Nhiệm vụ của sếp là tư duy về chiến lược

Nhiệm vụ của sếp là tư duy về chiến lược

Chắc hẳn bạn từng gặp trường hợp khi hỏi một đồng nghiệp trong công ty “Anh khỏe không?” thì người ấy trả lời “Bận quá!” thay vì nói “Tôi khỏe, còn anh thế nào?”. Freek Vermeulen, một giáo sư cộng tác về đề tài chiến lược và khởi nghiệp của Trường Kinh doanh London, giải thích rằng sở dĩ đa số nhân viên có câu trả lời như trên vì phần lớn các công ty đều đánh giá cao những nhân viên bận rộn hoặc “đang tỏ ra” bận rộn. Vì thế, dù thật sự còn thời gian rảnh, nhân viên cũng ngại trả lời rằng “Tôi cũng không bận mấy” do sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến con đường phát triển nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, Vermeulen cho rằng, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp thật sự lúc nào cũng bận rộn thì đó sẽ là một vấn đề, bởi vì nhiệm vụ chính của lãnh đạo phải là lập ra và triển khai các kế hoạch kinh doanh. Nếu không có đủ thời gian để suy nghĩ, nhìn lại các hoạt động của doanh nghiệp, đánh giá các chiến lược đã thực hiện để đưa ra các hành động điều chỉnh kịp thời, nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ đưa “con tàu doanh nghiệp” đi lạc hướng.

Tổng giám đốc điều hành của một ngân hàng lớn có quy mô hoạt động trên toàn cầu từng chia sẻ với Vermeulen rằng: “Một người ở vị trí như tôi rất dễ rơi vào tình trạng lúc nào cũng bận rộn. Các cuộc họp liên tục và việc di chuyển thường xuyên mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng mình được trả lương không phải để làm những việc này mà nhiệm vụ của tôi là suy nghĩ thấu đáo về các chiến lược của công ty”.

Trên thực tế, không ít lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới có cùng quan điểm như vị giám đốc nói trên. Chẳng hạn, Bill Gates từng rất nổi tiếng với việc nghỉ hai lần, mỗi lần kéo dài một tuần trong một năm chỉ để “ởẩn” và xem xét lại các chiến lược của Microsoft.

Tương tự, Warren Buffett cũng từng nói: “Tôi quyết tâm dành ra rất nhiều thời gian mỗi ngày để ngồi lại và suy nghĩ”. Vermeulen cho rằng, nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chưa tìm được thời gian để suy nghĩ, tư duy về các vấn đề chiến lược thì có lẽ nguyên nhân là họ chưa sắp xếp, tổ chức công việc hằng ngày của công ty một cách khoa học.

Henry Mintzberg, một giáo sư quản trị học nổi tiếng, từng nói rằng hầu hết các chiến lược được hình thành một cách tình cờ, do những sự kiện xảy ra ngoài dự đoán của lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không phải là kết quả của một kế hoạch chiến lược đã được xây dựng trước đó từ lâu.

Thực tế cho thấy các công ty cũng thường phải chuyển hướng hoạt động một cách nhanh chóng khi có những thay đổi bất ngờ về thị trường, khách hàng, sản phẩm và mô hình kinh doanh để thích ứng với môi trường bên ngoài hay để nắm bắt các cơ hội mới.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là lãnh đạo doanh nghiệp cần phải dành ra đủ thời gian để suy nghĩ về những sự thay đổi này để đưa ra các quyết định nhanh. Vermeulen khuyên lãnh đạo doanh nghiệp nên đặt ra những câu hỏi sau đây trong quá trình tư duy về các vấn đề chiến lược.

Exit mobile version