Tăng trưởng bền vững chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng nhưng là yếu tố tất yếu, và hậu Covid-19 là thời điểm mà các doanh nghiệp cần đi theo con đường này. Trên chặng đường đó, doanh nghiệp buộc phải hiểu được những vấn đề nội tại và nắm bắt được các công thức tăng trưởng để đi nhanh và bền vững.
Mobile App càng phát triển – yêu cầu của người dùng càng cao
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt của thị trường Mobile App Marketing trong nước lẫn toàn cầu. Lượt tải ứng dụng trên toàn cầu (tính cả App Store và Google Play) đạt đến con số 144,2 tỷ năm 2021, tăng trưởng gần 12,5% so với năm 2019 (Theo Sensor Tower Store Intelligence). Các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng đầu tư vào ứng dụng di động hơn là website. Theo một báo cáo từ Statista, tính đến năm 2021, quảng cáo trên ứng dụng vượt mặt website và chiếm tới 61% trong tổng ngân sách tiếp thị.
Thị trường Mobile App Việt Nam vẫn là “miền đất hứa” cho các nhà tiếp thị khi vào quý 4/2021, Việt Nam góp mặt trong top 10 quốc gia có lượt tải app cao nhất, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái (Theo Sensor Tower Store Intelligence). Trong đó các app thuộc các lĩnh vực y tế, du lịch, mua sắm… đều tăng trưởng bứt phá.
Thị trường Mobile App vẫn là miền đất hứa cho các nhà tiếp thị
Mặc dù ứng dụng di động Việt Nam đang bước vào thời kỳ đỉnh cao khi có đầy đủ những yếu tố như con người (68 triệu người dùng internet và 149 triệu kết nối di động), cơ sở hạ tầng… tuy nhiên tiếp thị di động chưa bao giờ là con đường trải hoa hồng cho các marketer. Trên thực tế khi mobile app càng phát triển thì bài toán giữ chân người dùng càng trở nên nan giải.
“Tốn rất nhiều chi phí marketing để thu hút một lượng lớn người dùng nhưng lại không có giải pháp để giữ chân họ ở lại, kết quả là độ trung thành của người dùng thấp, tỷ lệ gỡ bỏ cao, đây là tình trạng không hiếm gặp ở các doanh nghiệp đang phát triển app ở Việt Nam.” – Anh Dũng Bùi – Giám đốc Kinh doanh và Chiến lược (ACCESSTRADE) chia sẻ tại hội thảo. Cũng theo anh Dũng, hành trình của khách hàng ngày càng dài hơn, đa dạng, phức tạp hơn và trên nhiều điểm chạm hơn.
Cùng quan điểm về sự thay đổi của hành vi người dùng, chị Hoa Trần – Senior Sales Manager (Adjust) cho biết thêm: “Người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính hơn, yêu cầu cao hơn. Đối với riêng trong lĩnh vực tài chính, cứ 2 người thì có 1 người trung thành với ứng dụng dựa trên những trải nghiệm của họ trên digital; ⅓ người sẽ sử dụng ứng dụng di động thường xuyên hơn nếu ngân hàng tăng cường bảo mật dữ liệu; ¼ người dùng mong muốn ngân hàng nâng cao các tính năng trên mobile app. Còn đối với trong các app mua sắm, 2 người mua sắm online sẽ từ bỏ trang mua sắm nếu có trải nghiệm không tốt về giao diện người dùng; ¼ người dùng sẽ không trả lại các mặt hàng của họ nếu có bản dùng thử ảo; và ⅗ người mong đợi ví di động là một phần trong trải nghiệm mua sắm của họ”
“Người dùng ngày càng khó tính hơn, yêu cầu cao hơn”, chị Hoa Trần chia sẻ
Nói thêm về kinh nghiệm để nắm bắt chân dung người dùng, anh Minh Hoàng – Head of Donation (Momo) cho biết: “Tất cả những người trong công ty đều có thể tự xây dựng persona của riêng họ, và chia sẻ kết quả với các bộ phận khác. Phòng nghiên cứu dữ liệu cũng phân tích người dùng, phòng nghiên cứu thị trường cũng đưa ra chân dùng người dùng của riêng họ, các phòng ban khác như marketing, phát triển sản phẩm cũng như vậy. Chân dung người dùng luôn được phát triển thêm, mỗi lần thiết kế một chiến dịch mới lại là một lần nhìn lại chân dung cũ và đưa ra các giả thiết về chân dung mới, từ đó có cái nhìn sâu và chuẩn nhất về đối tượng hướng đến.”
