Trong các từ chỉ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông có lẽ từ xuân là từ được thơ ca dùng với nhiều nghĩa nhất, trong đó có nhiều nghĩa thật thú vị, biến hóa… đem lại những giá trị thẩm mĩ mới cho ngôn ngữ thi ca dân tộc. Nhân dịp năm mới, chúng tôi xin được bàn đôi điều về từ xuân trong ca dao để thấy được cái tài sử dụng ngôn ngữ của người bình dân Việt Nam.
“Mùa Xuân em đi chợ Hạ/ Mua cá Thu về chợ hãy còn Đông…”. Từ xuân trong câu ca dao này được dùng theo nghĩa gốc (nghĩa đen) là mùa xuân, nhưng thường ca dao dùng từ xuân theo nghĩa bóng, tức nghĩa suy ra từ nghĩa đen. Người bình dân dùng từ xuân để chỉ thời gian hoặc để nói về tuổi đời:
Kể từ bạn trúc với mai
Xuân qua hè lại đã vài ba năm.
Trăng lên khỏi núi trăng tròn
Xuân xanh em mấy mà giòn rứa em?
Nhưng khi họ bảo nhau:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau.
Ở đây, từ xuân lại mang một nghĩa mới: từ xuân thứ nhất chỉ những cuộc chơi, những thú vui của tuổi trẻ; từ xuân thứ hai chỉ thời trẻ tuổi của một con người. Còn “mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi” thì xuân được hiểu là sức khỏe, sự cường tráng của cơ thể, sự minh mẫn của trí tuệ con người. Cho nên ca dao cũng cảnh báo:
Chơi xuân quá lứa đi rồi
Vắt tay mà ngẫm cõi đời mà lo
Trông gương luống những thẹn thò
Để rồi tỏ ý thương hại và tiếc nuối:
Thương thay xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay xuân những hững hờ với xuân.
3 từ xuân được láy lại trong câu ca thật đa nghĩa, tinh tế, biến hóa.
Mùa xuân gắn với tuổi trẻ và tình yêu, nên xuân đã thành một ẩn dụ về tình yêu trong ca dao:
Chúa xuân còn ở vườn đào
Ong qua bướm lại biết bao nhiêu lần.
Dù vậy, chàng trai si tình này vẫn quyết theo đuổi tình yêu đến cùng:
Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận
Mấy năm nay lận đận với má hồng
Đã làm trai phải trả nợ tang bồng
Dù mấy năm đi nữa
Đây vẫn một lòng chờ xuân.
Nhưng thú vị nhất là những từ xuân được dùng với sắc thái tinh nghịch, dí dỏm trong cuộc sống đời thường. Trong lời níu kéo ở chốn mua vui, xuân là người vợ:
Chưa chi anh đã vội về
Hay là xuân gọi anh về với xuân.
Còn trong lời khuyên nhủ của người vợ, xuân lại là người tình (câu trên) và hạnh phúc lứa đôi (câu dưới):
Chơi xuân nở nhớ đến hoa
Anh hãy về nhà xuân lại thêm xuân.
Cách tạo nghĩa mới của người bình dân thật tài hoa, độc đáo đã làm nên vẻ đẹp dân gian của từ xuân trong ca dao.
- Xem thêm: Phước Lộc Thọ ngày Tết