Lâu nay, nghệ sĩ Đỗ Đức Thịnh tạm dừng dựng các vở kịch để đến với các bộ phim truyền hình trong vai trò đạo diễn, rồi khi cảm thấy đủ lực, anh thử sức với bộ phim điện ảnh đầu tay của mình, điều mà anh muốn làm bấy lâu nay. Bộ phim Ma Dai ra rạp chiến thắng cả về doanh thu lẫn cơ hội ghi tên Đức Thịnh vào danh sách những đạo diễn ăn khách. Nếu nhìn bề nổi thì sẽ thấy Đức Thịnh khá may mắn trong dự án phim này khi phim anh có sự tham gia của các diễn viên ăn khách nhất hiện nay như Hoài Linh, Thái Hòa… và có được nhà phát hành tốt. Nhưng xét cho cùng thì may mắn đó có được nhờ năng lực và uy tín Đức Thịnh đã chứng tỏ được với đồng nghiệp trong gần 20 năm làm nghề. Đúng là từ chỗ thân tình, diễn viên Hoài Linh, Thái Hòa nhận một vai diễn chỉ vài phân đoạn nhưng cái chính là vì họ đồng cảm với những gì Đức Thịnh bày tỏ trong phim. Ban đầu có thể khán giả bỏ tiền mua vé để xem Hoài Linh, Thái Hòa diễn nhưng sau phút hụt hẫng ban đầu họ bằng lòng với câu chuyện trong phim và chịu ngồi xem Đức Thịnh “bao sân” gần như từ đầu đến cuối.
Đỗ Đức Thịnh lần đầu tiên xuất hiện thành công trên màn ảnh lớn, người ta hỏi: Liệu Đức Thịnh sẽ là một Thái Hòa thứ hai, trở thành diễn viên điện ảnh ăn khách dù không mấy… đẹp trai? Thế nhưng, anh biết rõ mình mong muốn bước đi trên con đường nào. Chiếc ghế đạo diễn mới chính là nơi nghệ sĩ Đỗ Đức Thịnh muốn ngồi đó làm việc lâu dài. Anh kể nhiều khi đóng phim anh còn thấy mỏi mệt chứ ngồi nhìn màn hình hô “diễn”, “cắt” hoặc những lúc làm hậu kỳ là không bao giờ thấy chán. Thậm chí có những lần anh dựng phim ba ngày liên tục khiến những người làm cùng “lắc đầu lè lưỡi” nhưng thấy anh hăng say quá nên mọi người không nỡ nhắc vì sợ anh mất hứng. Thịnh nói rằng cuộc đời anh không có thú vui với đồ hiệu, xe sang nên anh chỉ biết tận tâm chăm chút cho từng cảnh quay, từng đường dây nhân vật như một thú vui của riêng mình. Vì vậy mà sân khấu và phim ảnh có bé Bì thiểu năng, cô Hằng khiếm thị, anh Huân nhạc sĩ, anh Phê hài hước… làm lay động tâm hồn người xem. Mê làm đạo diễn, anh xem rất nhiều phim của nước ngoài và đồng nghiệp, đọc các cuốn sách nói về nghề đạo diễn. Đạo diễn phim Ma Dai chân thành chia sẻ: “Khi xem bộ phim Titanic có một chi tiết gây ấn tượng mạnh trong tôi, đó là lúc anh chàng Jack của tầng lớp bình dân dạy cho cô Rose tiểu thư của giới quý tộc phun nước bọt xuống biển như một “trò chơi” mỗi khi gặp căng thẳng. Tôi học “chiêu” này để áp dụng cho anh chàng Thố của tôi trong bộ phim Ma Dai, trò ngoáy mũi của anh ta không sạch sẽ, đẹp đẽ nhưng nó làm cho Thố thật hơn. Ở đời, đôi khi người ta bị cái hào nhoáng bên ngoài làm cho mệt mỏi và chỉ có những thứ bình dị, sần sùi mới dễ đem lại sự thoải mái”. Các tác phẩm của đạo diễn Đức Thịnh dù làm cho khán giả thích hay chưa thích thì vẫn không bị đánh giá tồi bởi vì người ta thấy được điều anh muốn nói trong tác phẩm của mình rất rõ ràng. Người xem dễ đón nhận những vở kịch, những bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh vì dù là một vở kịch hài hay một bộ phim về tình yêu vô cùng lãng mạn thì chúng vẫn đậm tình người. Đức Thịnh thường có cảm xúc mạnh trong những câu chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống mà mình vô tình chứng kiến khi đi đường, khi ngồi quán cà phê… và những câu chuyện ấy thường đi vào tác phẩm của anh trong bóng dáng của con người bình dị.
