Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân, nhưng khi số tiền phải nộp nhiều quá, sẽ có người tìm cách để… né, như chuyển đến sinh sống hoặc mở công ty tại các “thiên đường thuế” – nơi không phải nộp thuế thu nhập hoặc mức thuế rất thấp. Né một cách hợp lệ thì không sao, nhưng nếu có hành vi giấu giếm, trốn thuế…, thì người ta phải trả giá đắt.
Các vận động viên thể thao, nhà quản lý hàng đầu với thu nhập hằng năm từ lương, thưởng, quảng cáo, tài trợ… lên tới hàng chục triệu euro, nên phải chịu mức thuế suất rất cao, 50 – 60%. Để giảm bớt tiền thuế phải nộp, nhiều vận động viên chuyển đến sinh sống hoặc thi đấu tại Monaco, nơi có mức sống rất cao nhưng lại không đánh thuế thu nhập cá nhân. Tay vợt số 2 thế giới người Serbia Novak Djokovic là một trong số đó. Victoria Azarenka cũng rời Mỹ, nơi nuôi dưỡng tài năng của cô, để tới sống tại Monaco. Caroline Wozniacki cũng không chọn Ba Lan (quê cha mẹ), hay Đan Mạch (nơi cô sinh ra) mà đến Monaco… Trong làng túc cầu, các cầu thủ như Falcao, Moutinho hay Rodriguez chọn Monaco để đầu quân thay vì các câu lạc bộ nổi tiếng hơn cũng vì lý do này.
Ông Uli Hoeness
Nhưng nếu không chọn cách “né thuế” mà lại trốn thuế, những người nổi tiếng này sẽ phải trả giá đắt một khi bị phát hiện. Thế giới bóng đá tuần qua đã rúng động khi tòa án thành phố Munich (Đức) tuyên phạt ông Uli Hoeness, Chủ tịch câu lạc bộ Bayern Munich, đương kim vô địch Champions League 3,5 năm tù giam vì tội trốn thuế với số tiền lên đến 27,2 triệu euro. Năm nay 62 tuổi, Uli Hoeness là một huyền thoại sống của Bayern Munich, khi còn thi đấu đã giúp câu lạc bộ này giành ba danh hiệu Bundesliga liên tiếp (1972, 1973, 1974) và trong màu áo tuyển Đức, ông cũng giành chức vô địch Euro 1972, World Cup 1974. Vậy nhưng, Uli Hoeness không được hưởng bất cứ sự nương nhẹ nào ở một đất nước mà ai trốn thuế quá 1 triệu euro sẽ phải đối mặt với tù tội. Có thể nói phán quyết dành cho ông Hoeness là khá nặng, một dạng “án điểm”, nhằm răn đe những người đã và đang có ý định trốn thuế. Sau khi ông Hoeness bị truy tố, đã có hàng ngàn người Đức tự nguyện khai nộp tiền thuế để không bị pháp luật sờ gáy.
Bóng đá Tây Ban Nha cũng vừa dậy sóng với những rắc rối về thuế liên quan đến câu lạc bộ Barcelona và cầu thủ Lionel Messi. Với Barcelona, đó là khoản tiền “chưa khai báo” trong vụ chuyển nhượng Neymar. Câu lạc bộ Barcelona sau đó phải nộp thêm 13,5 triệu euro tiền thuế và chủ tịch câu lạc bộ này là ông Sandro Rosell phải từ chức. Trước đó nữa, vào đầu mùa giải 2013-2014, Lionel Messi và cha của anh, ông Jorge Horacio Messi đã bị nghi ngờ gian lận 4 triệu euro tiền thuế, khi ông Jorge Horacio Messi và những người đại diện không thể xuất trình bản kê khai các khoản thuế mà họ đã nộp cho chính quyền trong khoảng thời gian 2007-2009. Ngày 27-9-2013, hai cha con Messi phải hầu tòa. Sau đó, các chuyên viên tài chính đã xác minh rằng Messi không tham gia vào việc quản lý tiền bản quyền hình ảnh của mình, nên anh không bị coi là gian lận thuế.
Có lẽ, sau những sự việc kể trên, đặc biệt là sau khi ông Uli Hoeness phải vào tù, giới thể thao phải rất cẩn trọng trong việc khai báo thuế, nếu không muốn phải đối đầu với các cơ quan pháp luật.
Địch Vân