Buổi trưa chúng tôi nghỉ chân tại một nhà hàng có phong cách Đức, được sự giới thiệu của anh phục vụ vui tính, mọi người ăn thử món schnitzel (thịt heo cán mỏng, tẩm bột chiên bơ) rất phổ biến ở đây và raclette (một loại “lẩu” nấu với ba loại phô mai và rượu, thực khách tha hồ nhúng bánh mì, rau tươi, khoai tây… vào nồi phô mai nóng chảy tan trong rượu). Trong không khí lạnh thở ra khói, cắn miếng thịt heo giòn thơm, nhấm nháp thêm chút phô mai nóng béo ngậy rồi hớp một chút rượu vang, cả nhóm ai nấy không khỏi xuýt xoa trước hương vị tuyệt vời của thức ăn vùng này. Hấp dẫn nhất là món thịt bê thái nhỏ cũng nấu chung với phô mai và nấm tươi. Sau khi nếm chút nước xốt phô mai thơm lừng tan ngay đầu lưỡi, cắn miếng thịt bê mềm ngọt, chúng tôi tin rằng mình sẽ đủ năng lượng đi dạo thêm mấy tiếng đồng hồ.
Xe hoa diễu hành
Ngày thứ hai của Fastnacht Basel là ngày dành cho các em nhỏ. Ở trung tâm thành phố, các nhóm trẻ em khác nhau có bố mẹ đi cùng diễu hành trên các phố. Các em mặc những bộ đồ hóa trang, đeo mặt nạ, đánh trống, thổi sáo… chuyên nghiệp không kém gì người lớn. Buổi tối của ngày lễ hội thứ hai được dành cho các nhạc công. Đúng 8 giờ tối, chương trình ca nhạc năm nào cũng thu hút hàng vạn người trẻ tuổi được tổ chức ở khu vực trung tâm. Cũng trong ngày thứ hai của lễ hội, các ca sĩ của thành phố đi một vòng đến khoảng 30 cửa hàng ăn và quán rượu chơi những bài hát và bản nhạc trào phúng, vui nhộn để phục vụ khách hàng. Tiếp đó, ngày thứ ba và thứ tư là các cuộc diễu hành và các hoạt động liên quan đến lễ hội.
Một nhóm hóa trang trong lễ hội
Fastnacht chỉ diễn ra trong bốn ngày, nhưng người dânBaselphải chuẩn bị cho lễ hội này trong suốt cả năm. Kinh phí hỗ trợ cho các nhóm hóa trang có được qua việc bán huy hiệu tượng trưng cho lễ hội, tiền thu được từ các buổi hòa nhạc lớn… và tiền do những người hảo tâm đóng góp. Một lần đến đây mới biết những người dân Thụy Sĩ ưa nhịp sống bình lặng lại có thể sôi nổi, sáng tạo hết mình như thế nào trong những ngày hội.
Bích Hòa