Dù harmonica (khẩu cầm) không được xếp vào loại nhạc cụ hàn lâm sang trọng, nhưng với những người có ngón nghề thì âm thanh truyền cảm, dễ đi vào lòng người của nó vẫn dễ dàng chinh phục thính giả như nhiều nhạc cụ khác.
Từ trước năm 1975, ở Sài Gòn, nói đến khẩu cầm là nhiều người nhắc ngay đến “quái kiệt” Tòng Sơn. Tình cờ biết đến harmonica và rồi đam mê, hơn 60 năm qua, nghệ sĩ Tòng Sơn đã gắn bó đời mình với cây khẩu cầm và cùng nó chu du biểu diễn khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Đến nơi nào, ông cũng được đông đảo khán giả mộ điệu chào đón và cổ vũ.
Duyên nợ với harmonica
Từ một người “tay ngang”, ông tìm tòi, sáng tạo, thổi hồn vào kỹ thuật biểu diễn khẩu cầm một làn gió mới thú vị, độc đáo. Chuyện ông vừa biểu diễn thổi harmonica vừa ăn chuối, uống bia, thổi bằng mũi… thì nhiều người đã thấy, nhưng có lẽ ít ai người hiểu tình yêu của ông dành cho khẩu cầm. Harmonica với ông không chỉ là “cần câu cơm”, mà còn là một người bạn tri âm mà ông hết lòng yêu mến, trân trọng. Trong suốt sự nghiệp biểu diễn của mình, ông đã từng sở hữu và thổi hàng ngàn cây harmonica do chính ông mua, hoặc bạn bè, người quen tặng.
Giờ đây, ở tuổi 83, ông sống một mình trong căn phòng nhỏ thuê ở khu Bàn Cờ (quận 3). Gia tài ông mang theo sau nhiều lần dời đổi chỗở không gì ngoài những cây khẩu cầm và hình ảnh kỷ niệm những lần lưu diễn. Cây khẩu cầm vẫn theo ông hằng đêm đến những điểm diễn để nói thay tâm sự“Đã mang lấy nghiệp vào thân…”, còn hình ảnh ông treo trên tường để nhớ một thời trai trẻ vàng son. Nét phong trần lãng tử ngày nào vẫn còn phảng phất trên mặt lão nghệ sĩ, ông từ tốn nói: “Mặc dù harmonica là nhạc cụ bình dân, nhưng âm thanh của nó có sức quyến rũ rất lớn, một khi mê là không dứt ra được. Còn chơi hay hay dở thì đã có khán thính giả phán xét. Khán thính giả là người nuôi sống nghệ sĩ, họ rất công tâm, họ sẽ không nuôi nếu không thích. Đến bây giờ tôi vẫn được bầu sô mời diễn, được khán thính giảủng hộ, như vậy là hạnh phúc rồi, tôi không mong gì hơn”.
Hình ảnh lưu niệm gắn liền với cây khẩu cầm làm nên tên tuổi
Ông nhớ lại, lần đầu tiên ông cầm cây kèn harmonica khi còn là cậu bé hơn 10 tuổi, chưa biết đó là cái gì. Trong lần theo người lớn dọn dẹp nhà cửa sau một trận càn, ông nhặt được một vật bằng kim loại hình chữ nhật, có một hàng các lỗ nho nhỏ, tò mò đưa lên miệng thổi thì phát ra âm thanh trong trẻo, hỏi người lớn mới biết đó là cây kèn harmonica. Từ đó, ông giữ cây kèn bên mình và tự mày mò tập thổi. Khi từ quê Vĩnh Long lên Sài Gòn học, cây kèn là vật bất ly thân của ông, lúc nào không học là ông chơi kèn theo những bản nhạc thịnh hành thời đó nhưNước non ngàn dặm, Lên đàng… Đến năm 20 tuổi, ông đã thổi harmonica nhuần nhuyễn, thường chơi trong những dịp họp mặt bạn bè, sinh hoạt ở trường, được bạn bè khen ngợi. Cũng vào thời điểm ấy, Đài Pháp Á (Radio France Asia) mở cuộc thi tuyển lựa tài tử nên bạn bè động viên ông dự thi, không ngờ lại đoạt giải cao. Thế là từ đó cuộc đời ông rẽ ngang theo nghiệp tài tử, buồn vui đều gắn với cây kèn harmonica.
