Công trình nằm trong con hẻm nhỏ cạnh trường tiểu học, dùng làm nơi nghỉ ngơi giữa giờ làm của mẹ, sau giờ học của con gái, hạn chế quãng đường di chuyển khá xa từ nhà đến nơi học tập, làm việc.
Không đặt nặng nhu cầu ở-hằng-ngày, chị dành ưu tiên sử dụng cho con gái vừa vào lớp Một.
Thiết kế lấy cảm hứng tạo hình như một căn nhà trên cây cho trẻ em, với “gốc” và “nhánh chính” là hệ khung đỡ sàn và gia cố tường dọc nhà, “tán cây” là những khoảng trống cho không gian sinh hoạt mở và “nhà” là các phòng riêng tư đặt trên nhánh.
Để xử lý khu đất nhỏ 3m x 10m, công trình sử dụng phương án tích hợp nhiều chức năng vào một thành phần (element). “Cái cây” vừa là hệ khung kết cấu; vừa là thang – giao thông đứng có khoảng chiếu nghỉ đủ cho những chức năng phụ (hiên chơi, giặt phơi,…); vừa là hệ lam che nắng tạo bóng mát; cũng như chi tiết đỡ cho các tán lá (mảng xanh) mọc ra.
Giải pháp tích hợp nhiều chức năng vào một vật thể sẽ tối đa hóa khoảng trống cho các không gian còn lại. Căn nhà là một tổ hợp xen kẽ giữa sân chơi và các khu chức năng thay vì từng không gian riêng biệt. Sự gắn kết giữa mẹ và con gái được thúc đẩy trong một môi trường mở, khi tối đa hóa thời gian sinh hoạt bên nhau.
Khi chúng tôi chia sẻ ý tưởng cùng chủ đầu tư, chị nói : “Con gái chị tuổi Tỵ, vì vậy chị đặt tên con là Lâm với mong muốn hướng đến sự tự do. Cảm giác có điểm tương đồng nào đó với thiết kế của các em cho căn nhà này”.
Từ cơ duyên đó, chúng tôi gọi tên công trình này là LÂM’s home.