Mỗi ngày, có vẻ như những trí tuệ tốt nhất trên thế giới đang tiếp tục sáng tạo ra những phát minh mới phục vụ cho tiện nghi đời sống, cho quân sự hoặc giải trí.
Bên cạnh đó, vẫn có những tư duy vô vị lợi giúp sáng tạo ra những phát minh nhằm xoa dịu những thiệt thòi, bất hạnh cho nhân loại cũng như cho các động vật.
1. Đuôi giả cho cá heo
Con cá heo tên Winter đã không có được sự khởi đầu dễ dàng trong cuộc sống. Lúc ba tháng tuổi, một ngư dân đã phát hiện ra nó bị mắc trong cái bẫy cua.
Winter (Mùa Đông, cái tên được đặt theo mùa mà người ta tìm thấy nó) đã được ngư dân gỡ ra khỏi lưới và gọi cho nhóm giải cứu. Tuy bệnh viện đã cố gắng hết sức cứu chữa nhưng cái đuôi của nó đã bị mất.
Đây là một chấn thương nghiêm trọng, nhưng trong bể cá mới của mình, Winter đã học bơi bằng cách chuyển động từ bên này qua bên kia giống như cá mập (thay vì chuyển động lên xuống bình thường của đuôi cá heo) và sử dụng các chân chèo để đẩy tới.
Tuy nhiên giải pháp tạm thời này có thể gây nguy cơ làm vẹo xương sống cũng như ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của Winter.
Hai chuyên gia về chi giả Kevin Carroll và Dan Strzempka, cùng với nhóm Chỉnh hình Hanger đã vào cuộc, tình nguyện làm một chiếc đuôi giả cho Winter.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một cái đuôi giả cho Winter và một loại gel tạo tác dụng đệm cho bộ phận giả này.
Không những Winter có thể bơi bình thường trở lại, câu chuyện của nó đã phát sinh ra bộ phim Dolphin Tale cũng như mang lại nguồn cảm hứng cho thế giới.
Thêm nữa, loại gel của Carroll và Strzempka cũng đã giúp cho những người khuyết chi có thể kiểm soát được những chi giả của họ.
2. Chiếc muỗng chống rung
Trong lúc lấy bằng tiến sĩ, kỹ sư Anupam Pathak đã làm việc với Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội, tìm cách để giữ ổn định súng trường cho các binh lính trong chiến đấu.
Ông Pathak đã thành công trong việc tạo nên một phần cứng có thể vô hiệu hóa các chuyển động rất nhỏ và nhận ra phát minh của ông có thể trợ giúp những người đang cần đôi bàn tay vững vàng: đó là những bệnh nhân Parkinson hay Essential Tremor (run vô căn).
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của các bệnh này là khi bệnh nhân ăn. Thường thì những rung động bàn tay và cánh tay khiến họ không thể tự đút thức ăn cho mình được.
Tuy nhiên, Pathak đã làm việc để tinh chỉnh và thương mại hóa công nghệ của mình để tạo ra một cái muỗng có thể hủy bỏ những chấn động, giúp bệnh nhân đạt được sự tự chủ khi thực hiện một trong những chức năng hàng ngày của họ.
Ứng dụng công nghệ hủy rung động của Pathak, chiếc muỗng Liftware Steady đã hóa giải được 70% sự rung lắc, cho phép nhiều người bị chứng rung vô căn nơi hai bàn tay có thể tự đút thức ăn cho chính mình.
Công ty đã được Google mua lại và từ đó đã giảm giá sản phẩm đồng thời giới thiệu sản phẩm thứ hai: chiếc muỗng mang tên Liftware Level trợ giúp những người có bàn tay bị giới hạn và giúp hoạt động của hai bàn tay bằng cách nắm giữ ổn định vật sử dụng, kể cả khi bàn tay dịch chuyển không dự đoán trước.
Một người bị chứng run vô căn cho biết chiếc muỗng Liftware đã giúp cô ăn uống ít bị lúng túng hơn và đem lại cho cô sự tự tin hơn, khiến cho việc ăn uống trở nên thú vị trở lại.
3. Đường hầm dưới đường ray cho rùa
Chuyện gì sẽ xảy ra khi các con tàu cao tốc của Nhật Bản gặp phải những rùa bò chậm rì? Gần đây ở Kobe, Nhật Bản, những con rùa cố gắng băng qua các đường ray đôi khi chúng bị rơi vào khoảng trống ở giữa và không thể dậy được.
Để giải quyết vấn đề, Công ty đường sắt West Japan đã hợp tác với Công viên Suma Aqualife để tìm giải pháp.
Họ xây dựng một “đường hầm rùa”, những đường rãnh bằng bê-tông đi qua phía dưới đường ray, gần bộ phận chuyển ray.
Khi tìm thấy bất kỳ con rùa nào trong đường hầm trong quá trình kiểm tra đường ray, các nhân viên sẽ giải cứu và gửi chúng đến bể cá.
4. Những bộ vòng nhựa tự hủy
Những bao bì nhựa gây ra một mối đe dọa cho các động vật hoang dã trên đất liền và trên biển. Trên Thái Bình Dương có một “mảng rác” khổng lồ tạo thành từ gần 80.000 tấn nhựa phế thải, bao phủ một diện tích lớn gấp 3 lần diện tích của nước Pháp, gây ra mối đe dọa cho đời sống của những sinh vật biển, khi chúng bị vướng vào và giết chết trong đống rác nổi.
