Người Nhật ăn Tết theo Dương lịch, vì vậy, việc chuẩn bị thức ăn cho những ngày đầu năm cũng quan trọng và chứa đựng nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Shinichi Ishizawa – nhân viên bộ phận Sale của Khách sạn Equatorial thức dậy thật sớm. Anh chọn mặc bộ trang phục đẹp nhất để đi chùa lễ Phật. Trong khi mọi người ngồi trước hiên chờ người đưa thư giao các tấm thiệp chúc Tết chẳng khác gì những đứa trẻ mong chờ phong bao lì xì mừng tuổi thì mẹ anh đi vào bếp lui cui dọn ôsechi – mâm cơm đầu năm để cả nhà họp mặt sau khi từ chùa trở về. Cũng như người Việt, người Nhật chuẩn bị các món ăn cho dịp Tết trước đó cả tuần. Bây giờ cuộc sống hối hả hơn, thời gian chuẩn bị ngắn đi song cũng phải mất khoảng 3 ngày. Nếu người Việt Nam chỉ làm vài món ăn Tết nhưng món nào cũng nhiều thì mâm ôsechi của người Nhật tập trung ít nhất 15 món, mỗi món một ít và đều có ý nghĩa riêng. Chẳng hạn đậu đen luộc trộn vàng lá thể hiện cho sự trường thọ là món không thể thiếu trong bất kỳ bữa ăn đầu năm nào, hay món trứng cá cazưnoko đắt tiền thì thể hiện sự giàu có, trù phú.
Tùy hoàn cảnh, mỗi gia đình có thực đơn riêng nhưng các món ăn phải gồm đủ thịt, cá, rau, củ, hải sản, tinh bột… để bàn ăn trông thật hấp dẫn và nhiều màu sắc. Đó là màu cam của tôm thẻ, tôm hùm, màu đen của rong biển cuốn, màu đỏ của khoai lang trứng cá, cà rốt, màu vàng của bánh trứng hấp, màu khoai lang nghiền, bánh cá và rau củ đủ màu, bánh nướng bột cá trứng, gà nướng yukitori, lươn biển nướng, vịt hấp, rễ badot… Đa số món ăn được chế biến khô, không xốt để có thể cất giữ trong suốt dịp Tết (khoảng 15 ngày) mà không bị hư.
Nếu như Tết Việt Nam có bánh chưng hay bánh tét thì tết Nhật có bánh bột gạo mochi. Mochi trong tiếng Nhật có nghĩa là niềm vui. Bày bánh chung với quýt là ngụ ý cầu nguyện Thượng đế ban cho niềm vui. Người Nhật xay gạo, nếp thành bột, chuẩn bị làm bánh từ tháng 12. Không khí nấu bánh cũng vui như người Việt ngồi bên nồi bánh chưng bập bùng lửa, chờ bánh chín vậy. Người Nhật cũng có thói quen tặng bánh mochi cho hàng xóm và bạn bè vào dịp Tết. Bánh màu trắng cho nam. Bánh màu đỏ cho nữ. Người Nhật tin rằng tặng bánh cho nhau hay ném bánh lên nóc nhà là để lấy may mắn. Mochi được đổ khuôn vuông hay tròn là tùy mỗi gia đình. Khi ăn, người ta cắt bánh thành miếng mỏng, ăn với xúp mochi. Xúp mochi gồm gà, cà rốt cà củ cải nấu với bánh mochi. Nước không quá loãng, cũng không quá sệt, vừa thơm vị thịt gà, vừa thơm mùi rau cải, ăn không ngán cho đến lúc no bụng.
Những dịp vui đầu năm thì rượu sakê là món không thể thiếu ở mọi nhà. Người Nhật quan niệm sakê làm sạch trái tim, gột rửa tâm hồn nên trẻ con cũng được cho uống rượu. Hớp một hớp rượu sakê giữa tiết trời lạnh ngày đầu năm, cùng gia đình khám phá các món ăn đầy màu sắc, được chuẩn bị công phu mà chỉ dịp tết mới có thì quả là không còn gì thích thú bằng.
Ngày nay, dù cuộc sống hối hả, công việc bận rộn nhưng các gia đình Nhật vẫn mong muốn duy trì bữa ăn đầu năm theo đúng phong tục cổ truyền. Nếu không có thời gian chuẩn bị, nhiều gia đình đành phải đặt nhà hàng, quán ăn mang ôsechi đến. Đầu bếp Takayuki Mori làm việc tại Nhà hàng Kampachi nhớ lại thời gian anh còn làm việc ở quê hương mình: mỗi lần Tết đến, nhà hàng anh phải chuẩn bị hơn trăm mâm cơm ôsechi để giao đến các gia đình vào buổi sáng ngày mùng một Tết. Công việc không hề đơn giản và đó là khoảng thời gian làm việc vất vả nhất trong năm.