Cuộc sống của Đức Thịnh cũng bình dị giống như các nhân vật của mình. Anh nói công việc của một đạo diễn ít ồn ào, ít hào quang, ít phải tham gia các sự kiện có lẽ vì vậy mà thích hợp với anh hơn. Đức Thịnh điềm nhiên nói về sự giản dị của mình, chẳng tự hào cũng chẳng che đậy: “Cái gốc mình là người bình dân mà. Ba tôi làm thợ mộc nhưng mất lúc tôi còn nhỏ nên tôi không còn nhớ nhiều kỷ niệm. Tôi có nhiều ấn tượng với mẹ hơn, một mình bà với gánh rau mà nuôi 12 anh chị em tôi thành người. Tôi nhớ những tối bà đi chợ về nằm vắt vẻo coi cải lương rồi còn lẩm nhẩm hát theo. Nhà chỉ mình tôi làm nghệ thuật nhưng mấy anh em ai cũng có máu nghệ sĩ, người thì đàn guitar, người thổi sáo, người viết văn, người vẽ… chắc là “lây” từ mẹ”. Xuất thân bình dân nên giao tiếp với những người bình dân làm Đức Thịnh thấy thoải mái hơn và câu chuyện của những người bình dân cũng làm anh hứng thú hơn. Đội bóng của anh toàn những người làm nghề xe ôm, ba gác, khuân vác. Mọi người cùng góp tiền thuê sân bóng đá, ở đó chỉ có chuyện đá banh, vài ba câu chuyện tếu táo thật vui vẻ chứ không phải nói chuyện về phim ảnh, về sự nổi tiếng khiến anh thấy dễ hòa nhập hơn. Hết công việc ở phim trường, ở sân khấu, anh cùng vợ trở về với gia đình cùng cậu con trai, nghe Cà Phê (con trai vợ chồng Đức Thịnh – Thanh Thúy) kể chuyện bị cậu bé hàng xóm cắn nhưng ráng chịu đau chứ không giật tay ra vì sợ em đau, vậy thôi cũng đủ mỉm cười, thấy ngày trôi qua nhẹ nhàng. Cuộc sống hạnh phúc, công việc thuận lợi nhưng tận sâu bên trong Đức Thịnh đang có những băn khoăn của một nghệ sĩ. Anh có công ty riêng, đang làm phim, có vẻ như rất ít dính dáng gì đến sân khấu nhưng trên Facebook anh vẫn để nơi làm việc 70-72 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TP.HCM (địa chỉ của sân khấu kịch Hồng Vân) như một sự nhắc nhở đây là ngôi nhà nghệ thuật của mình. Đó là nơi anh vẫn muốn được trở về cầm trên tay một kịch bản sân khấu thật hay rồi quy tụ diễn viên, bàn tính mảng miếng và hồi hộp chờ ngày công diễn. Xuất thân là một diễn viên sân khấu, một đạo diễn sân khấu nên anh thấy chạnh lòng khi thấy sân khấu thiếu kịch bản hay và mười năm nay không có gì mới mẻ hơn để đáp ứng nhu cầu khán giả.
Lâm Hạnh (DNSGCT)