Nghệ sĩ Tòng Sơn biểu diễn vừa uống bia vừa thổi harmonica bằng mũi
Tuy tự học, không qua trường lớp nào, nhưng với năng khiếu của mình, tiếng kèn harmonica của ông ngày càng điêu luyện. Ông có bí quyết để giữ hơi, thổi kèn không mất sức mà vẫn đảm bảo chất lượng âm thanh. Rồi dần dà, để chinh phục khán giả không chỉ nghe mà còn xem, ông nghĩ ra những chiêu kết hợp trình diễn. Ông hóm hỉnh kể lại chuyện cũ: “Những màn trình diễn như ăn chuối, uống bia… chỉ là một chút kỹ thuật để “hù” khán giả thôi. Quan trọng là âm thanh tiếng kèn vẫn phải đúng chuẩn mực. Tôi không bao giờ để phần nhìn lấn át phần nghe. Vậy mà có người nói tôi làm giả, dù chỉ là số ít. Mới nghe tôi cũng buồn, mình mất bao công sức tập luyện để mang đến những điều mới lạ cho khán giả mà bị nghi ngờ. Sau đó mỗi lần ra sân khấu là tôi yêu cầu để sáng đèn để khán giả nhìn thấy rõ”. Ông vui tính, hài hước, cho rằng mình làm việc hết mình nhưng sức khỏe vẫn tốt và dẻo dai có lẽ nhờ ăn chuối, uống bia điều độ, hít thở theo kiểu thiền suốt mấy chục năm qua khi biểu diễn.
Đam mê sưu tập khẩu cầm
Từ khi mê và tìm hiểu về khẩu cầm, ông phát hiện ra mỗi cây kèn chỉ phù hợp để chơi vài giai điệu khác nhau. Cùng một bản nhạc, mỗi cây kèn được làm từ những chất liệu khác nhau, đòi hỏi cách hút hơi khác nhau nên tạo ra âm thanh cũng khác nhau. Vừa diễn giải, ông vừa mở hộp đựng các cây kèn thoạt trông thì giống hệt nhau, chỉ có khác biệt về ký hiệu để nhận biết. Âm thanh cao nhưng trầm ấm khi giai điệu bài Hạ trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên: “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say/ Lối em đi về trời không có mây/ Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy…”. Ông lấy cây khác, một âm thanh réo rắt, nhộn nhịp “Đường về đêm nay vắng tanh/ Rạt rào hạt mưa rớt nhanh/ Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi/ Mưa chẳng thương kiếp sống mong manh…”. Chỉ sau vài giây đổi kèn, không gian căn phòng như đọng lại bởi tiếng kèn da diết “Ngựa hoang về tới bến sông rồi/ Cởi mở lòng ra với cõi đời/ Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục/ Và trên lưng nó ôi còn nguyên những vết thù…”.
Kèn harmonica nhiều kích cỡ
Để trang bị cho công việc biểu diễn, ông phải tìm mua rất nhiều kèn, tạo thành cả bộ sưu tập từ lúc nào không hay. Trước đây, trong những lần lưu diễn ở nước ngoài, lúc thì ở Lào, Campuchia, Nhật, khi thì tại Mỹ, Pháp, Úc, Ý, Đức, bao giờ ông cũng dành thời gian để săn lùng mua cho được những cây kèn ưng ý. “Bây giờở trong nước cũng có bán nhiều, việc tìm mua cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Chứ như trước đây, tôi buồn nhất là khi có tiền mà không có kèn để mua” – lão nghệ sĩ nói. Các cây kèn cũng đa dạng, từ nhỏ gọn như ngón tay để móc khóa đến loại dày cỡ ba phân và dài hơn gang tay. Trong số những cây kèn “cơm gạo” hiện còn, ông quý nhất là cây kèn Chromanica 280C, có 16 lỗ tròn, sườn bằng gỗ do ca sĩ Phương Hồng Quế tặng. Ông cho biết, bây giờ đa số người ta làm kèn bằng nhựa plastic nên kèn làm bằng gỗ trở nên hiếm hoi. Ông thích kèn làm bằng gỗ vì chất liệu gỗ cho âm thanh trầm ấm hơn, trong khi đó kèn plastic nhìn sắc sảo, có âm thanh vang nhưng chát hơn. Những cây kèn thân gỗ cũ kỹ, sờn tróc vẫn được ông nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Ông vẫn tỏ ra tiếc nuối những cây kèn gắn bó với nhiều kỷ niệm, nhưng do nhiều lần di chuyển mà bị thất lạc, không sao tìm lại được nữa.
Cây harmonica làm bằng gỗ đã sờn tróc vẫn được nghệ sĩ giữ gìn cẩn thận
Kỷ vật của ca sĩ Phương Hồng Quế tặng
Có điện thoại gọi đến, ông nghe và cho biết có thân hữu mời biểu diễn chương trình làm từ thiện. Dĩ nhiên là ông gật đầu đồng ý ngay. “Cuộc đời tôi có lắm thăng trầm, nhưng tôi không đổ lỗi cho số phận đâu, vì mọi thứ do chính mình lựa chọn. Giả như có được chọn lại từ đầu, tôi vẫn sẽ gắn đời mình với cây khẩu cầm, bởi dù có mệt mỏi, mỗi lần bước ra sân khấu, cất tiếng kèn lên phục vụ khán giả là tôi thấy mình được tiếp thêm niềm vui sống” – ông cười lạc quan.
Ngân An