Những năm trước, từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa thấp điểm của thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ), nhưng năm nay lại có chuyện khác thường. Chỉ tính những sản phẩm được các nhà sản xuất chính thức công bố, trong ba tháng qua, thị trường đã đón nhận khoảng 30 dòng mới, từ những tên tuổi quen đến những tên tuổi lạ (chủ yếu đến từ Trung Quốc).
Hàng ra như bão!
Đầu tháng 6, Wiko đưa ra thị trường bốn sản phẩm mới là Lenny 3, K-Kool, Robby và U-Feel. K-Kool là sản phẩm có giá thấp nhất, chỉ 1,69 triệu đồng. HTC có dòng One ME với giá 8,99 triệu đồng. Mobiistar tham gia thị trường với dòng Lai Yuna S với giá 2 triệu đồng.
Trong tháng 7, các nhà sản xuất ồạt tung ra hàng mới. Ngay từ đầu tháng, Mobiistar bán hai sản phẩm Lai Zumbo S (3,19 triệu đồng) và Lai Zumbo J (2,29 triệu đồng). Nhà phân phối PHTD (thành viên của Petrosetco) tham gia thị trường với hai sản phẩm mang thương hiệu Gionee là S6s (4,49 triệu đồng) và F103 Pro (3,19 triệu đồng). Huawei có buổi ra mắt đình đám cho dòng P9 với giá 10,99 triệu đồng. Oppo có dòng mới Neo 9 với giá 4,49 triệu đồng. Vivo – “anh em” với Oppo (đã có mặt tại thị trường Việt Nam khoảng một năm nay) cũng có hai dòng mới là V3 (5,49 triệu đồng) và V3max (7,49 triệu đồng).
Asus (Đài Loan) chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên của khu vực Đông Nam Á để giới thiệu thế hệ smartphone mới ZenFone 3 với các dòng Deluxe, Ultra, 3, Laser và Max, có mức giá dao động từ 4,49 triệu đến 18,49 triệu đồng.
Cũng trong tháng 7, ba sự kiện nối tiếp nhau chính thức trình làng ba gương mặt mới Oukitel, Elephone, Infinix và cả ba cùng chọn PHTD là nhà phân phối chính thức. Từ đầu năm nay, các hãng này đã thăm dò thị trường bằng cách bán hàng qua kênh bán lẻ trực tuyến Lazada và một số cửa hàng nhỏ. Ngay lần đầu tiên thâm nhập thị trường, Oukitel có chín dòng mới, gồm C2, C3, C4, U7 Pro, K4000/K4000 Pro, K6000/K6000 Pro và K10000 với mức giá dao động từ 1,39 triệu đến 5,99 triệu đồng. Infinix chỉ có dòng Hot 3 LTE với giá 2,69 triệu đồng. Elephone có hai dòng mới là S1 (1,83 triệu đồng) và P9000 (4,99 triệu đồng).
Tháng 8 được mở đầu bằng dòng sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường smartphone hiện nay là Samsung Galaxy Note 7 (ra mắt tối 2-8 tại New York, Hoa Kỳ). Sau đó một ngày, Oppo rình rang với dòng F1s với mức giá được dự đoán khoảng 6,5-7 triệu đồng.
Phần lớn sản phẩm mới xuất hiện trong dịp này, chủ yếu nằm ở mức giá dưới 4 triệu đồng, trong khi thị phần của phân khúc ĐTDĐ này đang giảm từ 64% (năm 2015) xuống còn 56% (tính đến hết tháng 5-2016).
Chưa từng xảy ra!
Nhiều nhà bán lẻ đều xác nhận rằng năm nay các hãng sản xuất tung nhiều hàng vào thời thấp điểm là việc “chưa từng có” tại thị trường ĐTDĐ Việt Nam. Ông Đoàn Văn Hiểu Em – Giám đốc kinh doanh Thegioididong.com cho biết: “Nhiều thương hiệu quen thuộc như Samsung, Oppo, HTC, Sony, Mobiistar… tung hàng trong dịp này là cơ hội bán hàng cho các nhà bán lẻ. Trong tháng 6, doanh thu của Thegioididong.com tăng 10% so với tháng 5, trong đó 5% là phần của các cửa hàng mới, 5% còn lại là sức mua tăng tại các cửa hàng từ 3 tháng tuổi trở lên”. Ông Lý Anh Chương – chủ nhân chuỗi cửa hàng Anh Chương chia sẻ: “Pleiku đang vào mùa mưa. Những năm trước, trong những tháng mưa, sức bán giảm 20 – 30%, nhưng năm nay sức mua vẫn giữ được phong độ như những tháng mùa khô. Điều đó nhờ vào hàng mới của các hãng”. Ông Lê Văn Như Hải – Phó tổng giám đốc Viễn Thông A cũng xác nhận: “Mức độ kinh doanh của Viễn Thông A vẫn giữ được nhịp tăng trưởng nhờ vào chính sách kinh doanh và có phần góp sức của nhiều sản phẩm mới. Khi có hàng mới, sức mua tăng thấy rõ”.
