Xứ sở đã có 5.000 năm lịch sử Lebanon vừa trải qua một biến cố chấn động. Vụ nổ ở cảng Beirut cướp đi sinh mạng 157 người ngày 4-8 như một thảm kịch thu nhỏ hình ảnh đất nước kỳ lạ của khu vực Trung Đông này.
Buổi chiều Địa Trung Hải thì rất đẹp. Chỉ tiếc là quang cảnh tuy nhìn ra biển nhưng bị các kho hàng của cảng Beirut che mất phần nào. Beirut là thành phố hai mặt biển, căn hộ của Lina và Imad đang ở 50 năm trước là thuộc khu bình dân và tạp nham ở phía đông thành phố, dân cư lúc đó chủ yếu là người lao động Kitô giáo. Bên phải là khu vực Karantina (Cách ly) cũ của cảng, khi Israel thành lập (1948) thì trở thành một trong các trại chứa nửa triệu người Palestine bồng con, cõng mẹ chạy sang tị nạn.
Nguồn cơn
Suốt thời nội chiến Lebanon (1975-1990), cảng Beirut do phe Kitô giáo kiểm soát và là nguồn thu nhập chính cho lực lượng vệ binh của họ. 30 năm qua, khu vực chung quanh cảng lên đời, Gemayzeh trở thành khu ăn chơi thanh lịch và căn hộ của hai bạn Lina và Imad không hề rẻ, có tầm nhìn ra biển, tuy hơi chán vì lem nhem tàu hàng với lại nhà kho.
Bên dưới là khu ăn uống, nhà hàng, trước mặt là đường cao tốc, đằng sau là khu mua sắm. Imad đương nhiên là hãnh diện, trong một clip giới thiệu tư gia, anh nói về phòng khách: “Đây là nơi tôi thích nhất. Xinh lắm!”.
Lúc 17h55 ngày 4-8-2020, tại cảng có một đám cháy. Khói đen bốc lên cạnh những cần cẩu dỡ hàng. Imad lấy di động ra ghi hình đám cháy và Lina đứng bên cạnh bình phẩm. Sao lính lửa không thấy đâu, lại có người đứng xem gần đám cháy thế, chẳng ai đảm bảo an toàn cả! Đang khi đấy thì nghe có tiếng nổ, bà Imad gọi anh: Vào nhà ngay, đừng đứng đó mà quay clip nữa!
Nhưng đang hấp dẫn, khói bốc lên cuồn cuộn, làm sao ngưng quay được. 33 giây sau tiếng nổ đầu, kho hàng phát nổ lớn, gây địa chấn cấp 3,3 trên thang Richter, ghi nhận được tại đảo Cyprus cách đó 150km.
Trên clip của Imad, vì anh ở rất gần, chỉ cách khoảng 600m, hình ảnh không ấn tượng mấy, chỉ thấy một chớp sáng. 157 người thiệt mạng, 5.000 người bị thương và 300.000 người mất nhà cửa. Imad và Lina hôn mê bất tỉnh, căn hộ “xinh lắm” của họ bị tàn phá mặt tiền, nhưng họ sống sót, dù phải nhập viện.
Năm 2013, tàu hàng Nga Rhosus chở 2.750 tấn amoni nitrat (AN), dùng làm thuốc nổ và do công ty Mozambique (Đông Nam Phi) Fábrica de Explosivos Moçambique (Hãng thuốc nổ Mozambique, FEM) đặt mua, cập cảng Beirut. Tàu Rhosus thuộc dạng gần như phế thải, hư hại và có khả năng bị chìm, vào cảng không có trên lịch trình để xin “lánh nạn”.
Chủ tàu không trả lương và tiếp tế cho thủy thủ đoàn người Nga và Ukraine đã mấy tháng qua. Vừa cập bến, thủy thủ đoàn bỏ tàu, bỏ hàng, và khó khăn lắm mới có phương tiện hồi hương. Đây là chuyện cũng thường thấy. Các công ty tàu biển dùng tàu cũ kỹ để vớt vát, chuyên chở những mặt hàng “thổ tả” ít tiền, nguy hiểm, khi gặp khó khăn thì bỏ tàu, bỏ hàng và bỏ cả thủy thủ đoàn.
