Dấu hiệu ấy hẳn có liên quan đến việc các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động trước khi Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng và giảm các mức lãi suất điều hành chủ chốt khác vào ngày 18-3 vừa qua.
Việc hạ lãi suất kỳ hạn ngắn, dù vậy, lại gián tiếp tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại tăng được nguồn vốn trung và dài hạn. Đó là vì khi lãi suất của các kỳ hạn ngắn không còn hấp dẫn, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, nhiều người gửi tiết kiệm đã quyết định chuyển các khoản tiền gửi từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Thực tế những ngày qua tại nhiều ngân hàng lớn cho thấy rõ sự dịch chuyển này. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động lần này đã giúp các ngân hàng ổn định nguồn vốn trung và dài hạn, qua đó tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay. Một mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp hơn được xác lập, tạo điều kiện các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng.
Các ngân hàng vẫn đang xoay xở mọi cách để đưa dòng vốn vào nền kinh tế. Thậm chí, đã có những khoản cho vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp với lãi suất cực kỳ hấp dẫn, thấp hơn cả mức trần lãi suất huy động. Đó là do lãi suất cho vay của một ngân hàng cụ thể không chỉ căn cứ vào lãi suất đầu vào, chẳng hạn trần lãi suất kỳ hạn ngắn hiện là 6%/năm thì lãi suất cho vay không nhất thiết phải xoay quanh 8 – 9%/năm. Trong rổ lãi suất bình quân của một ngân hàng, sẽ có khoản cho vay với lãi suất thấp, khoản khác có lãi suất cao. Nhìn chung, trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng sẽ quyết định cho vay dựa vào khả năng tài chính của doanh nghiệp, tính khả thi của dự án vay, khả năng sinh lời có đảm bảo giúp doanh nghiệp trả lãi vay và nợ gốc đúng hạn hay không… Nhiều ngân hàng cho biết họ không đặt nặng vấn đề lãi suất cho vay cao hay thấp, mà chỉ cần doanh nghiệp có thanh khoản, dự án có dòng tiền tốt là có thể quyết định.
Thông thường, lãi suất cho vay giảm sẽ kích cầu tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất – kinh doanh, kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Điều này đúng khi nền kinh tế trong giai đoạn phát triển ổn định, còn khi đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu như hiện nay, thì dù các ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng khó. Nhiều doanh nghiệp cho biết giờ đây lãi suất có giảm nữa thì họ cũng không vay vì không có nhu cầu. Số khác thì cho rằng việc ngân hàng đẩy nhanh thời gian, thủ tục cho vay để doanh nghiệp nhận được vốn giải ngân sớm còn quan trọng hơn là được giảm một vài phần trăm lãi suất.
Nếu điều này kéo dài, sẽ không có nhiều doanh nghiệp hấp thụ được vốn rẻ. Khi mà sức mua của nền kinh tế và lực cầu đồng vốn không tăng thì sẽ còn nhiều ngân hàng phải thừa vốn. Việc lãi suất huy động liên tục giảm trong hơn một năm qua, từ 14%/năm còn 6%/năm như hiện nay cho thấy lãi suất không còn là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được đồng vốn. Lãi suất đã giảm mạnh, xấp xỉ với mức lạm phát kỳ vọng, nếu giảm nữa thì mục tiêu lãi suất thực dương cho người gửi tiết kiệm mà Ngân hàng Nhà nước đề ra không đạt được. Dư địa dành cho chính sách tiền tệ không còn, bây giờ là lúc chính sách tài khóa cần phải phát huy sự hiệu quả. Để giải quyết một vấn đề mấu chốt hiện nay, đó là làm sao để tăng sức cầu đồng vốn.
Minh Hằng