Vào ngày 20/7 vừa qua, nhà phân phối chính thức của Audemars Piguet tại Việt Nam – S&S Group đã tổ chức sự kiện kỷ niệm 30 năm của biểu tượng Royal Oak Offshore.
Một chặng đường vinh quang nhưng không kém phần chông gai và thử thách
Khác với người tiền nhiệm Royal Oak, phiên bản Royal Oak Offshore được hình thành dựa trên một ý tưởng bất chợt và tình cờ của ngài Dierk Wettengel – giám đốc công ty phân phối thương hiệu Audemars Piguet tại thị trường Đức lúc bấy giờ, khi ông muốn sử dụng cụm từ “cigarette /offshore” cho những thiết kế của thương hiệu.
Ý tưởng này cũng đã nhận được sự đồng tình của ông Steve Urquhart, giám đốc điều hành Audemars Piguet, với mong muốn tạo nên một chiếc đồng hồ thật nam tính, trẻ trung và mạnh mẽ. Trọng trách đặc biệt này đã được ông Urquhart giao cho Emmanuel Gueit, nhà thiết kế trẻ tuổi tại Geneva và có niềm đam mê với cỗ máy thời gian từ thuở nhỏ.
Ông Emmanuel Gueit đã chọn dựa vào biểu tượng Royal Oak năm 1972 để làm nền tảng cho thiết kế của mình. Suy nghĩ của ông lúc bấy giờ là một chiếc đồng hồ thật to và dày, vì tại thời điểm đó, những chiếc đồng hồ mỏng dành cho nam giới cũng đang được phái nữ rất ưa chuộng, và tính độc quyền của phái mạnh đang dần biến mất.
Tuy nhiên, quá trình lên ý tưởng và phát triển của Royal Offshore đã gặp rất nhiều trở ngại, khi thị hiếu của phần lớn nhà sưu tầm lúc bấy giờ là những chiếc đồng hồ mỏng và nhỏ. Cứ sau 6 tháng, ông Emmanuel Gueit đều bị yêu cầu phải dừng dự án của mình lại. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết và tinh thần tiên phong của mình, ông đã tiếp tục bí mật nghiên cứu và cho ra những bản phác thảo đầu tiên của chiếc Royal Oak Offshore.
Mãi cho đến năm 1993, chiếc Royal Oak Offshore đầu tiên mới được trình làng giới mộ điệu tại hội chợ Basel với ngoại diện hoàn toàn khác biệt. Sở hữu độ dày (14,05mm) và giá (16.600 CHF) gần gấp đôi so với một chiếc Royal Oak vốn đã là biểu tượng của thương hiệu, Royal Oak Offshore đã phải đón nhận vô số những hoài nghi và tranh cãi đến từ giới chuyên môn. Doanh số cũng không mấy khả quan khi chỉ có 61 chiếc Royal Oak Offshore được bán vào năm 1993, và chỉ vài trăm chiếc được bán những năm sau đó; thấp hơn đáng kể so với người anh Royal Oak.
Chi khi đến những năm cuối của thế kỷ XX, khi lối suy nghĩ và thị hiếu của xã hội bắt đầu thay đổi theo hướng cá nhân hóa hơn, thì Royal Oak Offshore mới chính thức quay trở lại “cuộc đua” của mình. Vào năm 1997, lần đầu tiên doanh số bán hàng vượt mốc 1.000 chiếc, đánh dấu cột mốc cho ra đời của các phiên bản Offshore với chất liệu và màu sắc mới.
Cột mốc tiếp theo diễn ra vào năm 1999 kỷ niệm lần đầu tiên thương hiệu Audemars Piguet kết hợp với một lĩnh vực nghệ thuật – phim ảnh khi cùng diễn viên người Mỹ Arnold Schwarzenegger cho ra mắt phiên bản kết hợp Royal Oak Offshore End of Days.
Ảnh hưởng của Royal Oak Offshore mạnh đến mức kích thước trung bình của đồng hồ nói chung trong ngành tăng lên đáng kể trên thị trường. Ngay cả trong chính Audemars Piguet, bộ sưu tập Royal Oak cốt lõi cũng bắt đầu phát triển về kích thước. Năm 2003, Model 14790 (36mm) lần lượt nhường chỗ cho Model 15300 (39mm) và Model 15400 (41mm) vào năm 2012.
Một cái tên, hai âm tiết, ba thập kỷ rực rỡ những thành tựu
Vào sáng ngày 20/7 đã diễn ra buổi họp báo kỷ niệm 30 năm thành lập của Royal Oak Offshore với sự tham gia của giới truyền thông Việt Nam và các đại diện đến từ thương hiệu Audemars Piguet. Trong dịp đặc biệt như vậy, thương hiệu đã mang đến cho giới mộ điệu những tạo tác mới nhất trong năm 2023, với sự đồng hành và hỗ trợ của nhà phân phối S&S Group.
Buổi họp báo cũng là dịp để các khách mời hiểu hơn về lịch sử và triết lý hoạt động của Audemars Piguet thông qua chính lời kể của các đại diện đến từ thương hiệu, với hy vọng gầy dựng một mối liên kết vững chắc để làm bệ phóng cho sự phát triển của thị trường đồng hồ trong nước.
Sự kiện kỷ niệm 30 năm của Royal Oak Offshore khép lại nhưng một cánh cửa mới đã mở ra hướng tới tương lai đầy hứa hẹn tại thị trường Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.