Để tiếp tục kiểm soát an toàn tài chính khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong sáu tháng đầu năm 2018.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ
Báo cáo kết quả kinh doanh của đa phần các ngân hàng trong sáu tháng đầu năm nay cho thấy một xu hướng khá rõ nét là nợ xấu tăng ở cả con số tuyệt đối lẫn tương đối. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6-2018, Ngân hàng Quân đội MB có 2.639 tỉ đồng nợ xấu, tăng 423 tỉ đồng so với đầu năm, do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 294 tỉ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 144 tỉ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của MB theo đó tăng từ 1,2% vào cuối năm 2017 lên 1,29% vào ngày 30-6-2018. Với Ngân hàng ACB, tổng nợ xấu đã tăng thêm 347 tỉ đồng, tương đương tăng 25% so với hồi đầu năm, lên mức 1.737 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ xấu của ACB, với 1.032 tỉ đồng, chiếm 59% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu ACB đến cuối tháng 6-2018 vẫn ở mức thấp, chỉ 0,79% nhờ dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng 11,7% đạt 219.589 tỉ đồng.
Tại nhóm ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối, Vietinbank có tổng nợ xấu ở thời điểm cuối tháng 6-2018 là 11.227 tỉ đồng, tăng 24,5% so với đầu năm và chiếm 1,29% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 lên đến hơn 8.300 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương 59% so với cuối năm 2017; nợ nhóm 3 tăng gần 59%, trong khi nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 65%.
Tại Vietcombank, vào thời điểm cuối tháng 6-2018, nợ xấu tuyệt đối là 6.983 tỉ đồng, tăng 12,5% so với hồi đầu năm, trong đó, nợ nhóm 5 tăng gấp đôi, lên 4.084 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu Vietcombank chỉ tăng nhẹ từ mức 1,14% lên 1,15%. Trong nhóm này, chỉ có BIDV có nợ nhóm 5 giảm. Đến cuối tháng 6-2018, tổng nợ xấu của BIDV giảm 225 tỉ đồng so với đầu năm 2018, xuống mức 13.838 tỉ đồng. Nợ nhóm 5 của BIDV giảm 502 tỉ đồng, xuống mức 4.727 tỉ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu BIDV giảm từ mức 1,62% hồi đầu năm xuống còn 1,49%. Dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 7,2% trong nửa đầu năm, đạt 917.423 tỉ đồng vào cuối quý II-2018.
Tăng trích lập dự phòng và đẩy mạnh thu hồi nợ
Để tiếp tục kiểm soát an toàn tài chính khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý II-2018, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) trích lập dự phòng rủi ro thêm 138 tỉ đồng, tăng 81% so với quý II-2017; lũy kế trong sáu tháng đầu năm, VIB đã trích lập được gần 234 tỉ đồng. Ngân hàng này còn gần 1.500 tỉ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 746 tỉ đồng.
Vietcombank dự định sẽ trích lập dự phòng thêm khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm nay. Sáu tháng đầu năm 2018, lượng trích lập đã thực hiện vào khoảng 3.000 tỉ đồng, tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu theo đó lên tới 141%. Chính sách gia tăng trích lập dự phòng nói trên được thực hiện sau khi Vietcombank đã hoàn tất mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC vào cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu sau đó giảm nhanh và đến cuối tháng 6-2018 chỉ còn 1,1%.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2018 của MB cho thấy, chi phí hoạt động trong nửa đầu năm là 3.549 tỉ đồng, trong đó ngân hàng trích 1.659 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với TPBank, mặc dù thu được 113 tỉ đồng từ nợ đã bán cho VAMC trong sáu tháng đầu năm 2018, nhưng ngân hàng vẫn trích 372 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài tăng cường trích lập dự phòng rủi ro thì đẩy mạnh cấn trừ nợ xấu cũng là giải pháp được nhiều ngân hàng thúc đẩy. Tại Sacombank, trong nửa đầu năm 2018, khoảng 40 nghị quyết/quyết định của Hội đồng quản trị đã được thông qua liên quan xử lý nợ xấu. Trong đó, Hội đồng quản trị đã họp bàn về phương án xử lý một số khoản vay, thanh lý bất động sản nhận cấn trừ, bán đấu giá tài sản.
Nhờ đó, Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong sáu tháng đầu năm 2018, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này giảm còn 3,3% so với mức 4,28% vào cuối năm 2017. Theo thông tin trên website của LienVietPostBank, chỉ riêng trong tháng 5-2018, ngân hàng này có bảy lần thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản hay bán đấu giá tài sản. Tại SCB, trong gần hai tháng cuối quý II-2018, ngân hàng công bố trên website gần 10 thông báo về việc thu giữ tài sản và xử lý tài sản của các cá nhân và doanh nghiệp. Còn Ngân hàng TMCP đại chúng PVcombank ước tính cũng đã thu hồi được gần 300 tỉ đồng từ nợ xấu trong sáu tháng đầu năm.