Giá bán 1 tấn AN hiện khoảng 210-270 đôla, còn vào thời điểm đó chỉ là 130-150 đôla. Lô hàng ra đi từ Gruzia đó giá trị tổng cộng chỉ 400.000 đôla. Công ty FEM cho hay đây là số lượng họ cần dùng trong không tới một tháng. Khi không thấy hàng đến, họ đặt mua nơi khác, chẳng đáng là bao.
Vậy là 2.750 tấn thuốc nổ vô thừa nhận ở lại cảng Beirut tới giờ, tuy nhà chức trách có biết và đã được nhiều lần nhắc nhở. Hải quan, tòa án và cơ quan quản lý cảng còn nhiều chuyện khác béo bở hay sướng khoái hơn phải làm so với đi xử lý cả nghìn tấn AN. Tại sao nó phát nổ thì ta chưa biết chính xác, nhưng nếu điểm lại tình tiết sẽ không ai lấy làm ngạc nhiên!
Một đất nước kỳ lạ
Lebanon có lúc có đến 69 phe vệ binh võ trang khác nhau thuộc đủ phái liên minh và tranh đấu không ngừng. Nhưng con số này so với số thuyết âm mưu ở đây vẫn chẳng thấm vào đâu. Vì cảng và vụ nổ xảy ra ở khu vực đông người Kitô giáo, lập tức có thuyết quy kết cho phong trào Hezbollah (Hồi giáo Shia thân Iran).
Vì là Beirut và thành phố do Hezbollah ít nhiều kiểm soát, lại lập tức có thuyết là do Israel, cố tình hay lỡ tay, rồi lập tức các video tin giả tràn ngập, nào là vật lạ như drone bay qua hay tên lửa bay đến.
Phải nói thêm, tai nạn xảy ra trong lúc quốc gia Lebanon đang trải qua giai đoạn tài chính cực kỳ khó khăn. Nước từng được gọi là “Thụy Sĩ của Trung Đông” này, với chi nhánh ngân hàng nhiều hơn vũ công múa bụng với đèn thần, từ đầu năm 2020 lâm vào hoàn cảnh không còn tiền, tức là không còn ngoại tệ.
Sau Thế chiến I, Anh và Pháp chia chác khu vực Trung Đông với hiệp ước khét tiếng Sykes-Picot. Lebanon, rộng khoảng 10.000km2 và dân số lúc đó đa phần Kitô giáo, được Pháp tách ra khỏi Đế chế Ottoman thành một nước riêng.
Từ khi độc lập (1943) cho đến thời nội chiến, Lebanon là hải đăng của khu vực về mặt văn hóa và tài chính. Đây là nơi dân chủ nhất vùng theo kiểu Tây phương, có bầu cử chính trị, tự do ngôn luận và báo chí, giáo dục cao cấp và độc lập. Lebanon có cảnh đẹp và khí hậu tốt, có biển, núi, và các đại học hàng đầu khu vực.
Giới cai trị các nước Ả Rập gửi tiền vào ngân hàng ở đó, gửi con họ sang học, gửi vợ sang mua sắm, lướt ván và trượt tuyết. Giới chống đối ở các nước Ả Rập thì sang đó tị nạn, lập thuyết, lập đảng, âm mưu đảo chánh quê nhà. Khối Xô Viết và Tây phương thì gửi gián điệp, ngồi cạnh bàn nhau trong cùng quán rượu. Lebanon cái gì cũng có, chỉ không có sản xuất, và thứ gì cũng nhập khẩu: 20% GDP là du lịch, 70% là dịch vụ.
Trong các thập niên trước, nước này xuất khẩu lao động ra khắp vùng, ở cấp chuyên gia, quản trị, kỹ thuật và kinh doanh. Lebanon là một nước phát triển, tiêu xài và sinh hoạt như một nước châu Âu, nhưng thu nhập chính thức lại ở hàng tầm tầm (GDP bình quân đầu người gần 10.000 đôla).
