McLaren Automotive hiện là một trong những thương hiệu về xe đua thương mại hiệu suất cao nổi tiếng và uy tín nhất toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được những thành công như hôm nay, McLaren Automotive đã phải trải qua nhiều sóng gió và thăng trầm trong hành trình hiện thực hóa sứ mệnh của tay đua, nhà phát minh và doanh nhân Bruce McLaren.
Hành trình trở thành một tên tuổi lớn của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu của McLaren Automotive xuất phát từ tình yêu và đam mê của Bruce McLaren dành cho những cỗ máy tốc độ. Sau những thành tích ấn tượng tại giải đua Công Thức 1, ông đã thành lập một đội đua riêng cho mình, lấy tên Bruce McLaren Motor Racing Ltd (BMR) vào năm 1963. BMR chính thức tham dự giải đua Công Thức 1 vào năm 1966 và giành được nhiều thành tích. Không chỉ dừng lại ở đó, Bruce McLaren còn tham gia nhiều thể thức khác như Can-Am hay 24 Hours of Le Mans…
Với thành công của mẫu xe M6A tại hạng đua Group 7, Bruce McLaren quyết tâm phá vỡ giới hạn của mình khi đưa ra kế hoạch tham gia hạng đua Group 4 GT, sẵn sàng đối đầu các ông lớn trong ngành như Ferrari, Porsche hay Alfa Romeo. Tuy nhiên, kế hoạch này bị cản trở bởi quy định của FIA về số lượng xe thương mại tối thiểu được phân phối trên thị trường.
Với cương vị là một kỹ sư và doanh nhân tài năng, Bruce McLaren đã thể hiện được tầm nhìn khi quyết định phát triển một mẫu xe thương mại dựa trên khung gầm của chiếc M6A và mang đầy đủ phẩm chất của những chiếc xe đua đến từ BMR. Tất cả khao khát đó được kết tinh trong mẫu xe nguyên bản M6GT. Đây cũng là chiếc xe yêu thích của Bruce McLaren và thường được ông dùng để đi làm cũng như di chuyển đến các sự kiện lớn.
Tuy nhiên, kế hoạch phân phối 250 chiếc M6GT đến người hâm mộ của Bruce McLaren đã không trở thành hiện thực khi ông qua đời trong một tai nạn vào năm 1970. Sự ra đi của ông đã để lại khoảng trống rất lớn tại BMR nói riêng và ngành công nghiệp xe hơi thế giới nói chung. Tuy nhiên, đội đua Bruce McLaren Motor Racing Ltd vẫn thi đấu thành công với nhiều danh hiệu ở các giải đua Công Thức 1, Can-Am và Indianapolis 500 dưới sự chỉ đạo của Teddy Mayer.
Trong năm 1981, McLaren đã được sáp nhập cùng đội đua Công Thức 2 Project Four của doanh nhân Ron Dennis, và chính thức mang tên gọi McLaren International. Không chỉ chia sẻ chung đam mê với những cỗ máy tốc độ, Ron Dennis còn có mong muốn đưa tên tuổi của Bruce McLaren tồn tại mãi cùng giải đua F1 và hoàn thành khao khát chưa được hiện thực hóa của ông. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặc lớn trong sự phát triển của thương hiệu McLaren.
Lần đầu tiên trong lịch sử giải đua Công Thức 1, John Barnard – nhà thiết kế lừng danh của Project Four, đã mang đến cấu trúc thân xe làm từ sợi carbon và hộp số bán tự động lên chiếc MP4/1. Kể từ thời điểm đó, thời kỳ huy hoàng của đội đua McLaren chính thức bắt đầu với những huyền thoại Niki Lauda, Alain Prost và Aryton Senna. Từ năm 1984 đến năm 1991, McLaren đã giành được 7 chức vô địch cá nhân và 6 chức vô địch nhà sản xuất.
Vào ngày 2/12/1985, McLaren Cars ra đời, chính thức mở ra một chương mới trong hành trình hoàn thành sứ mệnh của tay đua huyền thoại. Tại phòng chờ sân bay Milan sau chặng đua Italian Grand Prix 1988, 4 nhà quản lý cấp cao của McLaren đã đi đến quyết định tạo ra một mẫu xe thương mại hoàn hảo nhất trên thế giới. Thời khắc này cũng đánh dấu cột mốc thay đổi cả lịch sử ngành công nghệ xe hơi toàn cầu.
Với sự dẫn dắt của kỹ sư trưởng Gordon Murray cùng những công nghệ tiên tiến nhất từ giải đua Công Thức 1, dự án phải mất đến 4 năm mới chính thức hoàn thành tuyệt phẩm McLaren F1. Ngay từ thời điểm ra mắt, McLaren F1 đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục. Vào năm 1993, McLaren đã lập kỷ lục tốc độ 372 km/h cùng mẫu xe thử nghiệm XP3. Và đến năm 1998, dưới sự điều khiển của tay đua Andy Wallace, McLaren F1 đã thiết lập kỷ lục tốc độ trung bình 386.4 km/h, cùng tốc độ cao nhất được ghi nhận lên đến 391 km/h.
McLaren F1 giữ vững kỷ lục mẫu xe thương mại nhanh nhất hành tinh từ năm 1993 cho đến 2005. Tuy nhiên, sau gần 30 năm, đây vẫn là mẫu xe sử dụng động cơ hút khí tự nhiên nhanh nhất thế giới tính tới thời điểm này. Tổng cộng có 106 chiếc McLaren F1 được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 1998.
Vào năm 2010, McLaren Automotive chính thức được khai sinh sau khi tách ra từ McLaren Racing. Dự án đầu tiên của hãng, chiếc MP4-12C (hay được biết với tên gọi 12C), là mẫu xe đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn bởi McLaren Automotive. Và bắt đầu từ thời điểm trên, McLaren Automotive từng bước phát triển và dần trở thành một tên tuổi có chỗ đứng trong ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là trong phân khúc xe hiệu suất cao.
Năm 2013, mẫu hypercar McLaren P1 được ra mắt với số lượng sản xuất giới hạn 375 chiếc. Vốn được xem như hậu duệ của McLaren F1, P1 mở ra một bước phát triển mới về các dòng xe sử dụng công nghệ hybrid của hãng.
Hiện tại, danh mục những mẫu xe chính của McLaren Automotive bao gồm:
- GT: McLaren GT
- Super Series (Supercars): Artura, 720S, 720S Spider, 765LT, 765LT Spider
- Ultimate Series: Elva
Gần 60 năm kể từ ngày Bruce McLaren đặt từng viên gạch đầu tiên cùng đội đua Bruce McLaren Motor Racing Ltd, tên tuổi của ông vẫn sống mãi trong từng cỗ máy xuất xưởng tại Woking. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của những cá nhân xuất chúng, McLaren Automotive đã chứng minh được điều mà tay đua huyền thoại từng tâm đắc: “Nỗ lực hết sức đế đạt được một điều gì đó trong cuộc sống không bao giờ là một điều đáng xem nhẹ. Một cuộc đời thật vô nghĩa nếu chúng ta không sống và phấn đấu hết sức mình, đối với cá nhân tôi, cuộc sống được đếm bằng những thành tựu trong đời, không phải bằng năm tháng chúng ta đã sống được.”