Mùa khô ở quần đảo Trường Sa năm nay đến sớm và kéo dài hơn mọi năm. Ai có ra thăm các hòn đảo phên giậu của Tổ quốc, tận mắt chứng kiến đời sống vất vả của người lính, mới thấu hiểu ý nghĩa câu nói của lính biển “nước là máu, rau là thuốc” chính xác và sâu sắc như thế nào. Người đất liền có lẽ không mấy ai nghĩ ra được cách sử dụng nước tiết kiệm độc nhất vô nhị như ở Trường Sa với một ca nước trải qua ít nhất ba “kiếp”: đầu tiên lính tắm rửa, sau đến giặt đồ, rồi tưới rau. Ở các bếp nấu ăn, rửa chén, nước thải đen ngòm vẫn được gìn giữ lại cẩn thận để có thể tận dụng lần cuối cùng cho tưới tắm, tăng gia thêm chút rau xanh. Có thể, người ta sẽ phì cười với cảnh anh lính ngồi tắm chỏn gọn trong cái thau như đứa bé, nhưng đó lại là cách hiệu quả nhất để không tung tóe phí phạm một giọt nước. Ở bất cứ đảo chìm, đảo nổi nào, hình ảnh dễ nhìn thấy nhất là các phương tiện trữ nước ngọt được đặt hoặc xây dựng khắp nơi, từ các bể bê tông xây ngầm kiên cố đến các bồn inox chìm, nổi, xô, thùng rải rác khắp đảo…
Khách đất liền mới đặt chân lên thăm đảo, người ta thường thấy có vài thau nước nhỏ cho khách rửa tay. Nhưng khi thấu hiểu được hoàn cảnh sử dụng nước hết sức chắt chiu của người lính biển, không mấy khách nỡ khòa tay mình vào thau nước ngọt quý hiếm đó nữa. Thôi thì dặn lòng khi nào về tàu rửa lại cũng được, hãy dành những giọt nước như máu đó để chiến sĩ có thêm chút điều kiện trấn thủ nơi phên giậu của Tổ quốc…
- Quốc Khanh