Nghịch lý Lebanon là tiêu thì lắm mà không hiểu tiền từ đâu ra, một phần được giải thích là kiều hối, chính thức là 15% GDP, nhưng sự thực chẳng ai biết được. Đây là quốc gia vào loại tự do nhất về ngân hàng và hối đoái, nên rất khó có thống kê chính xác.
Dân số bản địa gần 5 triệu, nhưng còn có 15 triệu người gốc Lebanon hiện sống ở nước ngoài, có khi di dân đã cả trăm năm, số lớn là ở châu Mỹ. Ở Phi châu, họ hầu như nắm hết phân phối và tiêu dùng. Thành phần kiều bào vẫn tiếp tục đi lại và đầu tư cố quốc, mua nhà mua đất. Nội chiến tuy kinh hoàng (số người chết theo tỉ lệ cao hơn chiến tranh Việt Nam) nhưng được coi là dấu ngoặc thôi.
Sau năm 1990, cả nước ăn xài trở lại vui vẻ. Bằng tiền nào? Tiền nợ, chiếm tới 150% GDP, đại khái như Hi Lạp thôi và nợ cũng chẳng phải xấu, đâu phải ai cũng mượn tiền được, người ta nhìn mặt mới cho mượn chứ, mượn được là sang. Cho đến khi người ta không cho mượn nữa thì gọi là khủng hoảng.
Nội chiến Lebanon không giải quyết được gì cả. Mọi người chỉ đồng ý là không nên có nội chiến nữa thôi. Các phe phái giờ phải nhường nhịn nhau trong nội các. Anh nội vụ thì tôi tư pháp, anh thâu tiền điện nước thì tôi thâu tiền đổ rác.
Năm 2016, Beirut gặp nạn rác vì tranh chấp quyền lợi và không ai buồn nhặt. Điện thì mất thường xuyên và người giàu không khóc, họ gạt nước mắt đi mua máy phát thôi. Mạng và di động rất chậm vì phe nắm đặc quyền phân phối ngáng đường mà rằng ôi dào 3G cũng tốt chán rồi, đổi máy đầu tư 4G làm gì, tốn kém cho… tôi.
Năm bè bảy mối
Cách đây vài năm, tại một cửa hàng di động, một nhân viên nhận xét với người viết: “Đất nước này rất tốt đẹp, chỉ có ba vấn đề. Thứ nhất là giao thông, thứ nhì là tốc độ mạng và thứ ba là người Syria”. Lúc đó, người tị nạn Syria tại quốc gia 5 triệu dân này là 1,2 triệu, tức là 1/4! Ngoài ra còn có nửa triệu người tị nạn Palestine chưa hồi hương.
Nói thêm: 1/3 lực lượng lao động thất nghiệp và 1/10 phụ nữ Lebanon là người nước ngoài giúp việc nhà! Tại các nước láng giềng, quần chúng bất mãn dưới ách độc tài hay quân phiệt xuống đường biểu tình lật đổ, đòi tự do bầu cử và tự do ngôn luận, sau đó xách súng bắn nhau thành nội chiến.
Tại Lebanon, nội chiến có rồi, tự do bầu cử, tự do ngôn luận cũng có từ khi độc lập và giờ vẫn vậy. Tự do đến nỗi giai đoạn 2014-2016, Quốc hội không tìm ra được một ai làm tổng thống để vui lòng tất cả phe phái. Chuyện đùa lúc đó trong nước là sao không sang Ecuador mà tìm, vì Ecuador từng có ba tổng thống gốc Lebanon, trong khi Lebanon tìm mãi không ra!
Ngồi không mà tiêu tiền mãi thì cũng đến lúc giờ định mệnh điểm. Cuối năm 2019, tất cả các tài khoản ngoại tệ bị khóa, mỗi tài khoản mỗi tuần chỉ được rút 300 đôla. Sau đó, không được rút ngoại tệ nữa, mà chỉ được rút tiền địa phương. Giả sử bạn có 1 triệu đôla trong tài khoản, mỗi tuần bạn chỉ được rút số tiền tương đương 300 đôla theo tỉ giá chính thức, là 450.000 lira.