Trong khi đó những “bộ vòng giữ 6 lon” bằng nhựa (để giữ những bộ sáu lon soda hay lon bia) chiếm một phần nhỏ trong số những phế liệu bằng nhựa bị loại bỏ.
Từ lâu, những người tiêu dùng đã được cảnh báo rằng phải cắt chúng ra rồi hãy vứt bỏ chúng, bởi vì chúng có thể gây thương tích hoặc giết những con vật bị mắc kẹt vào chúng.
Tuy nhiên, một công ty tên E6PR đã đưa ra một giải pháp tốt hơn để đảm bảo những động vật sẽ không trở thành nạn nhân nữa.
Họ đã chế tạo một bộ vòng giữ 6 lon thân thiện môi trường được làm từ sản phẩm phụ thải (lúa mì và lúa mạch) và được thiết kế để có thể phân hủy.
Cho dù không phân hủy, chúng cũng sẽ tan ra trong vài tuần lễ đồng thời không như chất nhựa, chúng sẽ không làm tổn thương các động vật nếu động vật có lỡ nuốt phải chúng. Sản phẩm đã ra mắt lần đầu tiên vào đầu năm 2018 trên các lon bia của hãng Saltwater Brewery ở Florida.
5. PARO: hải cẩu robot
PARO, một robot tương tác tương tự như một con hải cẩu nhỏ, đã được biết đến nhiều nhất với sự xuất hiện của nó trong chương trình sitcom (hài kịch tình huống) Master of None của Aziz Ansari.
Tuy nhiên con PARO được thiết kế ở Nhật, hầu hết hoạt động trong các nhà dưỡng lão và bệnh viện, đem lại cho các bệnh nhân những lợi ích của liệu pháp động vật.
Giống như một động vật trị liệu được đào tạo, con PARO phản ứng với giọng nói và cử động của người dùng bằng các chuyển động và phát ra âm thanh của riêng nó.
Tuy nhiên, không giống như các con vật thực, PARO không cần thức ăn, nghỉ ngơi hoặc lau chùi, không chơi các trò chơi yêu thích bên bệnh nhân, không gây dị ứng và có thể sử dụng cho những bệnh nhân có hành vi ngoài dự đoán có thể bị nguy cơ khi dùng động vật trị liệu.
Người ta ghi nhận những người được tương tác với PARO trong một giờ, hai lần một tuần, kéo dài trong 12 tuần sẽ có sự sụt giảm đáng kể cảm giác cô đơn nơi đối tượng được nghiên cứu.
6. Máy chứa vật tái chế Pugedon
Máy chứa vật tái chế Pugedon nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: khuyến khích việc tái chế đồng thời nuôi chó và mèo đi lạc. Máy có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh được đặt trên đường phố và được vận hành bằng một pin mặt trời.
Khi một người nào đó ném vào một cái chai có thể tái chế, máy sẽ phân phát thực phẩm cho những con vật đi lạc bị đói.
Nếu người dùng muốn làm rỗng chai nước của họ trước khi vứt bỏ, máy cũng có những chiếc phễu dẫn những chỗ nước thừa tới một cái tô và những con vật đi lạc có thể tiếp cận.
Lợi nhuận thu được từ việc bán các vật có thể tái chế sẽ dùng để mua các món ăn được máy phân phối. Kiểu máy này xuất hiện ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi có hơn 150.000 các chú mèo và chó đi lạc.
Engin Gargin, nhà phát minh ra thiết bị, cho biết ông được truyền cảm hứng từ ý tưởng cung cấp cho cư dân một cách miễn phí để giúp đỡ những con vật đi lạc, đồng thời cũng cải thiện tỉ lệ tái chế ở Thổ Nhĩ Kỳ.
7. Bộ giáp Upsee cho người khuyết tật
Debby Elnatan, một bà mẹ Israel có con trai bị bại não, quyết tâm thấy con trai của cô bước đi, tuy rằng các bác sĩ đã khuyên cô rằng con trai 2 tuổi của cô “không biết gì đến đôi chân của cháu cũng như không có nhận thức gì về chúng”.
Elnatan đã nói chuyện với con trai mình về việc luyện tập kỹ năng đi bộ của bé và đây là một nhiệm vụ khó khăn. Elnatan nói về ý tưởng Upsee, một bộ giáp có thể gắn với một đứa trẻ hay một người trưởng thành, cho phép đứa trẻ có thể đứng thẳng và bước đi với sự hỗ trợ và chuyển động của người lớn, xuất phát từ sự đau khổ và tuyệt vọng, cô đã cố gắng tập cho con trai bước đi.
Một nhóm 20 gia đình có trẻ em bị khuyết tật di chuyển đã thử nghiệm phiên bản đầu tiên của sản phẩm và chia sẻ kết quả đầy triển vọng: trẻ em thích sử dụng bộ giáp và Upsee cho phép các gia đình thực hiện được nhiều hoạt động hơn.
Công ty Leckey của Ireland đã sản xuất hàng loạt Upsee, và hiện nay nó đang cải thiện cuộc sống của các trẻ em với những thách thức di chuyển trên toàn thế giới.