong chuyến đi này, tôi đã trải nghiệm được những chuyện thú vị, những khó khăn. Nhưng sau đó tôi đã học được cách hợp tác với người khác và phát hiện ra khả năng thật sự của mình” đã trở nên nhàm chán, và rất nhiều người từng khai thác.
2. Nói viển vông
Đây là loại essay chỉ nói lan man đến các vấn đề vũ trụ như hòa bình thế giới, vũ khí hủy diệt, chiến tranh Iraq, môi trường… Do đó, trừ khi những chủ đề này có liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm của bạn, đừng bao giờ viết về những điều viển vông không gắn với bạn.
3. Thiếu chân thành
Đừng bao giờ chỉ cho người đọc thấy cách họ nên nghĩ về bạn, chẳng hạn: “Tôi thực sự tin chắc rằng tôi có đủ tính tự lập, tâm huyết và khả năng để thành công trong mọi công việc”. Cách suy nghĩ của họ về con người và cá tính của bạn cần được họ cảm nhận sau khi đọc bài viết của bạn, chứ không phải bạn nói cho họ.
4. Bài ca chiến thắng
Đây là một lối mòn buồn chán. Tại sao mọi câu chuyện đều phải kết thúc bằng một bài ca chiến thắng? Thất bại là mẹ thành công, nếu bạn tự nhận được điểm yếu và thất bại của mình, bạn càng “người lớn” hơn trong con mắt những người đang đánh giá bài luận của bạn.
5. Ôn nghèo kể khổ
Có lẽ đây là chủ đề thông dụng nhất, dễ dàng nhất, mà do đó cũng ướt át nhất của học sinh các nước đang phát triển. Hội đồng giám khảo thường tìm tòi trong thí sinh các đức tính tốt, vượt khó để khiến họ cảm phục. Họ muốn biết bức thông điệp lạc quan về quá trình bạn vật lộn và vượt qua những khó khăn đó ra sao.
6. Liệt kê sở thích
Loại essay này liệt kê những sở thích của bạn: chó Nhật, cầm kỳ thi họa, chè thập cẩm… và những thứ mà bạn ghét: vũ khí nguyên tử, phân biệt chủng tộc, màu đen. Loại văn chương này được gọi là fluffball, hay bông gòn. Lý do: nhẹ như bông gòn, không có chút trọng lượng nào, không có bản chất.
7. Cuộc đời tôi
Nhiều bạn nỗ lực tóm tắt cuộc đời 18 năm của mình trong vòng 500 chữ khiến bạn mắc nhiều lỗi bị coi là ngớ ngẩn. Cuộc đời của bạn không thể tóm tắt trong vòng 500 chữ, vì vậy đừng thử làm gì. Thay vào đó, hãy tập trung vào một ấn tượng hay một sự kiện thật đặc sắc và đào sâu vào đó.
C. Nên viết gì trong bài luận?
Bất cứ chủ đề gì bạn chọn đều phải cho thấy con người thực sự của bạn, bạn đã lớn lên, trưởng thành như thế nào qua những kinh nghiệm sống bạn có. Ai đó trong cuộc đời bạn đã ảnh hưởng tới bạn như thế nào để bạn trở thành con người ngày hôm nay? Những cuốn sách bạn đã đọc nói lên điều gì về trí tuệ và nhân cách của bạn, cách bạn sống và nhìn cuộc sống. Bạn cũng cần nhớ tránh liệt kê các giải thưởng bạn đã nhận được mà hãy nói về chính con người bạn.
D. Vậy bạn nên bắt đầu viết như thế nào?
Bạn có thể hỏi bạn bè và thầy cô đưa ra năm tính từ mà họ nghĩ ngay đến khi nghĩ về bạn.
Nên chú ý là bạn nên viết về con người hiện tại chứ không phải con người bạn trong quá khứ. Trả lời câu hỏi: quá khứ giúp gì trong việc định nghĩa con người bạn hôm nay?
Nghĩ về ước mơ của bạn. Những ai đã ảnh hưởng bạn trong việc mơ ước hay xác định những mục tiêu bạn đang có? Bạn đã làm gì để phát triển những ước mơ này? Những mục tiêu, ước mơ này có ảnh hưởng, liên kết gì tới cuộc sống của bạn?
Bên ngoài trường học, bạn tham gia những hoạt động gì? Vì sao bạn lại tham gia những hoạt động đó? Chúng giúp gì trong việc phát triển và định hình con người bạn? Bạn đã học được những gì về bản thân và những người tham gia hoạt động đó?
Bạn đã bao giờ gặp một khó khăn gì mà bạn cố gắng hết sức để vượt qua? Tại sao bạn cho rằng bạn đã vượt qua thử thách đó? Điều đó đã ảnh hưởng bạn như thế nào và thay đổi cái nhìn của bạn ra sao?
Chúc các bạn thành công.