Chọn hợp tác với một bên thứ 3 để bắt kịp đà tăng trưởng
Theo chị Hoa Trần, khi tất cả mọi thứ đều “go online” thì data trở nên dễ tiếp cận hơn nhưng khó phân tích hơn “Đơn giản là vì nó quá nhiều: nhiều nền tảng, data bị phân mảnh giữa các nơi: website, app, store… việc đưa ra quyết định trở nên khó khăn hơn.”, chị Hoa Trần chia sẻ.
Cũng vì lý do trên, doanh nghiệp nên chọn một đơn vị đo lường với nguồn lực, sự đầu tư, sự thấu hiểu về thị trường… để đo lường, phân tích và hiểu đúng dữ liệu, từ đó hiểu sâu về người dùng của mình, ra quyết định sáng suốt hơn và nâng cao được lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình của việc hợp tác với một đơn vị đo lường để phân bổ ngân sách hiệu quả là ứng dụng HOCMAI. Ban đầu, HOCMAI chuyển đổi hình thức kinh doanh từ môi trường web sang app và gặp khó khăn về việc xác định được nguồn cài đặt của người dùng. Công cụ hiện hữu của HOCMAI bị chậm và thiếu chính xác, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động Marketing của công ty. Sau khi triển khai Adjust Measure, HOCMAI có thể có cái nhìn toàn diện về dữ liệu và theo dõi từng nguồn đem đến người dùng. Dữ liệu phân bổ của từng chiến dịch giờ đây được phân tách và hiển thị rõ ràng – nhờ đó các trưởng bộ phận có thể đưa ra quyết định một cách hiệu quả và đúng đắn, đồng thời cũng không phải tốn quá nhiều thời gian như trước. Báo cáo tổng quan phân bổ nguồn lực UA còn giúp cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp HOCMAI cải thiện chỉ số ROI và cắt giảm CPA (chi phí để có được một người dùng) đến 20%. Bên cạnh báo cáo dữ liệu rõ ràng và chi tiết, HOCMAI còn sử dụng thêm các tính năng khác như deep link dành cho chiến dịch remarketing, qua đó tăng số lượt cài đặt lên gấp đôi.
Đồng tình với quan điểm hợp tác với một đơn vị thứ 3 để bắt kịp đà tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, anh Dũng Bùi cho biết đối với các doanh nghiệp đang phát triển mobile app, để bắt kịp với những thay đổi của thị trường, đồng thời có một cộng đồng người dùng chất lượng, việc chọn lựa hợp tác với các công ty sở hữu hệ sinh thái sẵn có là chọn lựa khôn ngoan. “ACCESS MOBILE là điển hình về một nền tảng mà doanh nghiệp có thể “đứng lên vai” để phát triển ứng dụng di động nhanh nhất, khi nền tảng này sở hữu sẵn một hệ sinh thái gồm 74 triệu loại sản phẩm, 1.000 đối tác, đa dạng mã giảm giá, các chương trình hoàn tiền hấp dẫn… Tài nguyên dồi dào này khi tích hợp vào các ứng dụng sẽ tạo nên một “super app” sống động, tăng trải nghiệm người dùng.” – anh Dũng gợi ý.
