Ông Mitsuru Abe, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng ban thư ký của Hiệp hội Thúc đẩy Phổ cập AI và IoT. Với vai trò là nhà lãnh đạo tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số (DX) thông qua ứng dụng AI và IoT tại Nhật Bản.
Nhân sự kiện AIPA ký kết hợp đồng ủy thác và chuyển giao chương trình đào tạo AIMC (AI & IoT Master Consultant – Chuyên gia tư vấn AI và IoT) với Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân sự Phi&P tại Việt Nam, Doanh Nhân+ đã có cuộc phỏng vấn với Ông Mitsuru Abe chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về việc triển khai AI và IoT, tiềm năng phát triển của ngành này tại Việt Nam, và các đặc điểm nổi bật của chương trình AIMC khi chọn Phi&P là đơn vị đại diện cho AIPA tại Việt Nam. Đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về tầm nhìn và chiến lược của ông trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và khai thác tối đa các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
____
Là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong tư vấn AI và IoT tại Nhật Bản, ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm triển khai AI và IoT gần đây tại Nhật Bản không?
Tại Nhật Bản, việc triển khai AI và IoT đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào quá trình chuyển đổi số (Digital Transformation – DX). Các tập đoàn lớn đã tiên phong trong việc ứng dụng AI và IoT, nhiều công ty đã phát triển kinh doanh vượt bậc nhờ những công nghệ này. Chính phủ Nhật Bản cũng công nhận các công ty thực hiện chuyển đổi số bằng cách vinh danh họ là “Doanh nghiệp DX”.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng các công ty đang theo đuổi DX ngày càng tăng. Cá nhân tôi đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp này. Gần đây, tôi đã hỗ trợ một số công ty sản xuất vừa và nhỏ triển khai hệ thống ước tính AI và hệ thống quản lý thiết bị sản xuất bằng IoT.
Ví dụ, tại một công ty, hệ thống ước tính AI đã giải quyết được tình trạng giám đốc dựa vào kinh nghiệm cá nhân để ước tính chi phí, gây ra nhiều tắc nghẽn trong quy trình báo giá. Nhờ vào AI, công ty này có thể đưa ra ước tính nhanh chóng và chính xác dựa trên dữ liệu lịch sử, loại bỏ điểm nghẽn này.
Hệ thống quản lý thiết bị sản xuất bằng IoT cũng giúp theo dõi tình trạng hoạt động của từng thiết bị sản xuất, biến dữ liệu thành các biểu đồ dễ hiểu. Điều này tạo ra một môi trường làm việc mà nhân viên có thể học hỏi lẫn nhau, tăng cường năng suất và giảm chi phí. Những ví dụ như vậy không chỉ phổ biến ở các tập đoàn lớn mà còn đang lan rộng ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản. Hiệp hội của chúng tôi là tổ chức dẫn đầu trong việc hỗ trợ quá trình DX này tại Nhật Bản.
____
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của ngành AI và IoT tại Việt Nam, và vai trò của chương trình AIMC trong việc thúc đẩy ứng dụng AI và IoT vào các doanh nghiệp Việt Nam?
Việt Nam đang là một quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về kinh tế nhờ hệ thống Công nghệ thông tin rất được chú trọng trong chiến lược phát triển của quốc gia. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tài năng ngày càng tăng. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, các bạn có thể học hỏi và tham khảo thêm những bài học thành công từ Nhật Bản, nơi đang đối mặt với thách thức từ sự già hóa dân số và sử dụng AI, IoT để thúc đẩy DX.
Phương pháp quản lý của Nhật Bản tập trung vào sự hợp tác và sự mạnh mẽ của nhân viên thông qua mô hình quản lý từ dưới lên. Ngược lại, phương Tây thường áp dụng mô hình quản lý từ trên xuống. Chương trình AIMC không chỉ đơn giản là giới thiệu AI và IoT mà còn kết hợp hai phương pháp quản lý này, giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của mình.
____
Ông có thể nói về những đặc điểm nổi bật của chương trình AIMC? Những đặc điểm này sẽ mang lại lợi ích gì cho ngành AI và IoT tại Việt Nam?
Chương trình AIMC của chúng tôi đào tạo nên những Chuyên gia tư vấn cho các Doanh nghiệp từ khi có ý định triển khai AI và IoT cho đến khi hoàn thành quá trình chuyển đổi. Chúng tôi cung cấp một quy trình rõ ràng về các bước làm việc đi từ Tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của doanh nghiệp cho đến những chi tiết nhỏ về quá trình làm việc của nhân viên, giúp người quản lý và lãnh đạo dễ dàng đưa ra quyết định nên chuyển đổi và ứng dụng AI & IoT ở những bước nào. Ngoài ra, chương trình cũng sử dụng phương pháp quản lý từ trên xuống như Bảng điểm cân bằng (BSC) để thiết lập các chỉ số KGI (Key Goal Indicator) và KPI (Key Performance Indicator). Đồng thời, chương trình còn giúp cải thiện quy trình làm việc và giải quyết vấn đề từ dưới lên. Sự kết hợp giữa kỹ thuật và quản lý là điểm nổi bật khi chúng tôi đào tạo nên những chuyên gia Tư vấn AIMC bài bản cho Việt Nam.
____
Chương trình AIMC sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực AI và IoT như thế nào?