Như vậy, thị trường ĐTDĐ Việt Nam không còn khái niệm “thấp điểm” như những năm trước. Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thế giới di động đã khẳng định với đội ngũ kinh doanh của Thegioididong.com: “Hãy quên đi khái niệm thấp điểm! Tháng nào cũng là tháng kinh doanh cao điểm”.
Lắm kẻ “nhăn mặt nhíu mày”
Một chuyên gia phân tích thị trường ĐTDĐ Việt Nam cho rằng với mức độ ra hàng trong thời gian qua, nhà bán lẻ, nhất là các cửa hàng nhỏ, phải cân nhắc việc “chọn ai, bỏ ai” để quay vòng vốn được hiệu quả. “Không ít cửa hàng nhỏ đã vỡ nợ vì chọn sai nhãn hiệu cũng như quá tin vào những lời hứa từ các nhà sản xuất hay nhà phân phối. Những nhãn hiệu mới đang run rẩy tìm kiếm kênh phân phối. Trong khi đó, các kênh chuỗi chỉ bán những thương hiệu đã được cầu chứng trên thị trường” – chuyên gia trên nhận định. Cũng theo ông, bị “cấu xé” mạnh nhất chính là phân khúc giá thấp, từ 1 đến 4 triệu đồng.
Hoang mang nhất của thời “không còn thấp điểm” có lẽ chính là các thương hiệu Việt. Trước nhịp độ gia tăng sản phẩm của nhiều nhãn hiệu mới đến từ Trung Quốc, ông Ngô Nguyên Kha – Giám đốc điều hành Mobiistar nhìn nhận: “Trận đấu nào cũng là trận cuối cùng. Không thể chủ quan trước các thương hiệu mới khi họ chọn sân chơi phân khúc giá thấp. Họ chấp nhận lỗ, đạp giá thì các thương hiệu nhỏ vốn đã khó sẽ càng khó hơn”.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường ĐTDĐ của GfK Việt Nam, tính đến tháng 5, Mobiistar là thương hiệu Việt duy nhất nằm trong nhóm mười thương hiệu “có số để tính” khi thị phần đạt 5,8%, đứng thứ 3 sau Samsung (34,7%) và Oppo (21,8%). Dù có “số má” nhưng lợi nhuận của thương hiệu này rất thấp vì sân chơi chính của họ là phân khúc giá thấp.
Masscom, cũng một thương hiệu Việt, hiện đang là “vua” ở phân khúc điện thoại phổ thông. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Sĩ Pháp, mỗi tháng Masscom bán được 200.000 chiếc điện thoại phổ thông, nhưng ở nhóm smartphone thì tên tuổi này đang bị chìm nghỉm dù đã cố gắng tham gia sân chơi smartphone cao cấp. Ông Pháp tiết lộ rằng Masscom đang thở được nhờ lợi nhuận mà mỗi chiếc điện thoại phổ thông mang về khoảng 20.000 đồng. Vì thế, trước mắt Masscom sẽ tập trung vào hai mặt hàng điện thoại phổ thông và tablet giá thấp cho thị trường nông thôn, đến cuối năm mới tính chuyện đầu tư mạnh hơn vào smartphone. Xem ra, nếu các thương hiệu Việt e ngại “sân chơi chật hẹp” thì các thương hiệu mới muốn tồn tại không phải dễ. Nhận định này đã được ông Huỳnh Phước Cường – chuyên gia nghiên cứu thị trường của GfK Việt Nam đồng tình. Chỉ nhìn vào mức độ đổ tiền tiếp thị của Oppo vào thị trường Việt Nam (ước tính hàng chục triệu USD) là đủ hiểu rằng để tồn tại tại thị trường Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Chịu chi tiền một cách khôn ngoan, từ thị phần 7% trong năm 2014, Oppo tăng tốc lên 15,1% (năm 2015) và hiện nay là 21,8%!
Trong số các nhãn hiệu mới là Oukitel, Elephone và Infinix, hai nhãn đầu phó mặc thân phận cho nhà phân phối, chỉ có Infinix đang xúc tiến thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để hỗ trợ kinh doanh, tiếp thị và hỗ trợ cho nhà phân phối. Tại sự kiện ra mắt Oukitel, chủ một cửa hàng nói: “Đừng nghĩ cứ giá thấp là sẽ bán được hàng. Khách hàng bây giờ khôn ngoan lắm, họ không chỉ chú ý về giá, mà còn quan tâm đến khuyến mại, bảo hành. Muốn bán hàng được thì phải có đại diện của nhà sản xuất hỗ trợ”.
Điều đó đã được chứng minh trong thực tế. Ngay cả những thương hiệu toàn cầu nếu không chịu tiếp thị, khuyến mại và làm tốt dịch vụ hậu mãi thì thị phần cũng giảm sút mạnh, điển hình là Sony bị giảm 4,6%, Asus giảm 2,5% và HTC giảm 2%, thảm hại nhất là Microsoft chỉ còn 4,7% (theo số liệu của GfK Việt Nam, tháng 5-2016).
Hạ Minh (DNSGCT)