“Việc chọn lựa hợp tác với các công ty sở hữu hệ sinh thái sẵn có là chọn lựa khôn ngoan” – Anh Dũng Bùi chia sẻ
Phát triển bền vững – Con đường tất yếu
Để duy trì lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp phải đạt được kết quả phát triển bền vững. Theo một cuộc khảo sát của Insider với 3.000 giám đốc điều hành, khoảng 60% các công ty đã đưa nội dung phát triển bền vững vào kế hoạch chiến lược. Có nghĩa là các CEO đang áp dụng phương thức tiếp cận dài hạn đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, để giảm thiểu rủi ro mà còn tận dụng tiềm năng nhằm gia tăng giá trị công ty, và mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.
Đối với tăng trưởng bền vững, việc ứng dụng Automation Marketing là vô cùng quan trọng và tất yếu. “Automation Marketing đạt đến mức độ trưởng thành phải là quy trình vận hành dựa trên việc tối ưu về mặt dữ liệu, thực hiện mọi hoạt động hoàn toàn tự động bằng máy móc thay vì bằng sức người như trước. Nhiệm vụ của marketer lúc này sẽ là kiểm tra hành vi khách hàng, đưa vào một kịch bản và thiết lập lên. Công việc của 364 ngày còn lại sẽ là theo dõi, đo lường kết quả, tối ưu và phát triển kịch bản mới, không thiết lập theo kỳ vọng tại từng thời điểm nữa. Điều này giúp giải phóng khối lượng công việc cho marketer và tối ưu hiệu quả marketing.” – Anh Tường Nguyễn (Head of Digital Marketing Retail Banking VP Bank) chia sẻ.
Còn theo anh Jack Nguyễn – Regional Managing Director of Sea (Insider), tăng trưởng bền vững có 2 lớp: Ngoài kiểm soát: Chi phí Marketing và Sales để có một khách hàng mới. Phần chi phí này nằm trong quyền kiểm soát của bên tối ưu là của các hệ sinh thái, Google, Tiktok, Facebook….; Lớp trong tầm kiểm soát chính là số lượng người dùng trong vòng 1 tháng, 1 quý đang sử dụng dịch vụ của công ty. “Để đạt được tăng trưởng bền vững cần có 3 yếu tố: Nền tảng phân tích; Xây dựng hệ thống và hệ thống Backend System; Onsite: Những chỗ để người dùng vào giao dịch.”– Anh Jack Nguyễn – chia sẻ.
“DN tập trung quá nhiều vào công cụ và kỹ thuật. Chúng ta nên bắt đầu với cách tiếp cận và tư duy đúng đắn.” – Anh Jack Nguyễn khẳng định
Cũng theo anh Jack Nguyễn, trong quá trình hướng tới tăng trưởng bền vững, đa phần các doanh nghiệp đang vận hàng theo loại Product Focus – nghĩa là chỉ đang tập trung bán hàng cho một người dùng chứ không phải là nhiều người dùng khác nhau. Bên cạnh đó, tất cả các quá trình chăm sóc giới thiệu sản phẩm chỉ là một điểm chạm nhỏ của một người dùng để họ tìm hiểu về sản phẩm đó. “Nên nhìn về cuộc đời của một con người tương tác với doanh nghiệp đó, từ thời điểm này đến về sau, từ đó xây dựng hệ sinh thái bán nhiều đồ dùng cho vòng đời người dùng. Như vậy chi phí marketing lúc đầu chỉ là một lần, khi đó các ngành hàng khác sẽ được bán cho nhiều người dùng trên cả vòng đời của họ. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đang tập trung quá nhiều vào công cụ và kỹ thuật. Chúng ta nên bắt đầu với cách tiếp cận và tư duy đúng đắn.” – anh Jack Nguyễn khẳng định.
Để giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn hiện hữu nêu trên, phía Insider mang đến giải pháp Playbook gồm 4 bước: Xây dựng chiến lược và thu thập dữ liệu; Xây dựng Persona; Xác định các bước quan trọng trong vòng đời người dùng; Xây các hành trình với mục tiêu cụ thể để chuyển trạng thái. Với Playbook này, Insider cũng đã đồng hành và hỗ trợ cho nhiều đối tác là các tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam và thế giới như VPBank, Techcombank, ACB; Vietinbank, Homecredit…