Do tiền mất giá liên tục bảy tháng qua, 450.000 lira đó giờ ngoài chợ đen mua được 45 đôla! Kiều hối gửi về cũng không được nhận bằng ngoại tệ, mà phải quy ngay ra lira. Cái gì cũng phải nhập khẩu, giá cả mọi thứ đều tăng vọt. Ngành du lịch thì chết đứng vì dịch COVID-19. Trong khi đó chẳng hiểu bằng cách nào, 15 tỉ đôla vẫn từ Lebanon bay ra nước ngoài để “tị nạn hối đoái”.
Chính quyền dân cử Lebanon về mặt tôn giáo đại diện đủ ba thành phần, đại khái 1/3 Kitô, 1/3 Hồi giáo Sunni và 1/3 Hồi giáo Shia. Nó cũng đại diện đầy đủ các thành phần chính trị là thân Mỹ – Saudi Arabia, quốc gia chủ nghĩa – Hồi giáo Sunni kiểu Erdogan, và Hồi giáo Shia kiểu Iran.
Từ sau nội chiến, các phe phái (buộc phải) chung sống, chia nhau các khu vực địa lý và lãnh vực làm ăn. Hải cảng Beirut là của phe thân Mỹ, phi cảng là của phe Hezbollah thân Iran. Kiểu chia chác này đang gặp vấn đề từ khi Syria loạn và trở thành gánh nặng quân sự lẫn kinh tế cho Hezbollah. Iran mất cơ hội mở cửa với thế giới sau hiệp ước bất thành 2015 và bị Mỹ cô lập gắt gao, đang thiếu thốn và không còn hào sảng tại Lebanon như trước được.
Thực tế là ảnh hưởng của Iran đang lớn ra trong khu vực thì phải loãng đi ở Lebanon. 10 năm trở lại đây, Iran thành chủ chốt ở Iraq, Syria và Somalia, rất tốn kém, không thể chăm bẵm Hezbollah như trước nữa.
Beirut quả là đang gặp khó, nhưng cần biết thành phố này lần đầu tiên có tên trong sử sách là từ lá thư của vua Beirut Ammuniro gửi hoàng đế Ai Cập Amenhotep vào thế kỷ 15 trước Công nguyên. Nó đã trải qua các đế triều Phoenicia, La Mã, Hồi giáo, thời Thập tự chinh có lúc thuộc về vương quốc Jerusalem, Ottoman, rồi Pháp.
Tháng 7-2020, gay go là vấn đề không có ngoại tệ trả lương cho 300.000 phụ nữ người nước ngoài giúp việc nhà. Giờ lúa gạo dự trữ chỉ còn đủ một tháng và không biết lấy đâu ra kính để thay cửa nhà, nhưng xét cái bề dày lịch sử kia thì tất cả cũng chỉ là chuyện… nước chảy chân cầu mà thôi (?!).
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra thì chạy sang an ủi và vỗ về đầu tiên là tổng thống Pháp. Đây là dịp tang gia bối rối, thì người xưa xuất hiện mặt mày rầu rĩ, tay nắm, mắt nhìn, lệ nhỏ, khiến dư luận có ngay 61.000 chữ ký đòi nhận Pháp làm mẫu quốc trở lại! 100 năm (1-9-1920) sau khi tướng Pháp Henri Gouraud tuyên bố thành lập Lebanon theo ủy trị của Hội Quốc Liên, mà thực chất cũng chỉ là thuộc địa, thì hậu nhân Emmanuel Macron có mặt ở nơi giờ là sứ quán Pháp, lên lớp tám lãnh tụ Lebanon đủ thành phần và nói trước là đúng 1-9-2020, ông sẽ trở lại xét bài xem các vị làm ăn ra sao. Quần chúng thì manh động hơn, lập pháp trường giả đòi treo cổ ngay tất cả lãnh đạo trong nước, không có thời hạn một tháng chi cả!