Các doanh nghiệp tại Việt Nam, dù là công ty nước ngoài hay trong nước, chủ yếu dựa vào lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, cạnh tranh chỉ dựa trên lao động giá rẻ sẽ không bền vững. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã chuyển từ sản xuất lao động giá rẻ sang gia tăng giá trị sản phẩm. Để làm được điều này, Việt Nam cần tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao và đổi mới sáng tạo, sử dụng AI và IoT làm công cụ hỗ trợ để tăng hiệu suất, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Hiện nay có rất nhiều chuyên gia giỏi về AI và IoT, nhưng để trở thành một chuyên gia tư vấn cho Doanh nghiệp thì chúng tôi phải đào tạo thật kỹ để nắm bắt được quy trình tư vấn, chứ không triển khai ứng dụng AI và IoT nhỏ lẻ như một kỹ thuật viên. Điều này giúp Doanh nghiệp được chuyển đổi số một cách có định hướng và chiến lược ngay từ đầu và làm đúng ngay từ những bước đầu.
____
Ông nghĩ chương trình AIMC sẽ tạo ra những thay đổi cụ thể nào cho hệ sinh thái công nghệ và doanh nghiệp tại Việt Nam?
Việc học hỏi quy trình tư vấn bài bản từ chương trình AIMC cùng các chuyên gia của AIPA sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, và cả các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Như tôi đã đề cập ở trên, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, nếu áp dụng AI và IoT đúng cách sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển của cả nước.
____
AIPA và Phi&P có kế hoạch cụ thể gì để nâng cao nhận thức và kỹ năng về AI và IoT cho các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam thông qua chương trình AIMC?
AIPA sẽ đào tạo trực tiếp cho đội ngũ giảng viên của Việt Nam thông qua Công ty Phi&P. Chúng tôi đã luôn tìm kiếm các đối tác và nhận thấy Phi&P có đủ năng lực và theo đuổi các giá trị tương đồng với chúng tôi về mục tiêu nâng cao hiệu suất, do vậy, chúng tôi chọn Phi&P là đối tác duy nhất để tiên phong triển khai chương trình AIMC tại Việt Nam. AIPA sẽ hỗ trợ phù hợp với tình hình triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi cũng dự định tổ chức các khóa đào tạo bổ sung và hỗ trợ tư vấn cho giảng viên và học viên thông qua Phi&P.
____
Ông dự đoán những thách thức nào khi triển khai chương trình AIMC tại Việt Nam và làm thế nào để giải quyết chúng?
Thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt các công cụ và dịch vụ AI, IoT tại Việt Nam so với Nhật Bản. Chương trình AIMC ban đầu chỉ được triển khai tại Nhật Bản, nhưng để triển khai tại Việt Nam cần sự hợp tác của các công ty Công nghệ và Tự động hóa tại Việt Nam. Qua tìm hiểu và trao đổi với Giám đốc điều hành của Phi&P, chúng tôi nhận thấy Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang làm tốt công việc này nhưng chỉ tự cung tự cấp chứ không có chuyên gia tư vấn từ bên ngoài. Do đó, chương trình AIMC cần được truyền thông rộng rãi và tìm kiếm đối tác nội địa phù hợp để có chi phí đầu tư cho việc ứng dụng tốt nhất, nếu sử dụng các doanh nghiệp Công nghệ từ Nhật bản sẽ rất mất thời gian và chi phí.
____
Sự hợp tác giữa AIPA và Phi&P sẽ có tác động tích cực như thế nào đến hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI và IoT?
Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Nhật Bản coi Việt Nam là bạn thân và ngược lại. Sự hợp tác kinh doanh lâu đời đã giúp Nhật Bản đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Sự phát triển của Việt Nam cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển quốc tế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI và IoT để nâng cao trình độ quản lý và hợp tác quốc tế là rất quan trọng.
____
Ông có thể chia sẻ về những thành công nổi bật của AIPA khi triển khai chương trình AIMC tại các quốc gia khác. Kinh nghiệm này sẽ được áp dụng như thế nào tại Việt Nam?
Cho đến nay, AIPA đã tổ chức rất nhiều chương trình tư vấn cho doanh nghiệp Nhật bản và đào tạo nên các chuyên gia tư vấn AI và IoT tại Nhật, nhưng việc triển khai chương trình AIMC đầy đủ tại Việt Nam là lần đầu tiên. Điều quan trọng là hiểu rõ đặc điểm của từng quốc gia và điều chỉnh chương trình phù hợp. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, nhưng vẫn bám sát với những yêu cầu theo tiêu chuẩn Nhật bản để đảm bảo chất lượng và giá trị bền vững cho Doanh nghiệp tại Việt Nam
____
AIPA cam kết như thế nào để đảm bảo sự phát triển dài hạn của chương trình AIMC tại Việt Nam?
AIPA tin rằng sự thành công tại Việt Nam sẽ là tiền đề cho việc triển khai tại các quốc gia khác, hiện nay chúng tôi cũng đang tiếp tục triển khai và mở rộng chương trình đến các quốc gia khác trong khu vực Châu Á. AIPA cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế với AOTS và JICA để phát triển lâu dài. AIPA sẽ củng cố tổ chức để hỗ trợ việc triển khai DX tại Nhật Bản và mong muốn phát triển cùng với Việt Nam. Chương trình AIMC tại Việt Nam là chiến lược quốc tế quan trọng của AIPA.
____
Ông nghĩ sự hợp tác với Phi&P sẽ đóng góp như thế nào vào việc phát triển nguồn lực Chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tư vấn AI và IoT tại Việt Nam?
Cá nhân tôi là người tiên phong trong triển khai DX bằng AI và IoT tại Nhật Bản, AIPA cũng đang đào tạo những giảng viên và tư vấn viên khác. Sự thành công của Phi&P tại Việt Nam cũng là sự thành công của AIPA. Chương trình AIMC rất quan trọng cho sự phát triển của cả hai nước và tôi tin rằng đối tác Phi&P sẽ làm tốt nhất vai trò của họ.
____
Xin cảm ơn ông.